Thứ 5, 18/04/2024 14:48:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:43, 27/04/2018 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI NÔNG DÂN THỊ XÃ PHƯỚC LONG LẦN THỨ III (NHIỆM KỲ 2018-2023)

Bí quyết thành công của hạt điều Thanh Minh Ngọc

Thứ 6, 27/04/2018 | 15:43:00 732 lượt xem
BP - Chật vật với bài toán nguyên liệu nên ở thủ phủ điều Bình Phước nhiều doanh nghiệp vẫn phải hoạt động cầm chừng hoặc “treo” xưởng ngay trong mùa điều. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Thanh Minh Ngọc (Công ty Thanh Minh Ngọc) của vợ chồng cựu chiến binh Phạm Kim Sầm ở khu phố 3, phường Long Thủy (Phước Long) lại tạo việc làm quanh năm cho công nhân.

Đã bước sang tuổi 76 và nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, nhưng cựu chiến binh Phạm Kim Sầm vẫn được vinh danh “Thương binh sản xuất - kinh doanh giỏi” cấp tỉnh nhờ xây dựng và phát triển doanh nghiệp thành công.

“HẠT ĐIỀU GIÚP GIA ĐÌNH TÔI KHÁ GIẢ”

Giới thiệu với chúng tôi về quy mô của doanh nghiệp, ông Sầm nói: Hiện công ty có 3 phân xưởng, mỗi xưởng cách nhau 1-2km, với 100 công nhân. Nhà ở của ông bà tại khu phố 3, phường Long Thủy vừa là văn phòng, vừa làm xưởng phân loại sản phẩm. Sản lượng chế biến của công ty dao động 5.000-6.000 tấn/năm, lãi suất sau thuế 1,5-2 tỷ đồng/năm (tùy giá đầu vào nguyên liệu). Ngoài gia công cho các “ông lớn” ngành điều, Công ty Thanh Minh Ngọc còn xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU...

Bà Nguyễn Thị Vân Anh (đứng) luôn gần gũi, kịp thời thăm hỏi, động viên công nhân

Kể về quá trình xây dựng và phát triển doanh nghiệp, ông Sầm cho biết: Năm 1977, vợ chồng tôi từ Phú Thọ chuyển vào công tác ở huyện Phước Long (cũ). Khi đó, tôi công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện, còn vợ - bà Nguyễn Thị Vân Anh là cán bộ UBND huyện. Năm 2005, tôi nghỉ hưu. Để có thêm thu nhập và nuôi con ăn học, vợ chồng tôi mở cơ sở thu mua nông sản và dịch vụ xay xát. Năm 2008, công nghiệp chế điều Việt Nam phát triển rầm rộ. Từ học hỏi kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp của người bạn, vợ chồng tôi mạnh dạn chuyển hướng mở cơ sở chẻ hạt điều gia công. Quy mô ban đầu là 6 bàn chẻ với 10 nhân công. Lãi tích lũy, gia đình tôi đầu tư tăng dần số lượng máy và mua nguyên liệu tích trữ.

Năm 2015, công ty đã có chỗ đứng trên thị trường và có thêm sự trợ lực của các con trong quản trị doanh nghiệp. Vợ chồng tôi quyết định đầu tư công nghệ máy móc như: Lò hấp điện thay thế lò hấp thủ công, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; máy bóc vỏ lụa; máy bắn màu phân cỡ; máy dò kim loại, tạp chất; máy đóng gói và phương tiện vận chuyển hiện đại trị giá 5 tỷ đồng. Sử dụng máy móc hiện đại đã giảm công nhân lao động từ 200 xuống còn 100 người. Công nghệ thay thế người lao động trực tiếp cũng đáp ứng yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường xuất khẩu hiện nay.

YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH THÀNH CÔNG

10 năm ăn, ngủ cùng hạt điều, ông Sầm và các con (3 con gái của ông đều sản xuất - kinh doanh hạt điều) cho rằng, một số doanh nghiệp điều thất bại là do khâu quản trị yếu. Mặt khác, phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao nên kinh doanh không có lãi. Muốn gắn bó và “đi xa” trong chế biến điều phải có tiềm lực về vốn để mua nguyên liệu dự trữ. Do mùa điều chỉ tập trung 3 tháng sau tết Nguyên đán nên cạnh tranh nguyên liệu rất khốc liệt. Công ty Thanh Minh Ngọc có được nguồn nguyên liệu dồi dào là nhờ nguồn vốn tích lũy và huy động được vốn lớn từ ngân hàng qua thế chấp tài sản và uy tín của doanh nghiệp.

>> Đoàn kết - đổi mới - hội nhập - phát triển bền vững

Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu nên sản lượng điều trong nước giảm mạnh. Để máy móc hoạt động hết công suất và người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, Công ty Thanh Minh Ngọc phải nhập nguyên liệu từ các nước châu Phi và Campuchia. Ông Sầm đã cử con rể sang tận châu Phi, Campuchia trực tiếp mua hàng để đảm bảo an toàn các đơn hàng xuất khẩu.

Chị Nguyễn Thị Lan Anh, công nhân trong công ty phấn khởi nói: Ngoài mức lương phù hợp, các chính sách đãi ngộ của công ty rất tốt. Lãnh đạo công ty kịp thời thăm hỏi, động viên lúc ốm đau, thai sản, thưởng tết và phụ cấp chế độ độc hại. Con em công nhân học lực khá, giỏi cũng được lãnh đạo công ty tặng học bổng, sách vở đầu năm học. Hằng năm, công ty còn tổ chức cho công nhân đi du lịch để tạo tâm lý thoải mái, vì vậy mà đa số người lao động khi đã vào làm việc đều muốn gắn bó lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết: “Mặc dù đơn hàng nhiều, nhưng chúng tôi không phải vì thế mà ép công nhân làm quá sức. Công nhân làm việc 8 giờ theo quy định với mức thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng/người. Ai muốn tăng thêm thu nhập thì làm tăng ca và có phụ cấp riêng. Tết có thêm tháng lương, người làm giỏi được khen thưởng trước toàn công ty”. Do đó, quản trị doanh nghiệp tốt và chăm lo tốt đời sống của công nhân là yếu tố thành công của Công ty Thanh Minh Ngọc.

P.Thảo - N.

  • Từ khóa
42668

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu