Thứ 3, 30/04/2024 21:26:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:41, 21/08/2016 GMT+7

Dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu: Bài toán chưa có lời giải?!

Chủ nhật, 21/08/2016 | 08:41:00 570 lượt xem
BP - Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016 đã có 17 lô hàng xuất khẩu (XK) hồ tiêu của Việt Nam bị EU phát hiện chứa dư lượng của 9 loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt mức quy định và cảnh báo về 3 chất có tần suất xuất hiện cao khác.

Dư lượng thuốc BVTV, trong đó có carbendazim là hoạt chất cấm ở các thị trường XK chủ lực hồ tiêu Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và nếu không kiểm soát được thì “người khổng lồ” XK hồ tiêu Việt Nam sẽ mất thị trường. Cũng từ năm 2015 đến nay, hiệp hội gia vị các quốc gia trên đã liên tiếp có thư gửi Bộ NN&PTNT cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV vượt mức quy định trong hồ tiêu XK Việt Nam. Nhưng tồn dư carbendazim ở khâu nào trong quy trình sản xuất, tiêu thụ hồ tiêu đến nay vẫn chưa có câu trả lời từ ngành nông nghiệp?! 

CHẤT CẤM CÓ CẢ TRONG TIÊU SẠCH

Khi bàn về kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, trong đó có hoạt chất carbendazim vượt quá mức quy định trong tiêu đen XK, nhiều chuyên gia nông nghiệp đều cho rằng do giá tiêu cao hơn rất nhiều lần so với các nông sản XK khác nên nông dân đổ xô mở rộng diện tích. Và do giá cao, đầu tư lớn, hồ tiêu là cây khó tính lại nhạy cảm với nhiều loại nấm bệnh nên người trồng tiêu thả sức “tắm” thuốc BVTV cho vườn tiêu để tránh thiệt hại do tiêu chết.

Nông dân sản xuất tiêu sạch nhưng dễ bị tư thương gian lận trộn tiêu ẩm, tiêu bẩn

Nông dân sản xuất tiêu sạch nhưng dễ bị tư thương gian lận trộn tiêu ẩm, tiêu bẩn

Thế nhưng, dư lượng thuốc BVTV có cả trong hồ tiêu sản xuất theo các tiêu chí tiêu sạch làm nhiều người phải ngỡ ngàng. Dự án phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững ở Bình Phước do Tổ chức sáng kiến thương mại bền vững (IDH) và Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ; Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư (Sở NN&PTNT) triển khai tại 3 huyện Hớn Quản, Lộc Ninh và Bù Đốp.

Liên kết của Nedspice và người trồng tiêu Bình Phước là mô hình điểm gỡ nút thắt trong khâu yếu mắt xích sản xuất chuỗi giá trị nông sản của Việt Nam: phối hợp giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà quản lý. Để liên kết hiệu quả sản xuất chuỗi giá trị hồ tiêu bền vững, nông dân và doanh nghiệp phải xây dựng niềm tin. Nông dân phải tuân thủ nguyên tắc R.A và giám sát thuốc BVTV theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổng kết niên vụ 2014-2015, có 60% tiêu trong dự án xếp loại A. Niên vụ 2015-2016, Nedspice khuyến khích thưởng thêm 3.000 đồng/kg đối với tiêu sạch loại A. Tuy nhiên, tại hội thảo tổng kết niên vụ 2015-2016, kết quả Nedspice đưa ra thì tiêu trong chương trình xếp loại C (tồn dư thuốc BVTV) cao hơn niên vụ trước. Bù Đốp có tỷ trọng tiêu đạt loại A thấp nhất, loại C cao nhất.

Trong khi đó, nhiều chủ nhiệm câu lạc bộ sản xuất tiêu bền vững của dự án cho rằng, mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài, không có mưa trái mùa nên tiêu ít bị nhiễm bệnh và người trồng tiêu ít sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt, với carbendazim là hoạt chất cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản hồ tiêu ở các thị trường XK chủ lực của Việt Nam là Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và phân hủy nhanh (20 ngày phun), nông dân nếu sử dụng để diệt các loại nấm bệnh trên hồ tiêu thì cũng dùng trước khi thu hoạch 4 tháng.

Tại hội nghị bàn về kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên hồ tiêu diễn ra tháng 12-2015, tại TP. Hồ Chí Minh, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết: Một  nông trường ở Tây Nguyên đang trồng tiêu vào loại tốt nhất hiện nay đã triển khai trồng tiêu theo hướng bền vững, an toàn rất bài bản. Thế nhưng khi kiểm tra 10 mẫu tiêu có nguồn gốc từ nông trường này, người ta phát hiện 2 mẫu có dư lượng carbendazim vượt mức cho phép.

Ông Nguyễn Phước Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết: Cục Trồng trọt đã cùng hiệp hội này đi khảo sát một số hộ trồng tiêu trên địa bàn. Một hộ là nông dân tiêu biểu toàn quốc thắc mắc, hộ này phun thuốc BVTV trên tiêu lần cuối cùng là tháng 8 năm trước, đến tháng 1 năm sau thu hoạch. Tháng 4, lô tiêu của hộ này mới được XK, thế nhưng khi cơ quan chức năng nước ngoài lấy mẫu kiểm tra vẫn phát hiện dư lượng carbendazim gấp 10 lần cho phép?

CHƯA CÓ GIẢI ĐÁP THỎA ĐÁNG

 Ông Phan Văn Đon, nguyên Phó giám đốc Sở NN&PTNT đặt vấn đề: Có vườn tiêu phun carbendazim trước lúc thu hoạch 4 tháng, khi kiểm tra hạt tiêu vẫn phát hiện dư lượng chất này, vậy thì nó ở đâu ra? Ông Đon đề nghị Bộ NN&PTNT đánh giá lại môi trường vùng trồng tiêu.

Mùa thu hoạch hồ tiêu ở Lộc AnMùa thu hoạch hồ tiêu ở Lộc An

Chủ tịch VPA Đỗ Hà Nam cũng cho rằng: Khi nông dân tuân thủ nghiêm túc việc sử dụng thuốc BVTV, đã sản xuất bền vững, an toàn thì dư lượng carbendazim trong tiêu bắt nguồn từ đâu? Từ trong đất, trong nước hay từ nguyên nhân nào khác? Do đó các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cần vào cuộc để tìm ra nguyên nhân thực sự gây ra tồn dư carbendazim trong hồ tiêu hiện nay.

Trước những cảnh báo về dư lượng chất cấm carbendazim trên tiêu đen XK (chiếm 85% sản lượng XK), từ năm 2015, Bộ NN&PTNT đã loại bỏ hoạt chất này khỏi danh mục trong quy trình sản xuất hồ tiêu. Người trồng tiêu nên sử dụng các hoạt chất như hexaconazol, fosetyl-aluminium, mancozeb, metalaxyl để thay thế carbendazim phòng trừ nấm, thán thư cho hồ tiêu. Bởi với tác hại của carbendazim, người trồng tiêu khi lạm dụng hoạt chất này không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân, mà còn ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu.

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó phòng Bảo vệ thực vật Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật     

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Phó phòng Bảo vệ thực vật Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Sở NN&PTNT cho biết, carbendazim được nông dân sử dụng để trừ các loại nấm và phòng bệnh thán thư trên hồ tiêu. Thế nhưng, qua khảo sát ban đầu thì hiện có 87% nông dân chưa sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng quy cách). Ngoài ra, hoạt chất carbendazim cũng được cả nông dân và tiểu thương sử dụng trong bảo quản hồ tiêu sau thu hoạch để chống mốc. Qua khảo sát ban đầu ở 5 đại lý thu mua hồ tiêu trên địa bàn tỉnh thì đã có 4 đại lý tồn dư hoạt chất carbendazim. Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam từ nông hộ đến XK qua nhiều khâu trung gian như tiểu thương thu mua tại vườn, đại lý thu gom bán cho các doanh nghiệp XK. Khi thị trường hồ tiêu đang trong cơn sốt về giá, cung chưa đáp ứng cầu thì tư thương sẵn sàng gian lận để kiếm lời.

Như vậy, carbendazim tồn dư không chỉ trong phòng, chữa bệnh cho hồ tiêu mà có cả trong khâu bảo quản chống mốc sau thu hoạch. Để hồ tiêu XK bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nông dân cho rằng phải có liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất hồ tiêu theo quy trình khép kín, phải cấm dùng hoạt chất và cấm lưu thông trên thị trường. Thực tế là nhiều doanh nghiệp đang thi nhau mở hội thảo tranh giành thị trường dẫn đến thị trường thuốc BVTV như một “ma trận” với nông dân.

Tại hội nghị bàn về phát triển hồ tiêu bền vững diễn ra ngày 10-8-2016 tại Gia Lai, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị: Các tỉnh cần rà soát lại diện tích quy hoạch hồ tiêu; yêu cầu Cục BVTV có chương trình rà soát tình hình dịch bệnh trên hồ tiêu cụ thể tại các địa phương để đánh giá đưa ra quy trình canh tác hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời giới thiệu những mô hình khuyến nông hiệu quả để người trồng tiêu tham quan học hỏi. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng yêu cầu các ngành liên quan có quy trình quản lý chặt chẽ các loại thuốc BVTV, tiếp tục đẩy mạnh, triển khai quyết liệt vấn đề này, đặc biệt là tại các tỉnh đang “nóng” vấn đề liên quan đến thuốc BVTV.

Phương Hà

  • Từ khóa
93048

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu