Thứ 6, 03/05/2024 06:22:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:08, 01/10/2016 GMT+7

“Bầu ơi thương lấy bí cùng...”

An Nhiên
Thứ 7, 01/10/2016 | 14:08:00 108 lượt xem
BP - Chiều 26-9, hứng cơn mưa quá lớn khiến Sài Gòn chìm trong biển nước, ngập hàng chục tuyến đường. Đến 20 giờ mưa vẫn không ngớt, đường phố chìm trong nước, xe máy bị cuốn trôi, dòng người kéo dài kẹt cứng trên đường. Thiên tai gây khốn khổ cho con người đã đành một nhẽ nhưng khi đọc thông tin: lợi dụng dòng xe chết máy nối đuôi xếp hàng trước các tiệm sửa xe, nhiều kẻ đã “đục nước béo cò” tìm cách “chặt chém” trên các báo lại khiến nhiều người bức xúc, bất bình.

Theo ghi nhận của phóng viên Zing.vn, các điểm sửa xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi lần chùi bugi lấy 40.000 đồng. Còn tại quận 10, sau một hồi tháo ráp, chùi khô, nổ máy chiếc tay ga, cuối cùng người thợ sửa xe cũng “hét” giá 150.000 đồng. Trong khi đó, lau bugi vốn là việc làm đơn giản nhất mà tôi thỉnh thoảng vẫn chứng kiến. Người sửa xe thường không lấy tiền mà chỉ giúp đỡ với nụ cười... “sửa giùm thôi!”.

Quả thật trong tình cảnh này thì đắt mấy khách hàng cũng phải bấm bụng để nhanh được về nhà. Nếu phục vụ người đi đường và lấy giá phải chăng thì không cần bàn cãi nhưng không ít người lại xem đây là “vận may”. Vĩ lẽ đó, nhiều người dân Sài Gòn đành mang nỗi niềm như anh Tuấn ngụ quận 2: “Dắt bộ 30 phút mới tới tiệm sửa xe, giờ người ta có lấy 500.000 đồng chắc tôi cũng phải đưa. Đói bụng, ngâm nước mưa lâu, giờ tôi đuối quá rồi, không dắt bộ được nữa”.

Nhìn cảnh này tôi lại nhớ tới những lần lũ lụt, thiên tai xảy ra ở nước ta, đặc biệt là những trận lũ nặng nề ở miền Trung vào các năm 1999, 2010, 2011, 2013 và gần đây nhất là ở Quảng Ninh năm 2015. Từ đây, rất nhiều cách hành xử (cả xấu và tốt) khiến người ta không thể quên. Bên cạnh những người quên mình băng qua dòng nước lũ để cứu người, vận chuyển lương khô, mì tôm, vượt hàng ngàn cây số để cứu trợ những người còn mắc kẹt trong lũ thì lại có người nhân cơ hội này để nâng giá thực phẩm, làm giàu trong nỗi khốn cùng của đồng bào mình.

Vào thời điểm lũ lụt ở Quảng Ninh, báo chí đã tốn không ít giấy mực kể về những tấm lòng nhân hậu như ông Đào Hồng Tuyển được người dân yêu mến gọi là “chúa đảo” Tuần Châu sẵn sàng đón nhận người dân vùng lụt đến ăn ở miễn phí tại khu du lịch quốc tế Tuần Châu khiến nhiều người cảm động rơi nước mắt. Nhưng cũng phải phê phán không ít người lợi dụng thực phẩm khan hiếm do ngập lụt mà tăng giá đến chóng mặt để trục lợi. Một bó rau tăng gấp 10 lần, thịt heo tăng 2 lần, mì tôm lên tới 50.000 đồng/gói và giá nước sạch ở Hạ Long 900 ngàn đồng/tẹc...

Một số người có thể cho rằng, đây là hành động thông thường của người buôn bán. Tuy nhiên sẽ ý nghĩa biết bao nếu dịp này họ biết chia sẻ với đồng bào hơn là “chặt chém” để thu lợi riêng. Vì thế, trong hoạn nạn đã phát lộ cách hành xử khiến chúng ta phải suy nghĩ.

Tuy nhiên, chỉ có sự chia sẻ trong khó khăn mới là thứ tài sản vô giá mà không tiền bạc nào mua được. Đã là “người trong một nước”, đừng bao giờ quên bài đạo đức được học ngay từ khi đặt chân vào lớp 1 rằng: “Thương người như thể thương thân” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương...” để sống tốt hơn, để cuộc đời này thêm ấm áp, tràn đầy tình yêu thương.

  • Từ khóa
56879

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu