Thứ 4, 08/05/2024 09:00:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:05, 14/06/2013 GMT+7

Đắng cay vì chơi hụi

Thứ 6, 14/06/2013 | 09:05:00 244 lượt xem

Gần 30 năm trước, tôi đã chứng kiến cảnh hàng trăm tiểu thương ở chợ Đông Ba (Huế) nhao nhác, ngỡ ngàng vì sau một đêm bao nhiêu tiền bạc, vốn liếng dành dụm bỗng chốc tiêu tan khi chủ hụi biến mất. Những năm gần đây, nhiều vụ vỡ hụi liên tiếp xảy ra với số tiền ngày càng lớn và cùng chung kịch bản là lợi dụng lòng tin, chủ hụi là người có tài sản, là người thân quen… Vỡ hụi là chuyện không còn mới nhưng nhiều người vẫn “cố tình” bị lừa!

GOM CẢ TIỀN DƯỠNG GIÀ

Như Báo Bình Phước đã đưa tin, 8 giờ ngày 4-12-2012, hàng trăm người dân ấp 11A, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh) đã viết đơn gửi UBND xã tố cáo bà Nguyễn Thị L, trú tổ 2, ấp 11A, lừa đảo gom tiền người nghèo bỏ trốn.


Hàng trăm người dân chủ yếu làm thuê đến đòi tiền trả ngân hàng nhưng cổng nhà bà L (ở Lộc Ninh) đã đóng kín

Gia đình ông H và bà L sinh sống ở Lộc Thiện trên 25 năm, có quán tạp hóa. Cách đây 2 năm, bà L lợi dụng tình làng nghĩa xóm dựng lên chân hụi gom hết số tiền làm thuê, làm mướn của đa số các hộ dân ở Lộc Thiện. Sáng 4-12, khi phát hiện bị lừa, hàng trăm người dân đã kéo đến nhà bà L để đòi nợ nhưng cổng nhà đã đóng kín. Theo phản ánh của người dân, tổng số tiền vỡ hụi gần 4 tỷ đồng. Các chân hụi đều được bà L rót mật vào tai “chịu khó góp tiền, cuối năm hốt hụi lãi cao” và lạ thay dây hụi bà L đều là hụi sống, vì rất ít người hốt được hụi. Trong số chân hụi có nhiều hoàn cảnh rất éo le như hộ chị Mai Thị Th, chồng làm công nhân, vợ không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khó khăn, phải ở nhà thuê, số tiền góp cho bà L đến ngày 4-12 là 13 triệu 65 ngàn đồng. Đặc biệt, trường hợp của bà Lê Thị H, 70 tuổi, neo đơn, không có vườn tược. Số tiền bà H đã góp là 45 triệu đồng. Đây cũng là tiền bà dành dụm khi còn lao động được để dưỡng già.

Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, chị H bán thịt heo ở chợ Lộc Ninh than thở, chưa năm nào buôn bán ế ẩm như năm nay. Chị H lý giải, chợ ế không phải giá mủ cao su giảm, công nhân ít lương mà chủ yếu do vỡ hụi. Giáp tết, cũng là thời điểm kết thúc chân hụi, người nghèo hốt hụi để sắm sửa cho gia đình. Tiểu thương hốt hụi để có vốn trữ hàng bán tết. Vỡ hụi, mất tiền chẳng ai còn tâm trí đâu để buôn bán, sắm sửa. Đầu chợ đến cuối chợ tiểu thương túm tụm suy đoán, ngóng chờ tin tức chủ hụi. Chị H chưa bao giờ chơi hụi nhưng cho biết: Đã lừa tiền thì chủ hụi không chừa một ai. Bà Kh năm nay đã gần 60 không còn lao động chỉ sống nhờ vào con. Nhờ giữ cháu nội, ngoại nên bà Kh được các con cho tiền. Bà đã chơi 2 chân hụi để tết có tiền đi chùa, du lịch cùng hội người cao tuổi nhưng đều bị chủ hụi chạy làng.

CHỈ TOÀN HỤI MA

Hụi cũng là hình thức góp tiền xoay vòng, người nào muốn lấy trước (hốt hụi non) phải bỏ tiền lời cao hơn và càng hốt cuối thì tiền lời càng nhiều. Đây chính là con “át chủ bài” để các chủ hụi lừa đảo gom tiền rồi bỏ trốn.

Năm 2009, thị xã Đồng Xoài vỡ hụi với tổng số tiền cả trăm tỷ đồng. Khi bể hụi mới té ngửa ai cũng vì lãi cao ngất ngưởng 8%/tháng, gấp 10 lần so với tiền lãi ngân hàng. Chủ hụi không chỉ lừa được những người ăn lương hoặc có tiền dư nhờ vườn rẫy mà nhiều tiểu thương ở chợ Đồng Xoài cũng mất tiền tỷ vì cho rằng bỏ tiền vào rồi lấy lãi cao.

Một chủ doanh nghiệp đã phân tích: Với doanh nghiệp vay ngân hàng lãi suất 20%/năm đã khó để sản xuất có lãi. Với lãi suất 8%/tháng thì không thể làm gì để đủ trả lãi vay. Như vậy, chủ hụi đưa mức lãi suất cao chỉ với mục tiêu gom tiền rồi bỏ trốn hoặc lấy tiền người này trả lãi người khác, sau đó tiêu xài vì không phải tiền mồ hôi, công sức bỏ ra. Khi chủ hụi hết khả năng thanh toán thì đánh bài “chuồn”. Chủ doanh nghiệp này cho rằng “Hụi hiện nay đều là hụi ma”. Nhưng người ta vẫn cứ chơi chỉ vì sự hấp dẫn “lãi cao”.                 

Nhóm PV

  • Từ khóa
45455

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu