Thứ 3, 30/04/2024 20:02:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:48, 27/11/2015 GMT+7

Mô hình “Cầu đường có chủ” - hiệu quả “3 trong 1”

Thứ 6, 27/11/2015 | 07:48:00 228 lượt xem
BP - Sau hơn 1 năm thực hiện khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ gắn với mô hình “Cầu đường có chủ” trên đường ĐT759B, đoạn từ Km26+000 (bến xe Bù Đốp) đến Km40+000 (Cửa khẩu Hoàng Diệu) do Huyện đoàn Bù Đốp thực hiện đã mang lại hiệu quả “3 trong 1”. Qua đó, giúp ngành chức năng kịp thời sửa chữa, khắc phục hư hỏng nhỏ, kéo dài tuổi thọ công trình giao thông và phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong giữ gìn an toàn giao thông.

Tháng 10-2014, Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) và Tỉnh đoàn thực hiện chương trình phối hợp tổ chức thí điểm khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên  một số tuyến đường tỉnh giai đoạn 2014-2017. Theo đó, từ tháng 10-2014 đến tháng 10-2015, các đơn vị đã khoán cho Huyện đoàn Bù Đốp quản lý, bảo dưỡng thường xuyên tuyến đường ĐT759B với kinh phí khoảng 200 triệu đồng. 

Phát huy tinh thần xung kích tuổi trẻ

Ông Trần Viết Thủy, cán bộ kỹ thuật bảo trì đường bộ Sở GT-VT cho biết: Bình Phước là tỉnh đầu tiên thực hiện Đề án khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường với mô hình “Cầu đường có chủ”. Với tuyến ĐT759B, bộ phận kỹ thuật phải thường xuyên tham gia hướng dẫn đoàn viên cách bảo trì đường bộ để đạt hiệu quả theo yêu cầu đề án đặt ra.

Đoàn viên Huyện đoàn Bù Đốp dọn vệ sinh tuyến đường được giao quản lý, bảo dưỡng thường xuyên

Với khẩu hiệu “Thanh niên đảm bảo giao thông luôn thông suốt và an toàn trên các nẻo đường”, sau hơn 1 năm thực hiện, Huyện đoàn Bù Đốp và các Xã đoàn Phước Thiện, Hưng Phước, Thiện Hưng tổ chức 72 đợt quản lý, bảo dưỡng thường xuyên với 1.080 lượt thanh niên tham gia. Các bạn trẻ đã sửa chữa biển báo bị vênh, nghiêng; thường xuyên vệ sinh mặt đường; nạo vét, khơi thông cống, rãnh dọc 2 bên, đảm bảo hệ thống thoát nước tốt, chống nước ngấm gây sụt lún mặt đường... Đồng thời, phát cây, cắt cỏ, đắp nền, lề đường, hốt đất bồi lắng... tạo thông thoáng tầm nhìn cho người tham gia giao thông.

Ông Hồ Văn Hữu, Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Việc phối hợp với đoàn thanh niên quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đã đảm bảo tuyến đường có chủ thật sự, góp phần hạn chế xây dựng các công trình vi phạm giao thông và phát huy tiềm năng, tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ. Từ đó, hạn chế tệ nạn xã hội trên các tuyến đường, đẩy mạnh xây dựng chương trình nông thôn mới... và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Đặc biệt, phát huy hiệu quả nguồn kinh phí nhà nước cấp hằng năm phục vụ bảo trì, bảo đảm kết cấu cầu, đường ngày càng tốt hơn.

“Khi đề án chưa triển khai, đoàn thanh niên vẫn phát động phong trào phát quang bụi rậm, dọn vệ sinh 2 bên các tuyến đường chính. Từ khi thí điểm đề án, những tuyến đường với mô hình “Cầu đường có chủ”, thì đơn vị được phân công có thêm kinh phí hoạt động nên ngày càng phát huy hiệu quả” - Bí thư Xã đoàn Hưng Phước Đặng Thị Mỹ Lành chia sẻ.

Muốn nhân rộng phải thay đổi cách thực hiện

Để nâng cao hiệu quả đề án trong thời gian tới, anh Nguyễn Hữu Lê, Phó bí thư Huyện đoàn Bù Đốp nói: Các đơn vị cần thay đổi cách triển khai, như đồng bộ quá trình thực hiện và tuyên truyền về lợi ích hiệu quả của đề án phải rộng rãi. Trước khi bàn giao tuyến đường cho đơn vị quản lý, bảo dưỡng phải kiểm tra kỹ hiện trạng làm cơ sở đánh giá cho mỗi đợt nghiệm thu. Như vậy, đơn vị nhận khoán sẽ có kế hoạch quản lý và thực hiện hiệu quả hơn. Lập bảng có tên đoạn đường, tên đơn vị phụ trách và tiêu chí quản lý bảo dưỡng. Sở GT-VT phải tạo điều kiện cho ứng trước khoảng 50% kinh phí để các đơn vị có cơ sở thực hiện vì khối lượng công việc lớn, hạng mục nhiều, kinh phí ít nếu quyết toán sau sẽ rất khó cho đơn vị thực hiện.

“Mặc dù mô hình đã mang lại hiệu quả bước đầu nhưng cũng có nhiều khó khăn phát sinh, do vậy đơn vị được giao cần linh động đề ra hướng giải quyết phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian tới, mô hình sẽ được nhân rộng đến các huyện khác. Tỉnh đoàn sẽ rút kinh nghiệm và thay đổi cách làm phù hợp hơn để phát huy hiệu quả đề án cũng như tinh thần xung kích, nhiệt huyết cống hiến của tuổi trẻ trong việc bảo vệ và gìn giữ những tuyến đường” - Bí thư Tỉnh đoàn Tôn Ngọc Hạnh khẳng định.

Ông Hồ Văn Hữu cho hay: Hai việc chính khi thực hiện mô hình là đơn vị nhận khoán quản lý, bảo dưỡng thường xuyên phải phát quang, dọn dẹp ở những khúc cua làm khuất tầm nhìn, đảm bảo an toàn giao thông. Đồng thời khơi thông đường mương thoát nước, không để nước đọng; kiểm tra thường xuyên nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh, tránh nước ngấm gây sụt lún mặt đường. Những hư hỏng nặng cần đến kỹ thuật, máy móc do đối tượng phá đường hoặc phương tiện quá khổ, quá tải gây hư hỏng phải báo sớm về đơn vị để xử lý. Hiện nguồn vốn bảo trì các tuyến đường của tỉnh rất hạn hẹp nhưng sở vẫn thống nhất trong năm 2016 sẽ cho ứng trước ít nhất 30% số tiền theo hợp đồng ký kết. Nếu ứng trước 50%, phải xin ý kiến của UBND tỉnh và có sự bảo lãnh của Tỉnh đoàn.

Ngọc Bích

  • Từ khóa
52979

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu