Thứ 4, 01/05/2024 03:26:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 15:20, 09/09/2016 GMT+7

Nghề công tác xã hội - Triển vọng và những bất cập

Thứ 6, 09/09/2016 | 15:20:00 194 lượt xem
BP - Được đánh giá là mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng nên nghề công tác xã hội đang dần được nhiều người biết đến. Thế nhưng, nghề này cũng đặt ra nhiều yêu cầu khắt khe như tình yêu nghề, trình độ chuyên môn, kỹ năng, đặc biệt là sự dấn thân vì sự phát triển của xã hội. Hiện nay, cộng tác viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh đa số kiêm nhiệm, lấy niềm vui của người khác làm động lực để gắn bó với nghề.

ĐƯA CHÍNH SÁCH ĐẾN VỚI NGƯỜI YẾU THẾ

Năm 2015, từ nguồn vốn của Dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã hỗ trợ gia đình chị Mã Thị Lệ (SN1992,  bị tâm thần) ở thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, 1 con dê mẹ và 2 dê con. Đến nay, nhờ chăm sóc tốt đàn dê đã phát triển lên 6 con, trong đó có 4 con đang mang thai. Ông Mã Văn Thịnh, ba chị Lệ cho biết: “Con bị bệnh, vợ chồng tôi phải thay nhau chăm sóc nên không thể đi làm. Từ ngày có đàn dê, vợ tôi vừa đi chẻ hạt điều vừa mang con theo để tôi tranh thủ đi cắt cỏ nuôi dê. Mong ước của tôi là phát triển đàn dê để có thu nhập lo cho tương lai của con”.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với đoàn y, bác sĩ thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh cho người nghèo xã Phước Tân, huyện Phú Riềng - Ảnh: Ngân HàTrung tâm Công tác xã hội tỉnh phối hợp với đoàn y, bác sĩ thiện nguyện ở TP. Hồ Chí Minh khám, chữa bệnh cho người nghèo xã Phước Tân, huyện Phú Riềng - Ảnh: Ngân Hà

Từ sự quan tâm, động viên của cộng tác viên công tác xã hội xã Phú Riềng là anh Nguyễn Văn Phú, 2 năm nay việc học tập của em Nguyễn Thị Nhi bị khuyết tật, học sinh lớp 7A9, Trường THCS Nguyễn Du đã thuận lợi hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Quang Danh (ông nội của Nhi) chia sẻ: Ngoài nhận được sự quan tâm của Nhà nước về chính sách dành cho người khuyết tật, cháu Nhi còn được nhiều nhà hảo tâm giúp đỡ theo từng đợt. Về lâu dài, cháu được Câu lạc bộ tình nguyện và kỹ năng Thiên thần (xã Phú Riềng) hỗ trợ 300 ngàn đồng/tháng cho đến khi 18 tuổi. Câu lạc bộ còn cử 2 thành viên thường xuyên đến nhà hướng dẫn, kèm cặp Nhi học tập.

Năm 2015, xã Nghĩa Bình (Bù Đăng) đã có 9 trường hợp được hỗ trợ sinh kế. Các hộ đều dành vốn mua bò giống, dê, heo, gà... để phát triển kinh tế. Ông Điểu Tía ở thôn Bình Trung nói: Bị mờ 2 mắt nên từ số vốn hỗ trợ tôi đã góp thêm tiền mua 1 con bê. Đến nay, bê đã phát triển thành bò sinh sản. Hằng ngày, tôi cùng một gia đình khác luân phiên đi chăn bò. Thời gian rảnh, tôi đi làm thuê để có thêm thu nhập”. Ông Tía cho rằng sự hỗ trợ rất thiết thực đối với những người khuyết tật sẽ là động lực để họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

KHÔNG DỄ THÀNH CÔNG

Hiện nay, toàn tỉnh có 105 cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn, trong đó 38 người không làm thêm các công việc khác và 67 người kiêm nhiều việc. 6 tháng đầu năm nay, đội ngũ này đã can thiệp, trợ giúp 1.778 đối tượng yếu thế tại cộng đồng. Trong đó đã hỗ trợ sinh kế 51 trường hợp; hỗ trợ tìm kiếm, giới thiệu việc làm cho 150 trường hợp; phối hợp cùng cán bộ thương binh - xã hội các xã, phường, thị trấn rà soát và hướng dẫn làm hồ sơ, thủ tục cho 1.114 trường hợp hưởng chế độ bảo trợ xã hội; tổ chức khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho gần 500 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn; kết nối và hướng dẫn vay vốn phát triển kinh tế cho 23 trường hợp; hỗ trợ quần áo, đồ dùng học tập 5 trường hợp; can thiệp, hỗ trợ khác 14 trường hợp. Bước đầu, nhiều huyện như Bù Đốp, Đồng Phú, Hớn Quản đã có sự quan tâm, gắn kết và chỉ đạo sát sao đối với đội ngũ cộng tác viên các xã, phường, thị trấn nên nhiều hoạt động trợ giúp được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên còn một số huyện, thị chưa quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo nên hoạt động công tác xã hội còn hạn chế, số lượng đối tượng được trợ giúp không nhiều, như Phú Riềng, Bình Long, Đồng Xoài. Đặc biệt thị xã Phước Long trong quý 1/2016 không can thiệp, trợ giúp được đối tượng nào.

Cộng tác viên công tác xã hội xã Phú Riềng Nguyễn Văn Phú hướng dẫn cháu Nguyễn Thị Nhi học tậpCộng tác viên công tác xã hội xã Phú Riềng Nguyễn Văn Phú hướng dẫn cháu Nguyễn Thị Nhi học tập

Do là nghề mới nên công tác xã hội đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số huyện, thị chưa thường xuyên, chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động xã hội; mức phụ cấp thấp nên đội ngũ này thường xuyên biến động, dẫn đến nhiều hoạt động bị gián đoạn, trong khi đó, cộng tác viên mới chưa nắm bắt được chuyên môn, nghiệp vụ, các kỹ năng thực hành nghề nên việc trợ giúp cho đối tượng chưa đạt hiệu quả. Công tác can thiệp trợ giúp cho cộng đồng bước đầu đạt yêu cầu về số lượng nhưng chất lượng chưa đảm bảo. Nhiều cộng tác viên chưa xây dựng kế hoạch trợ giúp và chưa đảm bảo quy trình các bước trong can thiệp trợ giúp đối tượng nên hiệu quả chưa cao. Nhiều nơi, cộng tác viên chưa hiểu hết vai trò, nhiệm vụ của mình, chưa xây dựng kế hoạch làm việc cụ thể mà chỉ phối hợp, hỗ trợ cán bộ lao động, thương binh và xã hội thực hiện một số chính sách trợ giúp đối tượng. Công tác đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho cộng tác viên chưa được thực hiện thường xuyên...

Chị Hoàng Như Mai, cộng tác viên công tác xã hội xã Nghĩa Bình nói: Tôi hiện là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã kiêm nhiệm với mức phụ cấp 0,5 hệ số lương/tháng. Vẫn biết làm nghề này phải bằng cái tâm, tuy nhiên hiện nay chúng tôi rất khó khăn, một số ban, ngành chưa hiểu hết chức năng nên còn e ngại trong phối hợp vận động. Niềm vui của chúng tôi là cải thiện chất lượng đời sống cho người yếu thế, nhưng không phải trường hợp nào cũng sẵn sàng phối hợp thực hiện kế hoạch. Vì vậy, cộng tác viên công tác xã hội nếu không nhiệt tình, tâm huyết, có chuyên môn, kỹ năng thì khó hoàn thành công việc.

Phương Dung

  • Từ khóa
93067

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu