Thứ 3, 30/04/2024 20:59:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:01, 27/08/2016 GMT+7

Nỗi lo cầu tạm trong mùa mưa lũ

Thứ 7, 27/08/2016 | 09:01:00 248 lượt xem
BP - Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều suối, mùa mưa nước chảy xiết. Những cây cầu tạm (cầu dân sinh) chủ yếu do một số hộ dân tự nguyện đóng góp làm. Họ tận dụng những vật liệu như dây thừng, sắt, gỗ, ván, tre… làm cầu phục vụ nhu cầu đi lại. Mùa mưa lũ, đi trên những chiếc cầu tạm đã xuống cấp, người dân thấp thỏm lo sợ bởi nguy hiểm luôn rình rập. Vì vậy, những nhịp cầu vững chắc, thuận tiện thông thương là niềm mong mỏi của người dân từ nhiều năm nay...

BƠI TRÊN CẦU

Chúng tôi đến xóm 6, ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến (Đồng Phú) sau những trận mưa lớn vào trung tuần tháng 8. Suối Rạt “phình to”, cầu Ông Nhất bắc qua suối có trụ cao 8m, bị nuốt chửng trong dòng nước đục ngầu, có chỗ ngập sâu 2m. Cây trồng của người dân 2 bờ suối ngập trắng xóa. Hàng trăm hộ dân ở các xã Tân Hòa, Tân Tiến muốn về nhà phải để xe lại trên bờ, men theo sợi dây thừng do người dân cột để xác định vị trí cầu ngập, chỗ nào nước cạn cẩn thận bước đi trên cầu, nước sâu men theo dây thừng bơi qua.

Anh Đạt cõng một người trong xóm qua cầu Ông NhấtAnh Đạt cõng một người trong xóm qua cầu Ông Nhất

Chỉ tay vào khoảng 20 xe máy, xe đạp xếp kín sân nhà, ông Mai Thành Luân có nhà gần cầu Ông Nhất cho biết: “Đi làm về nước dâng cao, nhiều người gửi xe lại nhà tôi rồi bơi qua suối về nhà. Đầu tháng 8, lực lượng dân quân xã Tân Tiến cấp cho tôi 1 cái phao để cứu người trong trường hợp khẩn cấp. Mùa nước cạn, từ lòng suối lên tới thành cầu khoảng 8m. Nhưng năm nay mới đầu mùa mưa, nước đổ về nhanh, lại chảy xiết, người dân phải bám dây thừng qua suối để về nhà hoặc đi cạo mủ cao su. Thậm chí, những năm trước nước dâng cao, chảy xiết làm đứt gãy cầu nhiều lần”.

Cảnh báo nguy hiểm khi qua lại cầu Ông Nhất và dòng nước chảy xiết, có nơi sâu đến 10m, lực lượng dân phòng mang phao đến cho người dân sử dụng khi qua cầu (ảnh nhỏ)Cảnh báo nguy hiểm khi qua lại cầu Ông Nhất và dòng nước chảy xiết, có nơi sâu đến 10m, lực lượng dân phòng mang phao đến cho người dân sử dụng khi qua cầu (ảnh nhỏ)

Có nhà ở ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, mấy ngày nay Chủ tịch HĐND xã Tân Hòa Nguyễn Văn Tược cùng người dân “bơi” trên cầu để đi làm. Ông Tược cho biết: “Nước sâu, dòng nước lại chảy xiết nên rất nguy hiểm. Thông thường, sau cơn mưa lớn cầu ngập khoảng 1 tuần, có năm cầu bị ngập cả tháng. Cầu dài 25m nhưng nay bề ngang suối đã lên đến 40m, nếu thêm 1 trận mưa to nước còn dâng cao hơn nữa. Dù nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn phải đi qua cầu. Những người dân sống gần đó luôn nơm nớp lo sợ, nhìn về hướng cầu để kịp thời giúp đỡ nếu có tình huống xấu xảy ra”. Đang trao đổi với ông Tược, chúng tôi thấy em Bùi Văn Dũng (ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến) men qua cầu đến giữa dòng suối, nước sâu tới ngực, em có vẻ sợ hãi. Một người dân nhanh chóng tiến lại, quăng phao cho Dũng. Trên đường đi làm về, anh Trịnh Ngọc Quốc Đạt (ấp Thái Dũng) phải cõng vợ qua suối để về nhà. Thấy cầu trơn trượt vì ngập đã mấy ngày, sau khi đưa vợ lên bờ an toàn, anh Đạt quay lại cõng một người lớn tuổi trong xóm sang.

CẦN LẮM NHỮNG CÂY CẦU VỮNG CHẮC

Ông Lê Văn Nhất, chủ cây cầu tạm Ông Nhất cho biết: “Từ năm 1994, tôi đến định cư gần suối Rạt. Cầu dân sinh bắc ngang suối Rạt đã qua 2 đời chủ. Khi cầu Ông Vọng quá cũ, mục nát, tôi mua gỗ, tấm đan thép gia cố lại cầu nên nhiều người quen gọi là cầu Ông Nhất. Nhưng cầu mới cũng không trụ nổi sức phá của dòng nước vào mùa mưa. Bởi thế, khi nghe tin được đầu tư làm đường sỏi đỏ và cầu bê tông trị giá 1,6 tỷ đồng vào năm 2000, người dân xóm 6, ấp Thái Dũng vui mừng lắm. Tuy nhiên, hơn 15 năm qua, 6km đường cấp phối đã làm xong và đưa vào sử dụng, nay có đoạn đã xuống cấp nhưng cầu bê tông vẫn chưa thấy đâu. Người dân rất mong các cấp chính quyền sớm có phương án xây cầu, thực hiện lời hứa trước dân”.

Anh Nguyễn Văn Sự, thôn Thuận Bình, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cho rằng, những năm gần đây, cầu treo nối xã Thuận Lợi với xã Phú Riềng (Phú Riềng) đã xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn cho người dân mỗi khi qua lại. Vì thế, người dân nơi đây mong lắm một cây cầu bê tông vững chắc, bảo đảm lưu thông an toàn.

CUỐI NĂM 2016 SẼ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG 15 CẦU DÂN SINH

Ngày 8-8-2016, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2242/UBND-KTN về việc triển khai nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của tỉnh phục vụ đầu tư hợp phần xây dựng cầu dân sinh - Dự án LRAMP theo đề nghị của Ban quản lý Dự án 8 (Bộ Giao thông - Vận tải). Theo Công văn số 780/BQLDA8-LRAMP (Bộ Giao thông - Vận tải), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất danh sách 15 cầu dân sinh thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước với tổng kinh phí 27 tỷ đồng ở các huyện Bù Đăng (4 cầu), Đồng Phú (3 cầu), Hớn Quản (4 cầu); các huyện, thị còn lại mỗi đơn vị 1 cầu gồm, Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phước Long. Riêng phần giải phóng mặt bằng, tái định cư, rà phá bom mìn, xây dựng đường dẫn vào cầu được UBND tỉnh giao Sở Giao thông - Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án ngành giao thông - vận tải phối hợp sở, ngành liên quan, các địa bàn có công trình được xây dựng triển khai. Dự kiến, công trình các cầu dân sinh xây mới sẽ được khởi công cuối năm 2016.

C. Liên - T. Ly 

  • Từ khóa
93055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu