Thứ 3, 30/04/2024 20:35:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:51, 01/04/2017 GMT+7

Tản văn

Hoài niệm

Thứ 7, 01/04/2017 | 09:51:00 144 lượt xem

BP - Chỉ ba tháng sau khi anh tôi đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô về thì thầy mẹ bán căn nhà trong làng để ra phố.

Hồi nhà tôi còn ở trong làng, cứ vài tháng, anh đóng hàng gửi về là nhà lại rậm rịch người ra kẻ vào để mua hàng. Ngày ấy, hàng hóa hiếm hoi, đắt đỏ lắm. Những thứ bán phân phối ở cửa hàng mậu dịch toàn do các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp làm nên chất lượng rất kém. Kém mà vẫn không có để mua, vẫn phải xếp hàng rồng rắn vào một ngày cố định trong tháng. Thế nên trong xóm, ai cũng lóa mắt trước những bàn là hoa dâu, quạt tai voi, nồi áp suất, xoong, chảo và chậu nhôm Liên Xô sáng quắc anh tôi gửi về.

Từ khi anh tôi đóng hàng gửi về, căn nhà gỗ của gia đình không còn mở thông thống cho mát như trước nữa. Đêm đêm, tiếng chó sủa í ẳng nơi bờ ao, gốc chuối hay phía sau chuồng lợn làm thầy mẹ tôi không ngủ được. Cửa đóng chặt làm căn nhà gỗ trở nên ngột ngạt và mẹ tôi nằm trong nhà mà cứ lo mấy đứa bất lương trong xóm sẽ nẫng mất của bà bầy lợn giống. Dù đống hàng hóa anh tôi gửi về đã được thầy mẹ cẩn thận cho xuống dưới đáy bồ lúa, khi nào gom đủ số người mua thì mới bốc lúa dỡ lên, nhưng ông bà vẫn không ngủ được vì lo đạo chích. Rồi anh tôi về hẳn, quyết định ra phố để đổi đời, để đêm đêm thầy mẹ không còn phải thức canh chừng trộm nữa. Căn nhà cũ, nơi cất giấu rất nhiều kỷ niệm của anh em tôi được sang lại với cái giá rẻ như bèo. Và tôi cứ nấn ná không muốn rời xa những kỷ niệm buồn vui suốt thời thơ ấu.

Năm tháng qua đi, ngôi nhà hai tầng có hai mặt tiền của gia đình tôi trở thành một cửa hiệu tạp hóa sầm uất và tôi cũng đã trở thành một chàng trai phố huyện với áo quần là lượt, tóc tai bóng nhẫy. Nhưng ẩn chứa bên trong cái hình hài hào nhoáng ấy vẫn là tâm hồn một thằng bé xóm Giữa giỏi lặn sông bắt cá. Hai năm kinh doanh ở phố huyện, thầy mẹ dành dụm mua cho tôi miếng đất đối diện ngôi nhà cả gia đình đang ở để chuẩn bị cho tôi ra riêng, nhưng tôi chẳng màng. Chiều chiều, tôi hay lượn xe máy vào xóm Giữa để thăm lại ngôi nhà cũ. Lòng tôi rối bời khi người chủ mới đào béng lối đi giữa hai cái ao ken dày trúc bạch để dồn thành một ao rộng thả cá. Và tôi điếng lòng khi người ta chặt phéng đi cây ổi già để kiến thiết lại vườn tược. Ngày còn nhỏ, vào những buổi trưa, anh em tôi thường trèo lên cây ổi hái cả những trái còn xanh chát mang xuống chấm muối ăn ngon lành trước khi hò nhau ra sông ngụp lặn.

Chiều nay, lúc ngồi xếp bằng trên hè uống nước với chủ nhà, tôi thừ người khi ông chủ khoe tháng sau sẽ dỡ cái lốt gỗ đi để xây ngôi nhà mái bằng cho nó khang trang, con cái lớn cả rồi, để ngôi nhà ngang thế này sinh hoạt bất tiện lắm. Ông ta phấn khởi thuyết trình cái nền này sẽ được nhấc cao lên và nới rộng ra. Nhà sẽ có bốn phòng riêng biệt. Chỗ này đặt bể nước mưa, chỗ kia là nhà tắm. Tai tôi ù đi. Niềm hân hoan của người chủ lại mang đến cho tôi một nỗi buồn khó nói thành lời. Chỉ tháng sau thôi, tôi sẽ không còn có cơ hội tìm lại những kỷ niệm cất giấu nơi mái nhà xưa nữa. Nhìn cái mặt hơn hớn của ông chủ nhà, tự nhiên tôi thấy ghét.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
58055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu