Thứ 6, 26/04/2024 22:43:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:15, 17/05/2017 GMT+7

Cao su giống trúng mùa và khuyến cáo của ngành nông nghiệp - Bài 1

Thứ 4, 17/05/2017 | 06:15:00 803 lượt xem
BP - Đã lâu lắm rồi mới thấy lại nụ cười của người nông dân tại các vựa giống cao su ở Chơn Thành. Giá mủ cao su trong nước tăng, thị trường tiêu thụ cây giống của 2 nước bạn Lào và Campuchia tăng mạnh đã làm thị trường giống cao su trong nước sôi động. Những hộ làm giống cao su truyền thống phấn khởi, còn hộ chưa từng làm cũng đầu tư kiếm chút lợi nhuận cải thiện cuộc sống.

SÔI ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

“Chị có 2 cái điện thoại, một cái chuyên liên hệ làm ăn với khách hàng ở Campuchia và Lào. Đây em xem, toàn tên nước ngoài. Còn đây là tin nhắn họ chuyển khoản về cho mình” - chị Lê Thị Thảo, chủ một vựa giống cao su ở ấp Hòa Vinh 1, xã Thành Tâm (Chơn Thành) “lướt” trên chiếc điện thoại Iphone 5 sử dụng còn chưa thành thạo cho chúng tôi xem nội dung giao dịch giữa chị và đối tác. Hàng loạt tin nhắn với số tiền giao dịch vài triệu đến hàng chục triệu đồng cùng tiếng cười giòn tan của chị Thảo cho thấy mùa làm giống năm nay của người dân Chơn Thành khởi sắc.

Cung không đủ cầu

“Chị chỉ liên lạc qua điện thoại và giao dịch?” - tôi hỏi chị Thảo. “Làm ăn cốt phải tin nhau em à. Mình có qua được bên đó đâu mà gặp họ. Khi nhận đơn hàng, chị cho bốc lên xe chở thẳng ra biên giới. Họ nhận được hàng như đã đặt thì chuyển khoản cho mình. Chị làm ăn đã nhiều năm rồi, sản phẩm của mình khách đều biết” - chị Thảo nói.

Tiếp chúng tôi, nhưng chị Thảo vẫn luôn tay luôn chân với công việc trên khoảnh đất làm cây giống. Năm, mười phút chị lại nghe điện thoại của bạn hàng và những người cùng nghề thảo luận về giá. “Việc nhiều lắm. Làm từ sáng tinh mơ đến mặt trời khuất bóng. Năm nay, giống cao su không đủ cung cấp cho thị trường nên phải làm miệt mài” - chị Thảo hào hứng.

Ảnh 1: Công nhân của vựa chị Lê Thị Thảo chăm sóc cây giống. Ảnh 2: Con dâu chị Lê Thị Thảo mỗi ngày cùng cha mẹ ra vườn ươm lựa chọn, sắp xếp cây giống cho đồng đều. Ảnh 3: Thị trường giống cao su đang hút nên hộ chị Thân Thị Loan cũng mua stump bầu về chăm sóc bán kiếm lời.

Gia đình chỉ có 5 sào đất, chị Thảo dành toàn bộ vườn ươm khoảng 50 ngàn cây giống. Để chăm sóc số cây này, ngoài hai vợ chồng, chị còn thuê thêm nhân công. “Muốn có cây giống chất lượng xuất đi là cả một kỳ công của người làm nghề. Họ phải bắt đầu công việc trước đó 1 năm, từ khi hạt cao su rụng xuống, qua thời gian ươm, ghép, chăm bón và chỉ bán được trong vòng 4 tháng. Số cây tồn lại phải hãm không cho phát triển để dành năm sau bán. Giá thuê nhân công phụ đảo cây, tưới, bón phân một ngày hiện là 200 ngàn đồng...” - chị Thảo cho biết.

Nhờ kinh nghiệm gần 30 năm lăn lộn với nghề, chị Thảo có thể nhận biết các loại giống cao su chính xác. Vì vậy, chị đã thu mua lại của những người làm giống trong ấp để có đủ đơn hàng. “Mình phải giữ uy tín. Mua lại của người khác nhưng cũng là bạn hàng làm lâu năm với mình. Chỉ với hơn 100 ngàn cây giống bán cho bạn hàng nước ngoài từ đầu vụ đến nay, mình cũng kiếm được kha khá” - chị nói.

Nhà nhà làm giống

Ấp Hòa Vinh 1, xã Thành Tâm có 223 hộ nhưng 99% số hộ làm giống cao su. Trưởng ấp Dương Trọng Quân cho biết: Hầu hết các hộ chỉ có vài sào đất nên ai đến đây lập nghiệp cũng làm giống cao su. Ước tính năm nay diện tích làm giống của các hộ dân trong ấp lên đến hơn 100 ha, gồm cả diện tích thuê ngoài ấp để làm. Vợ chồng trưởng ấp đã ngoài 65 tuổi, cuộc sống cũng đã khá giả song vẫn tận dụng diện tích đất ít ỏi làm cây giống. Nói như ông, đầu tư mà thuê hoàn toàn thì lãi chẳng được bao nhưng “người ta làm mà mình không làm thì buồn bực chân tay lắm”. Năm nay giá cao su giống lên, ông bà thuê người làm 20 ngàn cây cũng lãi khoảng 80 triệu đồng.

Năm nay làm giống cao su trúng lớn nên chị Lê Thị Thảo rất phấn khởi

Khác với chị Thảo, phần lớn các hộ dân ở ấp Hòa Vinh 1 làm ăn nhỏ lẻ, tận dụng mọi diện tích và sử dụng nhân công trong gia đình. Trưởng ấp Dương Trọng Quân dẫn chúng tôi tới hộ chị Thân Thị Loan. Đây là hộ nghèo, chị Loan và con gái đau bệnh thường xuyên. Năm nay, thấy mọi người làm giống cao su trúng nên chị cũng làm. Khi chúng tôi tới, chị Loan cùng con gái và 2 bạn học của con đang đảo cây giống. Chị cho biết: “Làm stump bầu khi đã ra lá phải thường xuyên đảo cây để không bắt rễ xuống đất, chột cây. Gia đình làm ít nên không thuê lao động. Cây giống làm ra bán cho các vựa lớn vì họ mới có mối tiêu thụ. Làm ít như chúng tôi chỉ cố gắng bảo đảm chi tiêu trong gia đình, lo cho con ăn học...”.

Gần 6 giờ tối, chúng tôi đến thăm anh Trần Sỹ Thành ở ấp Hòa Vinh 1, có nhà và vườn nằm mặt tiền quốc lộ 13, ngay khu trung tâm làm giống cao su trên địa bàn. Anh Thành vẫn đang ngoài vườn. Do năm nay nhân công khan hiếm nên không thuê được người làm. “Người ta ghép chỗ khác xong đến lượt mình thì trễ vụ” nên vợ chồng anh tự làm.

Từ đầu vụ đến nay, anh bán được hơn 10 ngàn bầu giống. Với tổng cộng khoảng 50 ngàn bầu giống, năm nay anh “trúng” lớn vì giá gấp đôi so với năm trước. Anh làm nhiều nhưng không ký hợp đồng từ đầu vụ với đối tác nào do dự đoán thị trường năm nay cây giống sẽ hút hàng, giá bán sẽ tăng cao. Anh Thành chuyên làm bầu hạt. Theo anh, giá một bầu hạt 4.000 đồng, nếu bán được trên 4.000 đồng/bầu là có lãi, trong khi giá năm nay một cây giống bầu hạt bán được 10.500 đồng.

Làm một phép tính đơn giản cho thấy, với 10 ngàn bầu hạt, nhà nông làm cây giống ở Thành Tâm có lời khoảng 50 triệu đồng. Với mức giá này, nhà nông làm cây giống ở Chơn Thành đang có một vụ “trúng lớn”? Trả lời câu hỏi này, Trưởng ấp Dương Trọng Quân không nói rõ mà chia sẻ: “Gia đình tôi vào sống ở ấp Hòa Vinh 1 năm 1991. Từ đó đến nay, gia đình tôi cũng như người dân trong vùng đều gắn với nghề làm giống cao su. Nghề nào cũng có lúc thịnh, lúc suy. Năm nay giá cao nhưng sang năm chưa dự đoán được”. Đây cũng là nhận định của tất cả hộ làm cây giống nhỏ lẻ chúng tôi tiếp xúc ở Chơn Thành. Chủ tịch UBND xã Thành Tâm Phan Xuân Quế cũng thận trọng đánh giá: “Thị trường giống cao su năm nay khởi sắc. Với giá mủ đang tăng như hiện nay, người dân sẽ trồng mới lại diện tích cao su thanh lý. Giá stump cao su cũng đang cao, người làm giống rất phấn khởi”.

Đánh bạc với thị trường

Các vựa giống cho biết năm nay do giá cao su tăng nên người dân rục rịch thay diện tích cao su già để trồng mới đã góp phần kích cầu. Song đó không phải là nguyên nhân chính dẫn tới giá tại trung tâm giống cao su tiểu điền Chơn Thành không chỉ cao hơn nhiều so với những năm trước, mà còn “cháy hàng” - một điều hiếm khi xảy ra. Với truyền thống là nơi khởi nguồn cũng như có diện tích lớn nhất trong cả nước, các vựa giống cao su tiểu điền ở Chơn Thành thường không chỉ tính toán khá chính xác cho mùa mưa năm sau, mà còn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thị trường ngay cả đối với những thời điểm “nhà nhà trồng cao su”. Thế nhưng năm nay, hầu hết vựa giống cao su lớn ở Chơn Thành đều không dự báo được thị trường bởi một lý do rất đặc biệt: Sản xuất cây giống cao su của Thái Lan giảm mạnh do thời tiết bất lợi và thực hiện giảm sản lượng mủ theo thỏa thuận của Hội đồng quốc tế cao su 3 bên ITRC (3 nước sản xuất cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia quyết định cắt giảm sản lượng nhằm cải thiện giá mủ).

Hiện thị trường đang ưa chuộng giống cao su BP2-3-5. Một stump bầu BP2-3-5 có giá bán lẻ khoảng 30 ngàn đồng, còn ở vựa chị Thảo bán sỉ 17 ngàn đồng. Kế đến là giống lai hoa có giá bán 12 ngàn đồng/ stump bầu. Theo kinh nghiệm chọn giống của chị Thảo, để phân biệt giữa hai giống này bằng cách nhìn lá và thân cây. Giống BP2-3-5 lá nhọn, thân cây màu xanh ngả trắng, còn lai hoa thân màu xanh đậm, đầu lá tròn.

Điều đó khiến thị trường cây giống cao su tại Lào và Campuchia “nóng” lên khi cung không đủ cầu. Và cũng vì thế đã xảy ra một “nghịch lý” trong mùa làm giống cao su năm nay ở Chơn Thành là những vựa giống ký được hợp đồng với đối tác thì lợi nhuận lại không bằng vựa không có hợp đồng. Vựa cây giống lớn thường ký hợp đồng đầu ra để bảo đảm giá bán không thấp hơn giá thành. 5 năm qua, khi giá mủ cao su lao dốc, cũng là thời điểm giá cây giống giảm qua từng năm, vì thế bảo đảm đầu ra có lãi đã là một thành công đối với các vựa giống muốn bám trụ với nghề. Năm nay, giá cây giống tăng đột biến, gấp 2 lần năm 2016, những vựa giống ký hợp đồng phải giữ uy tín và chấp nhận bán với giá đã ký thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Ngược lại, những vựa giống không ký hợp đồng hoặc ký với số lượng ít sẽ thắng lớn vì sẽ bán theo giá thị trường.

Hồng Cúc

  • Từ khóa
41602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu