Thứ 4, 24/04/2024 22:43:38 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:09, 28/11/2015 GMT+7

Chuyện lạ ở Phước Minh

Thứ 7, 28/11/2015 | 13:09:00 1,396 lượt xem
BP - Lâu nay, từ việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai đã có không ít người vào tù, bị tàn phế, gia đình ly tán, anh em, cha mẹ, họ hàng... từ mặt nhau. Thế nhưng, việc ngang nhiên chiếm đất thuộc quyền sở hữu của người khác để xây nhà, dựng quán mới là chuyện lạ. Cái lạ ở đây là không chỉ xảy ra 1 lần mà đến 3 lần, dù trước đó tòa án 2 cấp đã tuyên buộc kẻ chiếm đoạt phải trả lại đất cho chủ sở hữu. Đây là lần thứ 3, người chiếm đất đã xây xong nhà mà chính quyền xã vẫn chưa có động thái gì… Đó là những chuyện lạ ở xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập.

Nguồn gốc của lô đất

Anh Lê Văn Phượng (1980) trú thôn Bình Lợi, xã Phước Minh cho biết, từ trước năm 1996, cha mẹ anh là ông Lê Văn Cương, thương binh hạng ¾ và bà Trương Thị Trinh (đều đã mất) là chủ sở hữu thửa đất nằm sát đường đoạn qua xã Đa Kia (Bù Gia Mập) đi Bù Đốp, thuộc địa phận thôn 2, xã Đa Kia cũ. Nay thuộc thôn Bình Lợi, xã Phước Minh, mặt tiền dài 121m, sâu ở phía nam 54m và sâu ở phía bắc 62m. Thửa đất trên đã được UBND huyện Phước Long cũ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H438765 vào ngày 5-3-1996 cho ông Lê Văn Cương.

Căn nhà do ông Ái xây trên đất thuộc chủ quyền của ông Cương lúc phóng viên xuống hiện trường (nay đã hoàn thiện)

Sau khi bà Trinh, ông Cương mất  (năm 2003), 8 người con của ông bà thống nhất giao cho anh Phượng là con thứ 5 trông coi, quản lý. Anh Phượng chỉ trồng một ít cây chuối và điều. Năm 2008, xã Phước Minh được tách ra từ xã Đa Kia nên giá đất ở đây tăng cao. Vì vậy, lô đất của vợ chồng ông Cương để lại cho các con bị nhiều người nhòm ngó.

“Sứt đầu mẻ trán” vì đất

Lô đất nhà anh Phượng bỏ không nên có người rắp tâm chiếm đoạt. Anh Phượng kể: “Đầu tháng 3-2014, ông Đặng Đức Ái (1960, ở đối diện với nhà anh Phượng) thuê người lén sang đất của tôi dựng 1 căn nhà gỗ. Tôi tới nói chuyện phải quấy thì ông ấy cho rằng mình dựng nhà trên đất hành lang lộ giới đường bộ, tức đất của nhà nước, không liên can gì đến đất của tôi. Tôi nói, đất hành lang đường cũng là do nhà nước trừ vào phần đất của tôi. Bởi theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của tôi thì đất nằm sát đường và mặt tiền dài 121m. Hơn nữa, khi UBND huyện Phước Long cấp sổ đỏ cho cha tôi không trừ hành lang lộ giới. Chúng tôi chỉ giao lại khi nhà nước thu hồi hay có nhu cầu mở đường. Lý là vậy nhưng ông Ái không nghe mà còn đòi hành hung tôi. Biết không thể cãi lý với người liều, tôi đã gửi đơn ra UBND xã Phước Minh nhưng không ai giải quyết?”.

Theo hồ sơ vụ án, sau khi gửi đơn lên UBND xã nhưng không được can thiệp, anh Phượng gọi điện thoại cho anh trai Lê Văn Hằng (1972) sống ở thị trấn Thanh Bình (Bù Đốp) về giải quyết. Anh Hằng liền rủ nhiều anh em, bằng hữu về tháo dỡ căn nhà gỗ do ông Ái dựng lên. Khi về đến nơi, thấy ông Ái cầm xà beng định ném anh Phượng, anh Hằng liền chụp 1 cây sắt vuông, dài 60cm chạy tới đánh vào đầu ông Ái, làm ông bị nứt sọ, máu tụ ngoài màng cứng phải phẫu thuật. Theo kết luật của Tổ chức Giám định pháp y tỉnh ngày 14-5-2014, ông Ái bị tổn thương cơ thể do thương tích gây ra là 31%. Hằng bị Viện kiểm sát nhân dân huyện ra quyết định truy tố về tội cố ý gây thương tích. Ngày 27-1-2015, Tòa án nhân dân huyện Bù Gia Mập tuyên phạt bị cáo Hằng 3 năm 5 tháng tù giam và phải bồi thường cho ông Ái 48,064 triệu đồng... Ông Ái kháng cáo, đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét thêm hành vi của anh Phượng và buộc bị cáo Lê Văn Hằng bồi thường thêm 40 triệu đồng. Ngày 8-9-2015, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm để xét xử lại vụ án theo đơn kháng cáo của ông Đặng Đức Ái. Tại phiên tòa, hội đồng xét xử chỉ tuyên phạt Lê Văn Hằng 3 năm tù nhưng buộc phải bồi thường cho ông Ái tổng cộng 88,064 triệu đồng.

Trước đó, vào năm 2005, ông Đặng Hữu Điển, anh trai ông Ái cũng đã có hành vi lấn chiếm 261,36m2 đất của anh Phượng. Hai bên kéo nhau ra tòa phân giải và ở cả cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm đều tuyên buộc ông Điển phải trả lại đất cho ông Cương. Thế nhưng, ông Điển cương quyết không trả, không chấp hành bản án mà 2 cấp đã tuyên. Trước sự chây ỳ của đối tượng, ngày 19-8-2005, cơ quan Thi hành án dân sự huyện Phước Long ra quyết định cưỡng chế đối với ông Đặng Hữu Điển để giao trả lại cho ông Lê Văn Cương diện tích đất lấn chiếm.

“Mồi ngon” khó bỏ

Những tưởng các vụ tranh chấp đất nêu trên đã giải quyết dứt điểm vì công lý được thực thi. Và hậu quả do tranh chấp đất là bài học đắt giá cho những ai có lòng tham. Thế nhưng, theo lời tố cáo của anh Phượng: “Đầu tháng 11 vừa qua, ông Đặng Đức Ái lại huy động nhân công, phương tiện chở đất đá sang vườn nhà tôi san lấp mặt bằng và xây nhà cấp 4 trên diện tích đất có chiều ngang 5m và dài 62m. Trong khi đó, ông Điển tiếp tục cơi nới hàng rào giữa 2 gia đình sang phần đất nhà tôi thêm 5m ngang và 62m dài. Ngay khi ông Ái tập trung vật liệu xây nhà, tôi đã làm đơn cầu cứu đến UBND xã Phước Minh nhưng không ai can thiệp. Hiện ông Ái đã xây xong nhà và anh em chúng tôi bị mất đất 10m ngang, 62m dài bởi 2 anh em người hàng xóm”.

Sau khi nhận được đơn tố cáo của anh Phượng, chúng tôi về hiện trường thì thấy căn nhà gỗ bị tháo dỡ một phần của ông Ái vẫn còn ở phía nam lô đất sát nhà anh Phượng. Ở phía bắc phần đất nhà ông Cương, công trình xây dựng nhà của ông Ái tấp nập nhân công và đang đi vào giai đoạn hoàn thiện. Còn anh Phượng ngược xuôi gõ cửa cầu cứu cơ quan chức năng... Hỏi người dân trong vùng về việc tranh chấp, ai cũng khẳng định đó là đất của ông Cương để lại cho các con. 1 người dân tố cáo: “Chúng tôi nghe chuyện, thấy việc lấn chiếm là quá thất đức nhưng phía ông Ái nói rằng mình chỉ lấn đất ở hành lang bảo vệ đường bộ, chứ không lấn đất nhà ông Cương?”.

Vai trò của chính quyền ở đâu?

Đến UBND xã Phước Minh, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì trụ sở vắng lặng, dù chỉ mới 15 giờ ngày giữa tuần. Khi đó có dăm ba người dân đến liên hệ công việc nhưng vì không có lãnh đạo nên họ lầm bầm phóng xe máy bỏ đi. Một anh dân quân hỏi chúng tôi: “Anh đến có việc gì, lãnh đạo đi vắng hết rồi”. Thấy tầng 2 có vài phòng mở cửa, chúng tôi bảo có hẹn rồi nhanh chân bước lên cầu thang. Phòng làm việc của Bí thư Đảng ủy xã quạt trần quay vù vù nhưng cửa phòng đã khóa ngoài. Phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã không khóa cửa chỉ khép hờ nhưng không có ai. Phòng làm việc của các phó chủ tịch UBND xã cũng đều khóa ngoài. Phòng làm việc của Phó bí thư thường trực Đảng ủy có người.

Chúng tôi giới thiệu mục đích cuộc thăm và hỏi: “Mới 15 giờ 30 phút sao vắng vậy chị?”. Bà Bùi Thị Thảo, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Phước Minh phân bua: “Sáng nay, huyện triệu tập cán bộ chủ chốt nghe thời sự và triển khai nghị quyết nên anh em từ phó chủ tịch đến bí thư đều đi hết. Tôi cũng dự trên đó nhưng hôm nay huyện làm hơi trễ nên tận trưa mới nghỉ. Chắc mấy anh xuống thôn hết, chúng tôi cũng hay xuống thôn lắm...?”. Về việc tranh chấp đất, bà Thảo nói chưa nghe, dù từ trụ sở UBND xã ra đến hiện trường vụ tranh chấp chỉ khoảng 4km, lại nằm trên đường lớn vào xã?

Ra về, chúng tôi băn khoăn mãi bởi câu hỏi, vì sao 1 vụ việc đơn giản nhưng lại kéo dài và để lại hậu quả, người vào tù, người mang thương tật mà vẫn không giải quyết dứt điểm. Giá như, ngay từ đầu chính quyền xã có biện pháp mạnh như: lập biên bản hiện trường và đình chỉ xây dựng, xử phạt việc xây dựng không phép thì chắc chắn anh Lê Văn Hằng không phải vào tù và ông Ái không bị đánh nứt sọ não. Và hôm nay, anh em ông Ái, Điển không thể tái diễn việc xây nhà trên đất người khác?                                   

T.Phong

  • Từ khóa
52987

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu