Thứ 6, 26/04/2024 12:47:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 10:38, 29/08/2015 GMT+7

Con đường “khốn khổ”

Thứ 7, 29/08/2015 | 10:38:00 124 lượt xem
BP - Đó là đường ĐT756, điểm đầu giao với QL14 tại xã Minh Lập (Chơn Thành) và điểm cuối giao với ĐT748 tại trung tâm xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh). Đây là tuyến giao thông huyết mạch nối thông 6 xã của 3 huyện: Minh Lập (Chơn Thành), Tân Hưng, Thanh An (Hớn Quản), Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc Hiệp (Lộc Ninh) nên rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao dân trí. Từ lâu, đường ĐT756 là nỗi ám ảnh và khốn khổ của người dân mỗi khi lưu thông qua đây.


Phó chủ tịch UBND xã Lộc Phú Trần Văn Tiến Đường ĐT756 đoạn qua ấp Thanh Sơn, xã Thanh An 

Đoạn từ ngã ba Thanh An tới ngã ba Lộc Hiệp hiện đã xuống cấp trầm trọng, mặt đường lún nứt, bong tróc, xuất hiện nhiều “ổ gà”. Đoạn khốn khổ nhất là từ ngã ba Thanh An đến khu vực cầu số 6, đường lởm chởm đá, có chỗ lún xuống thành “ổ voi”. Đặc biệt là đoạn ở tổ 11, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An giáp với xã Lộc Quang. Mặt đường, đất cấp phối và bùn nhão lầy lội, trơn trượt, nước dồn đọng lại như ao. Mùa khô bụi bao trùm, bột đất đọng trên mặt đường dày 10cm, có chỗ hơn 15cm cản trở xe lưu thông. Đã thế, mặt đường thường chỉ được dặm vá bằng cách đổ đất vào hố voi, ổ gà khiến đường càng ngày càng lầy lội và bụi hơn.

Anh Nguyễn Tài Thuận, nhà ở tổ 11, ấp Thanh Sơn chuyên canh tác các loại rau, củ, quả cho biết: “Mỗi vụ gieo trồng gia đình thu được khoảng 3 tấn mướp, bắp, rau, đậu... nhưng tiêu thụ sản phẩm rất khó. Do đường xấu nên thương lái không tới, nếu vào thì họ chỉ mua với giá rẻ. Vì thế, gia đình phải tự mang nông sản đến chợ Thanh An và Thanh Lương bán. Do phải vật lộn vất vả với con đường nên mỗi chuyến tôi chỉ chở được 60-70kg”.

Chỉ vào vết sẹo chạy dài nơi khuỷu tay trái, anh Thuận nói: “Năm 2012, trong 1 lần chở hàng ra chợ, do đường trơn, tôi bị té ngã phải vào Trạm y tế Thanh An rửa vết thương và băng bó. Sau đó, tôi phải nghỉ lao động 20 ngày”.

Ở tổ 11, ấp Thanh Sơn có khoảng 30 hộ canh tác rau, củ, quả. Gặp thời điểm trời mưa, đường trơn, sản phẩm thu hoạch về không kịp tiêu thụ thường bị ế đọng, hư hỏng. Việc học tập của con em trong tổ 11 cũng vất vả. Hằng ngày, các cháu phải vượt khoảng 7km đến Trường THCS Thanh An. Nguy hiểm từ những xe tải nặng chở đá ở mỏ Thanh Sơn luôn rình rập học sinh khi lưu thông trên đường. Ngày mưa, phụ huynh phải bỏ việc vườn rẫy để đưa đón con em đi học.

Anh Trần Đình Trường (36 tuổi) là thương lái ở thôn 2, xã Long Tân (Phú Riềng) cho biết: “Tôi chuyên mua rau, củ, quả, gia súc, gia cầm trong các ấp, sóc ven tuyến ĐT756 và ĐT757 của các xã Thanh An, Lộc Quang... mang về chợ Bù Nho, huyện Phú Riềng bán. Mỗi ngày tôi đi 2 chuyến, chở bằng xe máy khoảng từ 100-150kg. Đường ĐT756 mà tốt, tôi chở 200-250kg là chuyện thường. Có lần tôi mua một chuyến nặng, trên đường về gặp mưa, đường trơn bị té. Hậu quả là ngoài bị đau, xe hỏng còn bị giập nát 80% hàng hóa”.

Con đường “khốn khổ” ảnh hưởng lớn đến việc nâng cao dân trí, giao lưu, học tập của người dân không thể đếm được. Cán bộ, nhân dân các xã bị ảnh hưởng của ĐT756 mỗi khi về trung tâm tỉnh công tác, học tập phải chịu nhiều vất vả. Có người ngại đi học, công tác chỉ vì đường xấu.

“Người dân rất mong ngành chức năng sớm quan tâm làm đường ĐT756, góp phần nâng cao dân trí, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trong khu vực” - ông Trần Văn Tiến nói.        

Việc giao thương, công tác, học tập, đi lại của người dân ở các xã Lộc Hiệp, Lộc Phú và Lộc Quang, huyện Lộc Ninh với trung tâm hành chính tỉnh gặp nhiều khó khăn do ĐT756 hư hỏng. Thương lái khi đến Lộc Phú thu mua nông sản thường phải vận chuyển vòng lên Lộc Hiệp rồi theo ĐT748 ra ngã ba Hoa Lư đi QL13. Nếu theo lộ trình này, tính từ ngã ba Lộc Hiệp đến Minh Lập xa hơn khoảng 40km. Chi phí vận chuyển tăng lên do đi vòng, khiến sản phẩm làm ra của người dân Lộc Phú, Lộc Quang khó tiêu thụ và cạnh tranh về giá.

Sỹ Hòa

  • Từ khóa
52227

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu