Thứ 4, 01/05/2024 01:09:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 15:09, 07/05/2016 GMT+7

Ký ức của người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Thứ 7, 07/05/2016 | 15:09:00 286 lượt xem
BP - Bốn mươi mốt năm đất nước hòa bình nhưng trong tâm trí của người lính năm xưa, ký ức về những năm tháng gian khó nhưng vẻ vang, tự hào trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, đối với những người lính trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 thì những ký ức hào hùng về ngày toàn thắng của dân tộc, non sông thu về một mối ấy không bao giờ phai nhạt.

Ông Vũ Văn Thái (thứ hai từ trái qua) cùng hội viên cựu chiến binh xã Tân Tiến tại lễ bàn giao nhà cho hội viên khó khănÔng Vũ Văn Thái (thứ hai từ trái qua) cùng hội viên cựu chiến binh xã Tân Tiến tại lễ bàn giao nhà cho hội viên khó khăn

Ông Vũ Văn Thái (66 tuổi, quê Thái Bình) ngụ ấp Chợ, xã Tân Tiến (Đồng Phú) nhớ lại: Năm 1972, ông tình nguyện nhập ngũ và huấn luyện tại Tiểu đoàn 51 thuộc Tỉnh đội Thái Bình. Sau 3 tháng huấn luyện, ông chuyển về Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đóng quân tại tỉnh Quảng Trị. Tại đây, đơn vị ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt, giành giật từng tấc đất với kẻ thù. Tháng 11-1972, Mỹ - ngụy đánh phá Quảng Trị, nhằm cắt đứt tuyến đường huyết mạch của quân và dân miền Bắc tiếp tế sức người, sức của cho miền Nam. Ông cùng đồng đội đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh tại sông Thạch Hãn và thành cổ Quảng Trị. Trong trận đánh này, Mỹ - ngụy đã sử dụng đội quân tinh nhuệ và vũ khí hiện đại nhất hòng cố thủ Quảng Trị. Giữa chiến trường ác liệt và thế giằng co giữa ta và địch, quân đội ta gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng với tinh thần quyết tâm của bộ đội chủ lực, sau một thời gian chiến đấu anh dũng, quân và dân ta đã chiếm giữ Quảng Trị, tạo đà cho quân chủ lực của ta tiến vào giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau khi giữ vững Quảng Trị, tháng 8-1973, đơn vị ông được lệnh chuyển ra Thanh Hóa để tiếp tục huấn luyện và giúp dân tăng gia sản xuất, chuẩn bị sức người, sức của cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khi nhắc lại Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông vẫn nhớ như in từng thời điểm. Đầu năm 1975, đơn vị ông được lệnh tiến công thần tốc vào Nam thực hiện giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Sau một thời gian hành quân, đơn vị ông vừa di chuyển vừa chiến đấu và mở đường Trường Sơn. Đến khu vực cầu Nha Bích, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước ngày nay, đơn vị ông tạm dừng chân, củng cố lực lượng, chuẩn bị phương tiện kỹ thuật, vũ khí, khí tài... để tiếp tục hành quân vào Sài Gòn.

Trong chiến dịch này, lần đầu tiên trong lịch sử, Quân đội Việt Nam được “cơ giới hóa”, nghĩa là chấm dứt hành quân bộ, gùi cõng hành lý, thay vào đó là các đoàn quân, khí tài được chở bằng xe cơ giới. Ông Thái nhớ lại: Lúc đó, bộ đội Trường Sơn đảm nhận những nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định trong thắng lợi của chiến dịch. Các đơn vị vận tải ôtô, chở các quân đoàn chủ lực, trở thành bộ binh cơ giới hóa. Do đó, tốc độ tấn công tăng lên, tạo khí thế mạnh mẽ tiến vào Sài Gòn... Từ chỗ thực hiện nhiệm vụ vừa đánh vừa mở và bảo vệ đường Hồ Chí Minh, cùng bộ binh và các quân chủng khác tham gia trực tiếp vào các trận đánh, tiến công giải phóng miền Nam, quân chủ lực của ta luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tất cả đều dồn sức cho chiến thắng.

Đến Sài Gòn, đơn vị ông được lệnh đánh chiếm Bộ tổng tham mưu, Nha cảnh sát, các cơ quan đầu não của chính quyền ngụy ở quận Gò Vấp. Sáng 30-4-1975, quân ngụy tuyên bố đầu hàng và rút chạy, quân ta tiếp quản Sài Gòn. Chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, khi đặt chân đến Sài Gòn, cảm xúc không thể diễn tả hết bằng lời đối với những người lính “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Trong đoàn quân tiến vào Sài Gòn thời điểm đó, người lính Trường Sơn có thêm một trách nhiệm, đó là tham gia bảo vệ thành phố cho trọn vẹn, tiếp quản những gì còn lại để xây dựng cho to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Ông vui mừng nói: “Sau chiến thắng, tôi cùng đồng đội vào các cửa hàng, ngõ phố, thấy đồng bào vui lắm. Hạnh phúc của ngày giải phóng, một ngày mà ai cũng mừng chảy nước mắt, chúng tôi lúc đó không thốt lên được cảm xúc của mình”.

Đất nước giải phóng, năm 1977, ông xuất ngũ trở về địa phương. Năm 1992, ông cùng gia đình vào Bình Phước lập nghiệp. Với bản chất “bộ độ Cụ Hồ”, ông tích cực tăng gia sản xuất và tham gia hoạt động xã hội tại địa bàn. Từ Trưởng ban mặt trận ấp, ấp trưởng đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Tiến, ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Vì thế, ông được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của các cấp. Ấp Chợ do ông làm ấp trưởng đạt danh hiệu Ấp văn hóa nhiều năm liền, thành tích này có công đóng góp rất lớn của ông Vũ Văn Thái - người lính Cụ Hồ năm xưa.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
54874

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu