Thứ 6, 26/04/2024 15:46:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:57, 31/05/2016 GMT+7

“Chim lạ” xuất hiện ở Lào Cai là loài có nguy cơ tuyệt chủng

Thứ 3, 31/05/2016 | 15:57:00 297 lượt xem
BPO - Các chuyên gia sinh học Hội Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên Việt Nam cho biết, những con “chim lạ” xuất hiện trên những cánh đồng lúa ở xã Bản Qua, Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) trong những ngày gần đây là loài cò nhạn.
Ảnh minh họa

Cò nhạn là loài chim chân dài, mỏ nhọn, lông màu xám, sải cánh rộng, thuộc họ hạc, tên khoa học là anastomus oscitans đang có nguy cơ bị tuyệt chủng, cần bảo vệ nghiêm ngặt. 

Trong những năm gần đây loài chim này đã liên tiếp xuất hiện ở nhiều địa phương khu vực miền Bắc như Hà Nam, Ninh Bình, Điện Biên, Lai Châu. Cụ thể, những ngày cuối tháng 4-2012, một đàn cò nhạn khá đông đã di cư đến địa bàn hai xã Mường Tè, Mường Mô của huyện biên giới Mường Tè, tỉnh Lai Châu và người dân đã đổ xô đi săn bắt. 

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khi đó đã lên tiếng cảnh báo, kêu gọi các cơ quan chức năng hướng dẫn cộng đồng cùng bảo vệ. Chính quyền địa phương đã thực hiện nghiêm cấm các hoạt động xâm hại vùng trú ngụ, vùng tìm kiếm thức ăn và các hoạt động săn bắn trái phép. Nhờ đó, đàn cò nhạn được bảo vệ và năm nay lại quay về vùng Tây Bắc, nhất là những khu vực có rừng xung quanh công trình thủy điện Lai Châu. 

Cò nhạn thường sống ở các nước khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Ở Việt Nam cũng chỉ xuất hiện ở một vài nơi như miền Tây Nam Bộ và Tây Ninh với số lượng không nhiều. 

Loài cò này tương đối hiền lành và khá to (cho nhiều thịt), nên dễ bị người dân địa phương săn bắn khi chúng kiếm ăn trên đồng ruộng, hoặc khi ngủ nghỉ trên cây. Nếu môi trường giàu thức ăn và được bảo vệ tốt, loài cò này sẽ sống định cư. Đặc tính này của cò nhạn sẽ mất khi vùng sinh sống và nơi tìm kiếm thức ăn bị thu hẹp, buộc chúng phải di cư tới vùng khác. 

Thức ăn chủ yếu của cò nhạn là các loại ốc, các loài động vật thủy sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Chúng ưa thích sinh cảnh các vùng đất ngập nước ngọt như là hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
55056

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu