Thứ 6, 29/03/2024 20:30:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:49, 08/12/2014 GMT+7

Nét đẹp văn hóa trong lễ Kỳ yên ở Nam bộ

Thứ 2, 08/12/2014 | 08:49:00 7,221 lượt xem
BP - Nếu so với miền Bắc thì Nam bộ là vùng đất không có nhiều lễ hội. Tuy vậy, lễ hội ở miền Nam hầu như vùng nào, tháng nào cũng có và mang những nét rất riêng. Tiêu biểu nhất là lễ Kỳ yên. Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, tế thần thành hoàng lớn nhất trong năm của một vùng quê, tại ngôi đình thần. Lễ hội này mang những nét văn hóa riêng của người dân các tỉnh Nam bộ.

Quang cảnh lễ Kỳ yên tại một ngôi đình ở Dĩ An (Bình Dương) - Ảnh: internet

ĐIỂM CHUNG CỦA LỄ KỲ YÊN

Thông thường, lễ Kỳ yên được tổ chức trong 3 ngày, gồm nhiều lễ tế, nhằm cầu trời thêm thanh bình, đất thêm tươi tốt, con người được sống lâu, quỹ dữ bị tiêu diệt. Tuy mỗi nơi tổ chức có thể khác về giờ, ngày tháng, thứ tự và chi tiết, nhưng thường thì các lễ được tiến hành trang trọng ở một ngôi đình. Ở lễ Kỳ yên, phần lễ chiếm phần quan trọng hơn phần hội. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh. Lễ Kỳ yên cũng là dịp để người dân họp mặt, bàn chuyện, vui chơi, thắt chặt tính cộng đồng. Còn hát xướng trong ngày lễ Kỳ yên không phải là văn nghệ bình thường mà mang nội dung nghi lễ. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu. Đặc biệt, bữa tiệc trong ngày lễ Kỳ yên ở Nam bộ chỉ mang tính liên hoan, chiêu đãi, hoàn toàn không có chuyện ăn nhậu say sưa như những lễ hội khác.

LỄ KỲ YÊN Ở MỘT SỐ NƠI

Lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) được tổ chức trong 3 ngày. đây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Thoại Sơn. Trong lễ hội, phần lễ tế được tiến hành nghiêm trang, với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống đồ lễ do dân làng dâng cúng tùy theo khả năng và tâm nguyện của mỗi người. Lễ Kỳ yên đình Phú Nhuận (phường 10, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) được tổ chức vào khoảng trung tuần tháng giêng âm lịch hàng năm. Trong lễ có các nghi thức tụng kinh cầu an, lễ tế, nghi thức tôn vương và hồi chầu nhằm suy tôn Phật, thần, các vị tiền nhân. Hàng năm, lễ hội tại đình Phú Lễ (ấp Phú Khương, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) diễn ra 2 lần: Lễ Kỳ yên vào tháng 3 âm lịch để cầu mưa thuận gió hòa, lễ Cầu bông vào tháng 11 âm lịch cầu cho mùa màng tươi tốt. Lễ hội có rước sắc thần, tế thành hoàng, các tiền nhân có công khai khẩn vùng đất này và những gian hàng trưng bày sản phẩmcùng các trò chơi dân gian.

Lễ Kỳ yên tại đình thần Dĩ An (Bình Dương) được tổ chức vào trung tuần tháng 11 âm lịch. Lễ hội thu hút hàng ngàn lượt người tham gia với nhiều nghi thức đặc trưng, đậm đà bản sắc văn hóa Nam bộ như: Cúng Miễu Ngũ hành Nương Nương, biểu diễn nghệ thuật hát Địa Nàng, lễ tế anh linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh. Lễ hội Kỳ yên Thượng điền là một trong những lễ hội đình lớn nhất tại Cần Thơ, diễn ra vào cuối tháng 4 âm lịch. Trong 3 ngày lễ này, khách thập phương và nhân dân trong thành phố Cần Thơ đưa lễ vật, hương đăng, cờ hoa rực rỡ về dự lễ cúng đình rất đông vui. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập 2 kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền.

Lễ Kỳ yên dù ở nơi nào cũng thu hút đông đảo nhân dân quanh vùng quy tụ về trong nỗi niềm cầu mong mọi sự như ý. Đến với lễ Kỳ yên, mọi người đều trang phục chỉnh tề, quỳ lạy trước ban thờ và cầu nguyện thần linh cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng thuận lợi, sản xuất phát triển, nhân dân ấm no. Lễ Kỳ yên mang 2 ý nghĩa, vừa tưởng nhớ những vị tiền nhân có công khai phá vùng đất Nam bộ vừa cầu mong có một cuộc sống no đủ. Vì vậy, đây là một sinh hoạt văn hóa dân gian đang được bảo tồn, duy trì và tạo điều kiện phát triển trên vùng quê Nam bộ.

Đức Hồng

  • Từ khóa
90990

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu