Thứ 7, 20/04/2024 01:30:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:07, 23/02/2013 GMT+7

Chữa “bách bệnh” bằng... niềm tin

Thứ 7, 23/02/2013 | 09:07:00 256 lượt xem

>> Thầy Năm “bá đạo”

>> Tôi đi gặp “lang băm”

Sau khi Báo Bình Phước đăng loạt bài “Tôi đi gặp lang băm” số ra ngày 30-11 và 3-12-2012), chúng tôi tiếp tục thâm nhập vào thực tế và biết được nhiều lang y hành nghề theo kiểu “ông đồng, bà cốt”. Có người trị bệnh bằng nước lã, người trị bệnh bằng nhang, người lại trị bệnh bằng “đạo”... Nhìn chung, ở đâu có “thầy, bà” ở đó có dịch vụ chữa bệnh, cúng tế... và các cò mồi ăn theo. Người bệnh đến đây đa phần là những tín đồ... cuồng tín với đức tin không... biên giới hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo mà các bác sĩ tây y đã phải trả về.

Đến xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) hỏi nhà cô Chín (tên thật là Thu) “chữa bệnh” hầu như ai cũng biết và chỉ dẫn nhiệt tình. Qua đập thủy điện Thác Mơ khoảng 200m, dừng lại trước căn nhà nhỏ, chúng tôi hỏi: Đây có phải nhà cô Chín không? Hai người phụ nữ quay lại nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét. Sau khi “quay” chúng tôi một vòng với các câu hỏi như từ đâu đến, ai giới thiệu và trị bệnh gì... chúng tôi cũng được dẫn đến phòng khám của cô. Tại đây, chứng kiến phương pháp trị bệnh của cô chúng tôi nhận ra: “Bệnh gì cũng một kiểu chữa”.

BẮT BỆNH CHỈ CẦN NẮN VÀ XOA

Nơi khám bệnh là một căn phòng nhỏ chừng 16m2 - là phòng khách của căn nhà. Trong nhà có một bàn thờ nhỏ xây lem nhem được bày ít hoa quả là nơi khấn vái xin “cô Chín” nhập về chữa bệnh. Bước ra với bộ đồ màu nâu, cô Thu hỏi chúng tôi dăm ba câu rồi đến trước bàn thờ thắp nhang, khấn vái. Chúng tôi cùng 12 người bệnh ngồi xung quanh cũng quỳ lạy theo. Cô Thu lẩm bẩm nhưng có thể nghe được, đại loại: “Nam mô A Di Đà Phật, ngũ phương, ngũ hướng, ngũ hành, ngũ vị thánh bà, cô Chín thượng ngàn, chư vị tôn ông, thập nhị triều cậu, thập nhị triều cô...” và kêu gọi trời đất, thần thánh, cô cậu về chứng giám với một tràng ngôn ngữ khác nhau chỉ “thánh” mới hiểu được.

Cô Thu (bên phải) với những “chiêu thức” chữa bệnh kỳ bí

Khoảng 5 phút sau khi lắc lư, lẩm bẩm cô Thu đã trở thành “cô Chín”. Cô lên tiếng: “Ở đây, ta chữa miễn phí không lấy tiền nhưng phải tin và có tâm mới lành được. Nhiều người ở tận Thành phố Hồ Chí Minh hay tỉnh Bình Dương đã được bệnh viện trả về nhưng tới đây chỉ khoảng 3, 4 tuần là khỏi”. Chị N (nhà ở xã Bù Nho) cho hay: “Cô chữa bệnh hay lắm, bệnh gì cũng khỏi. Trước kia hai mẹ con (cô Thu sống cùng một người con trai) cạo hạt điều sống qua ngày, tỉnh dậy sau cơn bệnh thập tử, được “cô Chín” thương tình cho hưởng lộc trời”. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng khi tiếng “cô Chín” vang lên: “Trong ba ngày đầu tiến hành mở huyệt, sau đó sẽ giác và cho lá về sắc thành thuốc uống, chịu khó như vậy trong 4 tuần bệnh gì cũng khỏi”.

Nhiều người bệnh cho biết, mở huyệt là để cho thông máu và tìm bệnh của mình. Ban đầu cô xoa trên đầu, bụng, nắn tay, nắn chân, sau đó úp người lại kèm theo những động tác rất mạnh tay. Sau 10 phút nằm “chịu đòn” với cơ thể ê ẩm, cuối cùng tôi cũng được cô Chín phán bệnh: “Đau hai bả vai, tất cả các cột sống đều đau, nặng nhất là ba đốt sống cuối cùng. Tóm lại, đang bị thoái hóa cột sống, không chữa trị kịp thời sẽ lan xuống hai chân dẫn đến bị liệt không đi được”. Ngoài căn bệnh khủng khiếp đó, tôi còn thêm bệnh “người âm” theo. Sau khi giải thích “người âm” cho chúng tôi, cô Chín còn chỉ cách mua lễ vật tam sên gồm: một con cua, một quả trứng vịt (chia làm 3 phần) và ba con tôm, hoa cúc, trái cây phải năm loại, hình nhân thế mạng nữ, hình nhân thế mạng nam và một bài khấn để cúng cho “người âm” đừng theo nữa... Tất cả phải được chuẩn bị đầy đủ để đến tối mồng Một âm lịch cúng. Khi chúng tôi có nhã ý nhờ cô cúng giùm thì dường như thấy mình không đủ năng lực, cô từ chối: “Việc này hai vợ chồng tự cúng được mà, cứ làm theo lời ta dặn”.

THÁNH VỀ CHỮA BỆNH VẪN NHẬN TIỀN

 Lời quảng cáo: “Cô Chín mượn “xác” nên chữa bệnh miễn phí, không lấy tiền của ai” không còn đúng khi mà trên bàn thờ vẫn đặt một dĩa nhỏ để người bệnh trả tiền công. “Chữa bệnh phải kiên trì và có tâm” nên tất nhiên ngày nào người bệnh cũng đến khám và lấy thuốc. Theo quan sát của chúng tôi, trong nhà có rất nhiều thang thuốc được chia theo từng loại bệnh, mỗi người đến khám và lấy thuốc đặt ít nhất là 20 ngàn đồng, còn một số khác thì tùy tâm. Chính vì thế, hàng tháng cô Thu vẫn có thu nhập gấp nhiều lần người lao động bình thường. Ngoài nhà cô Thu, cũng ở huyện Bù Gia Mập chúng tôi tìm đến các “thầy lang” như: cô Ai, cô Hoa... Trên đường đến nhà “các cô, các cậu” chúng tôi được nhiều người giới thiệu về trình độ chữa bệnh cũng như uy tín “lẫy lừng” của các vị này. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm đến không có lấy một bóng người chữa bệnh.

Trong những năm gần đây, một số người đã lợi dụng tự do tín ngưỡng để tư lợi, làm giàu cho bản thân. Với nhiều hình thức khác nhau như chữa bệnh hoặc cúng bái với những lời lẽ huyền bí, bộ phận này đã đánh trúng tâm lý của nhiều người trong xã hội. Người bệnh không chữa được bệnh mà còn rước thêm họa vào thân. Rất  mong người dân cảnh giác để không bị tiền mất tật mang.

Thanh Nga

  • Từ khóa
92179

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu