Chủ nhật, 28/04/2024 12:33:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:34, 04/10/2013 GMT+7

Bến đò tự phát: An toàn hành khách có bị thả nổi

Thứ 6, 04/10/2013 | 07:34:00 218 lượt xem

Trong mùa mưa bão, việc đảm bảo an toàn cho người đi qua các bến đò tự phát rất khó khăn. Người dân biết có thể gặp nguy hiểm nhưng vẫn lựa chọn cái lợi trước mắt. Trên địa bàn tỉnh hiện có một số bến đò tự phát, hoạt động không có giấy phép. Điều này đồng nghĩa với việc hành khách không được đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản khi tham gia lưu thông qua đò.


CẤM ĐÒ... TỘI DÂN ĐI ĐƯỜNG VÒNG

Bến đò trên sông Mã Đà (một nhánh của sông Bé) hoạt động từ trước năm 2000. Đây là bến đò dân sinh nối liền địa bàn 2 xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) và xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Người dân muốn đi qua địa bàn 2 tỉnh với quãng đường ngắn nhất chỉ có một lựa chọn: Vượt sông Mã Đà thông qua bến đò này.


Con đò ngang bến sông Mã Đà không đảm bảo trong mùa mưa bão

Anh Võ Thành Thật, chủ đò cho biết: “Vào mùa nước xuống, người dân 2 tỉnh có thể đi qua sông bằng cầu phao. Nhưng mùa nước lên, cầu phao bị ngập phải đi đường vòng mất nhiều thời gian. Vì vậy, gia đình tôi đã làm một chiếc đò gỗ nhỏ để qua lại sông Mã Đà. Thấy người dân có nhu cầu đi lại bằng đò cho tiện, gia đình đã đóng chiếc thuyền lớn và trang bị thêm áo phao để chở khách. Đến nay, gia đình đã gắn bó với nghề chở khách qua đò hơn 10 năm. Trung bình mỗi ngày có hơn 100 lượt khách đi đò”.

Việc mở bến đò giúp người dân 2 xã có nhu cầu qua lại là rất hữu ích. Tuy nhiên, bến đò qua sông Mã Đà hoạt động không đảm bảo an toàn, không có giấy phép, chủ đò chưa có bằng lái. Con đò do gia đình anh Thật đóng rất thô sơ, không có máy đẩy, chỉ dùng sức người. Anh Thật phải căng hai sợi dây thừng lớn, dài khoảng 30m kéo ngang qua sông. Hai đầu dây được cột chặt vào hai gốc cây hai bên bờ sông, rồi người chèo đò bám vào hai dây đó kéo đò qua sông. Giữa con đò và sợi dây được liên kết với nhau bằng sức người nên không đảm bảo an toàn khi nước chảy mạnh. Mặc dù chủ đò đã trang bị áo phao nhưng nguy hiểm luôn rình rập hành khách.

Anh Nguyễn Văn Ba ở xã Mã Đà, người thường xuyên đi qua đò cho biết: “Ngày nào tôi cũng qua đò chở cá ra chợ Đồng Xoài bán. Trước đây khi chưa có bến đò, tôi phải đi đường vòng mất cả trăm cây số. Từ ngày có đò, việc qua lại thuận lợi hơn rất nhiều. Tuy không an toàn nhưng tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí”. Đi chiều ngược lại, chị Phạm Thị Oanh có nhà ở xã Tân Hòa (Đồng Phú), nhưng đất sản xuất ở tỉnh Đồng Nai. Dù bến đò không đảm bảo an toàn, nhưng hằng ngày chị vẫn phải đi qua, vì đi đường vòng quá xa.

Bến đò không đảm bảo an toàn nên trước đây Công an tỉnh Đồng Nai đã cấm hoạt động. Nhưng vì nhu cầu của người dân hai bên bờ, sau đó bến đò được hoạt động trở lại. Anh Thật cho biết: “Vì mưu sinh của gia đình và cũng để đáp ứng nhu cầu của nhiều người dân nên tôi đã xin công an cho hoạt động trở lại. Tới đây, tôi sẽ đi học để được cấp bằng lái và sửa chữa lại đò, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách”.


ĐÒ KIÊN CỐ... NGƯỜI DÂN NGẠI MẶC ÁO PHAO

Khác với bến đò của anh Thật, bến đò Hai Sang nối thôn 1 (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) với thôn 4, xã Bom Bo (Bù Đăng) do gia đình bà Trần Thị Phẩm trang bị khá đầy đủ, đảm bảo an toàn cho hành khách. Bến đò Hai Sang hoạt động tự phát từ những năm 1995, khi Nhà máy thủy điện Cần Đơn tích nước, với chiều dài tuyến đò hoạt động khoảng 1km. Từ năm 2006 bà Phẩm đã đăng ký giấy phép cho bến đò hoạt động và thực hiện đăng ký, đăng kiểm phương tiện đưa rước khách.

Bà Phẩm cho biết: “Do khoảng cách hai bờ dài hơn 1km nên tôi đã đóng 2 chiếc đò sắt chở khách có trọng tải 8 tấn và một đò chở hàng trọng tải 30 tấn. Hai phương tiện này đáp ứng các tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn cho hành khách. Bên cạnh đó, tôi còn trang bị áo phao, phao cứu sinh theo quy định. Người lái đò đã được cấp bằng lái, có kinh nghiệm điều khiển phương tiện giao thông đường thủy. Vào những ngày thời tiết xấu, chúng tôi kiên quyết không cho đò xuất bến, nhằm tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Ông Hồ Văn Nhàn, nhà ở thôn 1, xã Phú Văn cho biết: “Trước đây chưa có đò sắt mà chỉ là đò gỗ (đò đạp), mỗi lần đi qua tôi thấy rất nguy hiểm. Bây giờ đã có đò sắt kiên cố, chủ đò lại trang bị áo phao đầy đủ, nên chúng tôi yên tâm hơn mỗi khi qua đò”.

Trung bình mỗi ngày bến đò Hai Sang đưa rước trên 100 lượt khách qua lại. Nhất là vào mùa thu hoạch điều, cà phê, lượng khách tăng, có ngày 200-300 lượt. Dù được trang bị áo phao đầy đủ, lực lượng công an xã cũng kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên nhưng người dân vẫn không mặc áo phao mỗi khi qua đò. Khi chúng tôi có mặt tại bến đò, thấy toàn bộ hành khách không mặc áo phao. Chị Nguyễn Thị Hân, một người đi đò cho biết: “Lòng hồ ở đây lặng, không chảy xiết giống sông nên chúng tôi thường không mặc áo phao. Hơn nữa, từ bờ bên này qua bên đó chỉ có 1 cây số, khoảng 10 phút là sang đến nơi, mặc áo phao làm gì cho vướng”.

Ông Đậu Đình Lương, Trưởng Công an xã Phú Văn cho biết: “Từ năm 2006 đến nay, bến đò này không xảy ra tai nạn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân; tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các chủ đò nghiêm túc thực hiện Luật An toàn giao thông đường thủy; hành khách phải mặc áo phao mỗi khi qua đò nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản cho nhân dân, nhất là vào mùa mưa bão”.          

Nhất Sơn

  • Từ khóa
92326

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu