Thứ 6, 26/04/2024 11:06:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:17, 16/01/2020 GMT+7

Ấm lòng công nhân xa quê

Lâm Phương
Thứ 5, 16/01/2020 | 09:17:00 208 lượt xem
BPO - Tết là dịp mọi người mong đợi được đoàn tụ với gia đình và người thân. Cùng chung niềm khát khao ấy, song những công nhân người dân tộc thiểu số ở Nông trường cao su Tân Hưng (Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) lại xác định: Doanh nghiệp đã tạo việc làm và chăm lo tốt đời sống cho gia đình, mình phải có trách nhiệm chung tay cùng đơn vị tháo gỡ khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nông trường cao su Tân Hưng hiện có 362 công nhân lao động, trong đó 283 công nhân người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Hơmông. Phần lớn số công nhân này được cán bộ nông trường trực tiếp ra các tỉnh miền núi phía Bắc tuyển dụng, đưa vào đào tạo nghề và nhận làm công nhân khai thác mủ. Họ không chỉ được tạo việc làm với mức thu nhập ổn định mà còn được công ty, nông trường hỗ trợ về mọi mặt, giúp yên tâm lao động, gắn bó với đơn vị.

BẢO ĐẢM ĐỜI SỐNG NGƯỜI LAO ĐỘNG

Nông trường hiện có tổng diện tích 1.355,44 ha, trong đó trên 1.288 ha vườn cây kinh doanh, đứng chân trên địa bàn 2 xã Tân Hưng và Tân Lợi (Đồng Phú). “Năm qua, giá mủ cao su xuống thấp, lại gặp thời tiết thất thường, vườn cây đồi dốc, gây nhiều khó khăn cho việc chăm sóc, vận chuyển và thu hoạch, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động. Nhờ công ty và nông trường có những giải pháp đồng bộ, tạo sự an tâm, tin tưởng và khích lệ tinh thần người lao động, đến ngày 31-12-2019, chúng tôi khai thác được 2.600 tấn, vượt 2% kế hoạch công ty giao, về trước kế hoạch 5 ngày. Năng suất bình quân trên 2 tấn/ha và bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động” - ông Nguyễn Hoa Sơn, Chủ tịch Công đoàn nông trường cho biết.

Giáo viên ở điểm trường mầm non khu nội trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng (Đồng Phú) hướng dẫn trẻ tập hát, múa

Anh Lầu Bá Cở, công nhân tổ 3, liên tổ 1 bộc bạch: Sinh ra và lớn lên ở xã Mường Lóng, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em luôn mong có công việc ổn định. Tháng 3-2017, nghe chính quyền địa phương thông báo nông trường về tuyển lao động, dạy nghề và tạo việc làm, em và vợ quyết tâm vào Bình Phước lập nghiệp. Vì trình độ hạn chế nên em luôn ý thức học tập tốt và học hỏi từ các anh chị đi trước, vì thế tay nghề ngày càng nâng cao. Hiện em được giao 4 phần cây (hơn 4 ha) và cạo chế độ D4. Năm 2019, em được giao chỉ tiêu khai thác 7.798kg, đến ngày 30-12 khai thác được 10.050kg, đạt 128,88% nên thu nhập bình quân cả năm đạt trên 8,5 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng. Vợ chồng em cùng là công nhân, được nông trường hỗ trợ nhà ở trong khu nội trú, con nhỏ 3 tuổi được các cô ở điểm giữ trẻ trông nên chúng em yên tâm lao động, phấn đấu đạt kết quả cao. Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, dự kiến tết này lá cao su chưa rụng nên vợ chồng em ở lại đón tết cùng các anh chị trong nông trường và chủ động đi cạo mủ sớm để bảo đảm sản lượng năm sau.

Cũng sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, biên giới, vùng cao thuộc xã Hội Tụ, huyện Kỳ Sơn nên anh Hờ Bá Giờ (1992) luôn xác định muốn cải thiện đời sống phải có công việc ổn định. Nghe lời giới thiệu của bạn bè, năm 2016, anh đưa vợ con vào nông trường xin việc. Đến đây, anh được đào tạo nghề miễn phí và nhận vào làm công nhân, được hỗ trợ về nơi ở tại khu nhà nội trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng; con nhỏ có các cô của nhóm trẻ trong khu nội trú trông giúp nên yên tâm lao động và luôn khai thác với thành tích thuộc top đầu của tổ. Anh Giờ cho biết: “Hiện em là công nhân khai thác của tổ 2, liên tổ 1. Năm 2019, được giao chỉ tiêu 7.650kg, đến ngày 31-12, em khai thác đạt 8.885kg. Nhờ đó, lương bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng, chưa tính thưởng. Mỗi tháng vợ chồng em thu nhập bình quân trên 15 triệu đồng. Từ khi vào làm việc đến nay, mỗi năm vợ chồng em đều tiết kiệm từ 80-100 triệu đồng, gửi về quê phụ giúp cha mẹ sửa chữa nhà ở, mua trâu, bò mở rộng sản xuất”.

GIẢI PHÁP KỊP THỜI VÀ ĐÚNG HƯỚNG

Chủ tịch Công đoàn nông trường Nguyễn Hoa Sơn chia sẻ: Khu vực nông trường đứng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn, vườn cây đồi dốc... Trong khi những năm qua, giá mủ giảm, đời sống người lao động khó khăn nên số công nhân trong đơn vị luôn biến động. Mặt khác, nguồn lao động địa phương rất khó tuyển dụng nên nông trường phải liên tục cử cán bộ ra các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là Nghệ An tuyển công nhân. Do phần lớn công nhân đời sống còn khó khăn, trình độ hạn chế nên việc duy trì ổn định lao động gặp nhiều khó khăn. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng công nhân nghỉ việc, chúng tôi không chỉ quan tâm đào tạo nghề, tạo việc làm mà còn bố trí nơi ăn, ở; tổ chức nuôi giữ trẻ; tặng học bổng cho con em công nhân đạt thành tích học tập khá, giỏi... Hiện nông trường có 2 khu nhà nội trú với 98 căn, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, nghỉ ngơi cho trên 300 lao động và mỗi khu nội trú có một điểm giữ trẻ, giúp công nhân yên tâm sản xuất.

Là người trực tiếp chăm sóc và trông trẻ tại điểm trường ở khu nội trú ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng, cô Trần Thị Ly chia sẻ: Hầu hết công nhân người dân tộc ở 2 khu nội trú tuổi đời còn rất trẻ, đều đã có gia đình và con nhỏ. Do công nhân phải lên lô từ rất sớm nên các cô phải đón trẻ từ 4 giờ sáng, nhưng cũng đến 4-5 giờ chiều các bé mới được về. Các bé mới đến đây đều còi xương, suy dinh dưỡng, không chịu ăn thức ăn do các cô chế biến nên phải mất một thời gian dài các bé mới quen. Hiện mỗi ngày các cháu ăn 3 bữa, với dinh dưỡng bảo đảm từ nguồn kinh phí của nông trường. Hiện các cháu đều ăn tốt và rất ngoan. Làm ở đây rất vất vả, lương ít nhưng vì yêu nghề, mến trẻ nên tôi gắn bó.

Dịp tết, ở các khu nội trú, ngoài phần quà do công ty trao tặng, nông trường còn hỗ trợ kinh phí để các khu mua sắm tết và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí trước khi đón giao thừa. Trong ngày ra quân đầu năm, Ban giám đốc nông trường trực tiếp đến các tổ sản xuất phát động và mừng tuổi cho công nhân.

Ông Nguyễn Hoa Sơn cho hay

Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra và tránh bị ảnh hưởng do thiếu hụt lao động, ngoài thực hiện đầy đủ chính sách đối với người lao động, nông trường còn chuyển chế độ cạo D3 sang D4; áp dụng hợp lý chế độ kích thích mủ trên vườn cây kinh doanh; thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề vững lý thuyết, giỏi thực hành, góp phần nâng cao năng suất vườn cây... Ngoài các chế độ chính sách theo quy định, nông trường còn ứng trước kinh phí giúp người lao động bảo đảm sinh hoạt hằng ngày, mua sắm phương tiện vận chuyển mủ; có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người lao động; tổ chức khám sức khỏe định kỳ...

Nông trường còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao để động viên, khích lệ tinh thần lao động của công nhân. Hiện các tổ sản xuất đều có đội bóng chuyền nam, nữ; các liên tổ đều có đội bóng đá, bóng chuyền nam, nữ và đội văn nghệ thường xuyên tham gia thi đấu giao hữu, biểu diễn chào mừng các ngày lễ lớn, giao lưu với đơn vị bạn. Ở 2 khu nội trú, nông trường đều thành lập các tổ liên gia tự quản kịp thời động viên, trao đổi, giúp đỡ nhau lúc khó khăn; góp vốn hỗ trợ phát triển kinh tế... Người lao động ổn định cả về đời sống vật chất và tinh thần đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong sản xuất, hoàn thành tốt kế hoạch được giao.

  • Từ khóa
63317

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu