Thứ 3, 23/04/2024 13:13:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:47, 02/09/2015 GMT+7

9 năm mang thân phận bị cáo nhưng... không có tội

Thứ 4, 02/09/2015 | 14:47:00 155 lượt xem
BP - Trong căn nhà gỗ bên con đường đất đỏ lầy lội vào mùa mưa, vợ chồng chị Tiêu Thị Sự kể lại câu chuyện đau đớn của mình. Đó là khoảng thời gian vườn rẫy bỏ không, người chồng chạy vạy vay mượn khắp xóm để lo cho vợ trong nhà giam, con ngoài nhà giam. Trước mắt chúng tôi, người mẹ trẻ 34 tuổi Tiêu Thị Sự như già hơn cả chục tuổi, nói được một lúc, không một tiếng khóc, nhưng nước mắt lại trào ra, đỏ hoe, nghẹn đắng. Những người cầm cán cân công lý, những người nhân danh pháp luật tham gia tố tụng trong vụ án này có lẽ chưa bao giờ hiểu rằng, vẫn còn những số phận và một gia đình đang ở phía sau lương tâm, trách nhiệm và cả đạo đức của họ.


Chị Tiêu Thị Sự trước căn nhà xơ xác của gia đình sau 9 năm phải mang thân phận bị cáo

BIÊN BẢN PHIÊN TÒA VÀ BẢN ÁN MÂU THUẪN NHAU

Tháng 9-2006, Công an huyện Bù Đăng khởi tố vụ án, khởi tố 5 bị can: Vi Thị Tư, Nông Thị Thó, Tiêu Thị Sự, Nông Thị Lệ, Hoàng Thị Khen với 2 tội danh “Hủy hoại tài sản” và “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Sau đó, Công an huyện đã ra quyết định đình chỉ điều tra tội “Hủy hoại tài sản”. Ngày 26-9-2006, Công an huyện Bù Đăng bắt tạm giam 3 bị can Vi Thị Tư, Nông Thị Thó, Tiêu Thị Sự, hai bị can Nông Thị Lệ, Hoàng Thị Khen bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tháng 4-2007, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng truy tố 5 bị cáo tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”. Ngày 30-5-2007, Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng xét xử tuyên phạt Vi Thị Tư 8 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian bị tạm giam; Nông Thị Thó 12 tháng tù, thời hạn tính từ ngày tạm giam 26-9-2006; Tiêu Thị Sự 10 tháng tù, thời hạn tính từ ngày tạm giam 26-9-2006; Nông Thị Lệ 9 tháng tù;  Hoàng Thị Khen 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Hai bị cáo Nông Thị Thó và Tiêu Thị Sự làm đơn kháng cáo bản án. Ngày 12-12-2007, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm vụ án (thời điểm này cả hai bị cáo đều đã thụ án xong bản án sơ thẩm), đã tuyên y án sơ thẩm đối với kháng cáo của bị cáo Nông Thị Thó.

Riêng đối với bị cáo Tiêu Thị Sự, phiên tòa phúc thẩm cho rằng, tòa sơ thẩm căn cứ vào lời khai của 6 nhân chứng để kết tội, nhưng những lời khai này có nhiều điểm mâu thuẫn về đặc điểm, nhận dạng. Biên bản phiên tòa và bản án sơ thẩm cũng mâu thuẫn với nhau. Bản án không tuyên phần kháng cáo cho nguyên đơn, còn biên bản phiên tòa thì lại không ghi ngày tháng. Bản án sơ thẩm điều tra chưa đầy đủ, vi phạm nghiêm trọng về tố tụng... Vì vậy, tòa phúc thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo, tuyên hủy một phần hình phạt trong bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án về cấp sơ thẩm điều tra xét xử lại theo thủ tục chung.

TUYÊN HỦY, NHƯNG TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH... “QUÊN” TRẢ HỒ SƠ CHO CẤP SƠ THẨM

Ngày 10-12-2008, Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án và vẫn tuyên phạt bị cáo Tiêu Thị Sự 10 tháng tù về tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” như bản án sơ thẩm lần 1. Chị Tiêu Thị Sự tiếp tục làm đơn kháng cáo kêu oan. Ngày 9-9-2010, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án phúc thẩm lần 2. Tại phiên tòa này, một lần nữa, tòa phúc thẩm xác định tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng tố tụng, tuyên hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về cho tòa sơ thẩm điều tra, xét xử lại với lý do: Việc định giá tài sản bị thiệt hại trong vụ án chưa chính xác, khi tiến hành thực nghiệm thì lại thực nghiệm tại sân vận động huyện Bù Đăng chứ không phải là tại hiện trường vụ án nên không khách quan, chưa lấy lời khai một số nhân chứng...

Thế nhưng, vụ việc không dừng lại ở đó. Sau khi nhận bản án phúc thẩm lần 2, chị Tiêu Thị Sự và gia đình, người thân chờ hoài không thấy... điều tra hay xét xử tiếp. Hết năm này đến năm khác trôi qua, chị Tiêu Thị Sự vẫn phải mang thân phận “bị cáo”, dù nếu có bị “tuyên án đi tù” như các bản án sơ thẩm đi chăng nữa thì thời gian tạm giam cũng đã đủ.

Chị Tiêu Thị Sự làm đơn kêu oan, xin được xét xử và gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có Tòa án nhân dân tối cao. Tòa án nhân dân tối cao có giấy báo cho chị Sự biết đã nhận được đơn khiếu nại và chuyển về các cơ quan tòa án ở Bình Phước để giải quyết theo thẩm quyền. Nhưng lạ thay, vụ việc cứ ngày này qua ngày khác rơi vào im lặng.

Qua tìm hiểu vụ việc, chúng tôi được biết, sau khi tuyên án phúc thẩm lần 2, Tòa án nhân dân tỉnh đã... để quên hồ sơ, không giao cho cấp sơ thẩm điều tra lại theo thủ tục(!?). Sau 4 năm 4 tháng kể từ ngày tuyên án, ngày 26-12-2014, Tòa án nhân dân tỉnh mới bàn giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bù Đăng. Ngày 29-12-2014, Viện Kiểm sát nhân dân huyện chuyển hồ sơ vụ án cho Công an huyện Bù Đăng điều tra lại! Ngày 28-3-2015, Công an huyện Bù Đăng có bản kết luận điều tra vụ án. Bản kết luận này xác định tổng số tiền thiệt hại không phải 6,476 triệu đồng mà là 6,371 triệu đồng. Và đó là tổng thiệt hại của cả vụ án, gồm nhiều người tham gia đập phá nhưng cơ quan công an không xác định được chính xác đối tượng, trong đó “Tiêu Thị Sự cùng đồng bọn (5 bị cáo bị khởi tố, truy tố trong vụ án) làm hư hỏng tổng giá trị 950 ngàn đồng”. Bản kết luận vẫn khẳng định Tiêu Thị Sự phạm vào tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, nhưng xét thấy hành vi ít nghiêm trọng, nay không còn nguy hiểm cho xã hội, tài sản bị thiệt hại chưa đến mức phải xử lý hình sự nên đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Tiêu Thị Sự.

NHỮNG GÓC KHUẤT CẦN ĐƯỢC SÁNG TỎ

Thứ nhất: Nếu số tài sản bị thiệt hại chỉ là 950 ngàn đồng (theo Nghị quyết số 33/2009/QH12 ngày 19-6-2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII về thi hành Bộ luật Hình sự sửa đổi thì chưa đến mức xử lý hình sự). Như vậy, tất cả những bị cáo trong vụ án này đã bị ngồi tù oan? Việc định giá sai, ai chịu trách nhiệm? Hơn nữa, việc bồi thường án oan cho 5 bị cáo trong vụ án này sẽ được xử lý như thế nào? Ai và cơ quan nào phải đứng ra nhận trách nhiệm giải quyết?

Thứ hai: Gần 10 năm, các cơ quan tố tụng ở Bù Đăng, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh có quan điểm khác nhau và đến nay chưa chứng minh được bị cáo Tiêu Thị Sự phạm tội, nhưng cơ quan cảnh sát điều tra viện dẫn hành vi ít nghiêm trọng, nay không còn nguy hiểm cho xã hội, tài sản bị thiệt hại chưa đến mức phải xử lý hình sự nên đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can thì sẽ làm mất đi cơ hội chứng minh sự vô tội của chị Tiêu Thị Sự - điểm mấu chốt của vụ án. Bởi lời khai của chị Sự với các cơ quan điều tra, xét xử luôn khẳng định không tham gia đập phá, không có mặt tại hiện trường, không phạm tội. Thêm một vấn đề nữa được đặt ra là “bị cáo” không nhận tội, cơ quan điều tra, kiểm sát không đủ chứng cứ buộc tội... vậy sao tòa sơ thẩm vẫn cứ tuyên là có tội? đây là nguyên nhân sâu xa của việc án bị sửa, bị hủy và án oan vẫn còn nhiều ở hai cấp tòa của Bình Phước.

Thứ ba: Việc Tòa án nhân dân tỉnh “để quên hồ sơ” không bàn giao cho cấp sơ thẩm là bằng chứng có dấu hiệu của sự không bình thường. Quy định cụ thể của ngành tòa án là hằng quý, 6 tháng đầu năm, một năm, tòa án tất cả các cấp và tất cả các tòa dân sự, hình sự, hành chính, kinh tế... đều phải tổng hợp, báo cáo án. Đối với trường hợp tòa phúc thẩm 2 lần hủy án sơ thẩm thì khi kiểm tra, tổng hợp không thể xảy ra chuyện “quên hồ sơ” đối với cả Tòa án nhân dân huyện Bù Đăng và Tòa án nhân dân tỉnh. điều đặc biệt quan trọng nữa là trong hơn 4 năm Tòa án nhân dân tỉnh “quên hồ sơ”, nhiều lần đương sự làm đơn kiến nghị gửi lên cơ quan tòa án các cấp và Tòa án nhân dân tối cao đã có giấy báo cho chị Sự biết đã nhận được đơn khiếu nại và chuyển về các cơ quan tòa án ở Bình Phước để giải quyết theo thẩm quyền. Sự bất thường mang vẻ bí ẩn của vụ án và ai phải chịu trách nhiệm trước sự vô trách nhiệm đó chỉ có Tòa án nhân dân tỉnh mới có câu trả lời chính xác!

Vâng, điều đọng lại sau vụ án này là câu hỏi dư luận đặt ra rằng: Lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của những người tham gia tố tụng trong vụ án còn “mộng du” đến bao giờ? Và dư luận rất mong sớm có câu trả lời từ những người có trách nhiệm!

Ngày 28-8-2006, Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng phối hợp cùng UBND xã Thống Nhất khảo sát để hỗ trợ bồi thường thiệt hại hoa màu cho những hộ dân lấn chiếm trái phép đất lâm nghiệp từ năm 2004-2006 nhằm thực hiện dự án trồng cao su tại Tiểu khu 269 thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Thống Nhất, huyện Bù Đăng. Nắm được thông tin này, 8 giờ ngày 28-8-2006, khoảng 200 người dân thuộc các thôn 3, 4, 6, 9 xã Thống Nhất kéo đến khu vực nhà của Ban quản lý dự án. Tại đây, họ la hét, chửi bới những người đang thực hiện dự án, với mục đích tạo áp lực để đòi lại đất. Sau đó, có khoảng 10 phụ nữ dùng cây, gậy, cuốc đập phá làm hư hỏng 3 lán trại, gãy 556 cây cao su 3 tháng tuổi trồng trên đất dự án.

Trong số khoảng 10 phụ nữ đập phá lán trại, Công an huyện Bù Đăng chỉ xác định được 5 người và đều ở xã Thống Nhất, gồm: Vi Thị Tư, SN1967, hộ khẩu thường trú thôn 3, nơi ở thôn 9; Nông Thị Thó, SN1963 ở thôn 9; Tiêu Thị Sự, SN1981, thôn 4; Nông Thị Lệ, SN1987, hộ khẩu thường trú xã Phước Cát 2, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, nơi ở thôn 4, xã Thống Nhất; Hoàng Thị Khen, SN1987, hộ khẩu thường trú thôn Bằng Giang 2, xã Hoa Thám, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, nơi ở thôn 4, xã Thống Nhất. Những người còn lại Công an huyện Bù Đăng không xác định được, cũng không xác định cụ thể đối tượng nhổ và đạp làm gãy 556 cây cao su.

Trần Phương

  • Từ khóa
52250

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu