Thứ 4, 01/05/2024 04:02:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:34, 14/02/2019 GMT+7

Một ngày đi xúc tôm, cá cùng đồng bào S’tiêng

Thứ 5, 14/02/2019 | 06:34:00 321 lượt xem
BP - Tranh thủ thời gian làm rẫy, nhiều đồng bào S’tiêng vẫn thường ngày xuống ven sông, suối xúc tôm, cá, cải thiện bữa cơm gia đình. Ẩn sau việc làm này thể hiện rõ nét đẹp văn hóa ẩm thực độc đáo của đồng bào từ các loại thực phẩm có sẵn trong tự nhiên, như rau rừng, tôm, cá suối.

Thường ngày, chị Điểu Thị Lai và anh Điểu Tốt cùng ở ấp 5, xã Minh Hưng (Bù Đăng) đi làm rẫy sớm hơn và về muộn hơn 2 tiếng đồng hồ để men theo ven sông Lấp xúc tôm, cá. Trong khoảng thời gian này, mỗi người cũng bắt được khoảng 1-2kg tôm, cá, đủ chế biến các món kho, canh... cho bữa ăn của gia đình. Cuối tuần, khi các con được nghỉ học, 2 gia đình anh Tốt, chị Lai lại cùng đi xúc tôm, cá. Họ đi từ sáng đến chiều tối, mỗi lần được 5-6kg, đủ các loại từ cá, tôm, cua, ốc... Anh Điểu Tốt cho biết: “Mỗi lần đi xúc tôm, cá sẽ đủ ăn trong vài ngày, khi hết tiếp tục đi”. Cứ vậy, đa phần các món ăn thường ngày của đồng bào S’tiêng ở xã Minh Hưng đều được chế biến từ các loại thực phẩm có sẵn trong tự nhiên.

Đồng bào S’tiêng đi xúc tôm, cá phục vụ bữa ăn gia đìnhĐồng bào S’tiêng đi xúc tôm, cá phục vụ bữa ăn gia đình

Anh Điểu Tốt cho biết, xuống ven dòng sông Lấp, chúng tôi được thông báo không đi bằng thuyền mà chạy xe honda. Điều này có nghĩa, đi hết đường nhựa liên xã sẽ phải luồn lách qua nhiều vườn rẫy bằng đường mòn rất hẹp, độ dốc cao. Tuy đường đi lại không dễ nhưng bù lại, mỗi người được trải qua nhiều cảm giác rất thú vị. Sau khi chạy qua nhiều lô cao su thẳng tắp, vừa tuổi cạo, chúng tôi dừng trước vườn tiêu trĩu trái. Tiếp đó, chúng tôi thả xe lao dốc qua nhiều vườn cà phê xanh mướt... Khi cả nhóm dừng lại ven sông, hiện ra trước mắt là dòng Lấp mênh mông.

Trong lúc mấy vị khách đang ngỡ ngàng thưởng cảnh, vợ chồng anh Tốt và mẹ con chị Lai đã cầm xúc, giỏ lội xuống ven sông. Anh Tốt vừa xúc vừa cho biết: “Nên chọn nơi nước lặng, có sức chảy không đáng kể (thường là những vùng bị dòng sông lấn sâu vào, tạo thành các vũng nước lớn). Bởi tôm, cá thường chọn những nơi này để trú ngụ, sinh sản; các loại cua, ốc cũng nhiều”. Tuy nhiên, đi xúc tôm, cá ven sông phải mang ủng cao cổ, được buộc chặt bằng dây vải chắc chắn. Do các loại rác, cành cây gai, cây thẹn... bị đánh xô vô, lẫn trong lớp bùn dày dễ gây thương tích. Đối với những đứa trẻ, do lớp bùn khá dày không thể lội xuống, được cha mẹ cho cầm rổ, rá, tìm các dòng chảy nhỏ (thường là mạch suối) để đặt vào hứng tôm, cá bơi xuống sông. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ xúc, nhóm lên bờ tiếp tục tới các vùng khác. Lúc này, trong giỏ mỗi người bắt được khoảng 1,5kg tôm, cá, cua.

Do được đánh bắt từ tự nhiên, lại bằng thủ công nên tới tối về nhà, tôm, cua, cá... vẫn còn tươi. Vì vậy, theo chị Lai, chỉ cần rửa sạch đem nấu sẽ tạo ra những món ăn ngon, đặc trưng của đồng bào. Quả thực, khi ở cùng đồng bào, chúng tôi được chứng kiến những việc làm thường ngày của bà con, tuy đơn giản, rất đời thường nhưng luôn toát lên vẻ đẹp văn hóa đời sống độc đáo, riêng biệt.

Trung Nhân

  • Từ khóa
61872

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu