Thứ 6, 29/03/2024 17:09:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:25, 07/05/2014 GMT+7

Chuyện làm giàu ở ấp 5

Thứ 4, 07/05/2014 | 08:25:00 228 lượt xem

Nhân chuyến công tác, tôi có dịp ghé thăm ấp 5, xã Đồng Nơ (Hớn Quản). Con đường dẫn vào trung tâm ấp tuy bụi nhưng không che nổi sự hoành tráng của nhiều ngôi nhà Thái khang trang. Không chỉ ngạc nhiên trước sự thay đổi của một vùng đất trước đây người dân vốn lam lũ, tôi càng cảm thấy thú vị hơn khi nghe ông trưởng ấp nói: Chừ (giờ) nhà mô (nào) cũng bình bình rứa (vậy) thôi, cô ạ!

Vượt khó làm giàu

Bà Lê Thị Vui, Trưởng ban công tác mặt trận ấp 4 cho biết: Ấp có 285 hộ, trong đó 8 hộ nghèo, 8 hộ chính sách, còn hầu hết là hộ khá và khoảng 10% hộ giàu. “2/3 dân ấp 5 quê ở Nghệ An, vào đây lập nghiệp từ năm 1987 và đi lên từ nghèo khó”.

Ngôi nhà mái Thái của nông dân Hồ Kim Thắng

Bà Bùi Thị Nguyên ở ấp 5 kể: Cuối năm 1989 gia đình vào đây, tôi xin làm công nhân trong Nông trường Đồng Nơ. Lúc đó vườn cây của nông trường mới trồng nên chúng tôi xin trồng xen lúa, khoai, các loại đậu để có cái ăn trước mắt. Nhờ siêng năng lao động, lấy ngắn nuôi dài và trồng tiêu, điều từ đất được khai phá nên khi các loại cây này có thu thì tích trữ vốn mua thêm đất, trồng cao su. Thời điểm mủ có giá cũng là lúc diện tích này có thu, đem lại cho người dân khoản thu dồi dào. Kinh tế phát triển ổn định nên những ngôi nhà Thái mọc lên nhiều vào những năm gần đây.

Không chỉ phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị, người dân ấp 5 còn biết sẻ chia kinh nghiệm để cùng nhau phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Đắc Lâm - chồng bà Bùi Thị Nguyên là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen nhiều năm liền. Ông Lâm được nhiều người biết đến với mô hình trồng đa cây hiệu quả, lấy ngắn nuôi dài kết hợp chăn nuôi dê, heo rừng... Với vai trò Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp 5, nhiều năm liền ông Lâm được người dân tín nhiệm bởi luôn đồng hành cùng họ để phát triển nông nghiệp, làm giàu trên đất mới.

Cũng lấy phương châm cần cù lao động mới thoát được đói nghèo nên người thợ gò bồn chứa nước Hồ Kim Thắng luôn cố gắng lao động, phát triển kinh tế. Ông Thắng kể: Tôi làm cả ngày lẫn đêm. Mặt trời lên tôi làm thợ gò, thợ xây; mặt trời lặn, tôi vác cuốc đào ao thả cá. Một mình tôi đào 2 cái ao rộng gần 2 sào, đặt gạch xây nhà cho gia đình, không phải thuê công nào. Ngoài 6 ha cao su đang thu hoạch, ông Thắng hiện còn trồng 5 sào mít Thái, nuôi hàng ngàn con gà thả vườn cùng các loại gia súc, gia cầm như bò, heo, dê...

Khu dân cư văn hóa, đoàn kết, hiếu học

Trưởng ấp 5 Hồ Ngọc Châu cho biết: Trong ấp có nhà tới 4 con ăn học nhưng cha mẹ luôn cố gắng tạo điều kiện để con học lên cao. Họ cho con vừa học chính khóa, vừa học phụ đạo và đầu tư nhiều phương tiện học tập mới để con cái phát huy khả năng.

Ngoài phát huy truyền thống hiếu học, ấp 5 còn là nơi phát triển các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao rất mạnh. Các hội, đoàn thể đều xây dựng được nguồn vốn khá, tổ chức hiệu quả các phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa. Bà Lê Thị Vui cho biết thêm: Chi hội phụ nữ có thể cho vay 8-9 triệu đồng/người, mỗi lần 3 người vay; còn chi hội nông dân cho vay hơn 15 triệu đồng, mạnh nhất là chi hội cựu chiến binh cho vay lên đến 30 triệu đồng/người. Tuy nhiên các nguồn vốn này rất ít người vay, chủ yếu khi cần mua đất họ mới vay.

Bà Vui còn cho biết: Việc vận động người dân trong ấp đóng góp các khoản, tham gia hưởng ứng các phong trào cũng rất thuận lợi bởi họ là những người cùng quê, có kinh tế khá và có tư tưởng tiến bộ. Với cách làm công khai, dân chủ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nên Ban điều hành ấp được người dân tin tưởng. Mỗi năm, người dân ấp 5 thường đóng góp 70-80 triệu đồng sửa đường, chưa kể các hoạt động khác.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Đồng Nơ cho biết: Bà con ấp 5 đa số là nông dân cần cù, chất phác. Của cải họ làm ra đều đượm mồ hôi, công sức nên rất được trân trọng. Những ngôi nhà Thái mọc lên ngày càng nhiều không chỉ thể hiện sự trù phú của một vùng quê, mà còn thể hiện ý chí vươn lên thoát nghèo đáng học hỏi của những người dân quê hương Bác Hồ. Đáng quý hơn, người dân ấp 5 không ỷ lại, trông chờ vào các chính sách của Đảng, Nhà nước, mà luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi không ngừng để tạo ra thu nhập cải thiện cuộc sống, đóng góp cho xã hội. Nguồn thu từ các loại cây trồng, vật nuôi của những gia đình nông dân đều mang tính tiếp nối, kế thừa và được tích lũy dần dần. “Tích tiểu thành đại” là cách họ làm giàu và chưa bao giờ người dân ấp 5 cho rằng mình giàu có!

Phương Dung

  • Từ khóa
49010

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu