Thứ 6, 29/03/2024 21:09:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:21, 16/10/2017 GMT+7

Xây dựng Đảng ở địa bàn “nóng” - Bài 1

Thứ 2, 16/10/2017 | 10:21:00 332 lượt xem

BP - Bình Phước có 260,433km đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và 3 tuyến quốc lộ kết nối các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nguyên. Những năm đầu tái lập, Bình Phước là tỉnh đất rộng, người thưa nên dân di cư tự do từ khắp tỉnh, thành trong cả nước về Bình Phước sinh sống, làm ăn ngày càng đông, nhất là ở các huyện còn nhiều rừng. Điều đáng lo ngại là trong số này không ít đối tượng có lệnh truy nã hoặc có tiền án, tiền sự. Bên cạnh đó, Bình Phước có tới gần 20% đồng bào các dân tộc thiểu số đời sống khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế... Những yếu tố nêu trên là nguyên nhân dẫn đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) ở nhiều địa bàn trong tỉnh trở thành điểm nóng về các tệ nạn xã hội một thời gian dài. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an để xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là lực lượng gìn giữ ANTT tại các địa bàn “nóng”. Trong đó, yếu tố mang tính quyết định đã được các cấp, các ngành xác định là phải tăng cường công tác xây dựng đảng ở cơ sở và phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức đảng, đảng viên trong phòng, chống tội phạm, giữ gìn ANTT địa bàn.

Ở NƠI TRỘM CŨNG ĐƯỢC “PHONG CẤP”?

Theo Quyết định số 2456/QĐ-BCA(V28) ngày 7-7-2011 của Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2011 Bình Phước có 67 xã địa bàn “nóng” trong tổng số 111 xã, phường, thị trấn. Còn theo Kế hoạch số 64/KH-UBND, ngày 19-3-2015 của UBND tỉnh về chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, an toàn xã hội, Bình Phước có 15 xã, phường, thị trấn cần chuyển hóa. Trong đó, nổi cộm là các xã Long Hà (Phú Riềng), Thanh An (Hớn Quản), Minh Hưng (Chơn Thành), Tiến Thành (Đồng Xoài) và Thống Nhất (Bù Đăng). 

HUYỀN THOẠI VỀ MỘT KHU DÂN CƯ “ĐỘC NHẤT VÔ NHỊ”

“Nơi ấy là “lò” đào tạo những tay trộm chuyên nghiệp. Ở đó, họ còn tổ chức phong cấp bậc cho những người lập “chiến công” và có cả nhà kho chứa xe trộm cắp”. Đấy là những lời đồn thổi tôi được biết khi nghe nói về một điểm nóng ANTT - thôn 7, xã Long Hà (Phú Riềng). Thực hư về những lời đồn thổi ấy đã làm máu nghề trong tôi nóng lên và thôi thúc phải đi tìm rõ sự thật, nếu không đúng thì cũng là để xóa đi nỗi oan cho những người dân nơi đây. 

Long Hà tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên để góp phần làm giảm tệ nạn xã hội

Lục lại ký ức cách đây hàng chục năm, chị P.T.N.H ở thôn 10, xã Long Hà kể với tôi: Hồi đó, gia đình có khoảng 1 ha đất giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn. Ngôi nhà gỗ 5 gian lọt thỏm dưới tán những cây điều già. Làm kinh tế vườn - ao - chuồng nên nhà tôi luôn sẵn các loại gia súc, gia cầm, nhưng rất nhiều lần cả nhà phải ngậm ngùi vì bao công sức bỏ ra sắp đến ngày thu hoạch thì số gà, vịt tự dưng “bốc hơi”. Thậm chí ngay cả những con chó cưng được nuôi nhốt trong nhà sau bao tháng chăm bẵm bỗng “một đi không trở lại”. Đáng sợ nhất là giữa đêm khuya tỉnh giấc thấy  một “bóng đen” không mời mà đến đang lục lọi đồ đạc trong nhà. Vì thế cứ đến chập choạng tối, tôi luôn được nghe “mệnh lệnh” quen thuộc của mẹ hoặc ba “Chốt tất cả cửa phụ lại đi con!”. Riết thành quen, tôi trở thành “thần giữ cửa bất đắc dĩ” lúc nào không hay.

Chẳng biết từ bao giờ, cảnh mỗi sáng sớm cả thôn nhao nhác lên vì nghe tin một gia đình trong thôn bị trộm “ghé thăm” đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Đến lần trong thôn xảy ra vụ trộm bằng thủ đoạn đánh thuốc mê, khiến người dân hoang mang. Từ đó, người dân chọn cách “ngủ thoáng” - mở toang hết cửa sổ, chỉ chốt thật chặt cửa chính để không bị nguy hiểm đến tính mạng, vì sợ hít phải thuốc mê nếu không may nhà bị trộm đột nhập. Cũng từ đó, mỗi nhà có một cách phòng trộm riêng, và nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra. “Giải pháp chống trộm của nhà bạn tôi lúc đó được xem là “một sáng kiến”. Đó là tận dụng những thùng chứa mủ cao su và bất kể các vật có thể phát ra âm thanh, rồi xếp thành hàng dọc theo các cửa trong nhà, sau đó cột dây liên kết chúng lại với nhau. Nếu trộm phá được cửa sẽ vấp phải dây, khi đó các thùng va vào nhau tạo tiếng vang để cả nhà tỉnh giấc” - chị P.T.N.H cho biết. Còn bà N.T.T ở thôn 12, xã Long Hà cho rằng: Người dân phòng trộm bằng nhiều cách “lạ, độc” là do đối tượng trộm cắp rất liều lĩnh. Nhiều gia đình còn quyết tâm không nuôi chó để cắt “nguồn thu” của bọn đạo chích. 

Qua tìm hiểu, tôi còn được biết, trước đây xã Long Hà có những băng nhóm chỉ cần “xướng tên” thôi cũng khiến người dân mất ăn mất ngủ, đó là băng nhóm “Diều hâu” và “Ngựa hoang”. Mặc dù chuyện xảy ra đã nhiều năm nhưng khi kể lại, chị N.T.T.A ở thôn 4, xã Long Hà vẫn còn sợ hãi: “Khi đang chạy xe qua đoạn đường trung tâm thôn 12, tôi thấy chiếc xe nằm chỏng chơ giữa đường, cách đó vài mét mảnh các vỏ chai bia tung tóe, kế bên là ngọn lửa đang loang theo vết xăng, trong khi hai bên đường không có ngôi nhà nào mở cửa. Sau này, tôi mới biết vết lửa loang cháy trên đường và mảnh sành là “vũ khí” tự chế của các băng nhóm này, gọi là bom xăng. Mỗi khi có mâu thuẫn, các băng nhóm hẹn nhau địa điểm cụ thể để “thanh toán” hoặc vào thẳng địa bàn của băng nhóm kia tấn công. Hễ hai bên có mâu thuẫn thì thời gian tính bằng tháng, thường kết thúc khi hai băng nhóm có sự tổn thất về người (thương tích, thậm chí án mạng). Lúc đó, các thành viên trong băng nhóm tạm thời giải tán để tránh sự chú ý của lực lượng công an. Ở thời điểm các băng nhóm “giao chiến”, người dân trong địa bàn chọn giải pháp duy nhất là đóng chặt cửa để tránh tai bay vạ gió.

Ngày 7-6-2016, Công an huyện Phú Riềng phối hợp Công an xã Long Hà đọc lệnh bắt đối tượng Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1987 ở thôn 7, xã Long Hà về tội đánh bạc. Do “ngựa quen đường cũ”, khi lực lượng công an đọc lệnh bắt, lợi dụng lúc người nhà, hàng xóm tấn công lực lượng công an, Dũng tranh thủ chạy trốn nhưng bất thành. Trong lúc giằng co, ông Nguyễn Văn Nghinh - ba của Dũng, đã bị té ngã bất tỉnh. Trước đó, 1 chiến sĩ công an đã rút súng bắn chỉ thiên để thị uy. Sau đó, lực lượng công an đã lấy xe máy chở ông Nghinh đến Trạm Y tế xã Long Hà cấp cứu nhưng bị đám đông cản trở, dẫn đến sự việc kéo dài hàng giờ nên khi đến nơi các bác sĩ xác định ông Nghinh đã chết. Thông tin ông Nghinh chết nhanh chóng lan truyền đến nhiều người nhà của Dũng. Sau đó, một số đối tượng quá khích đã vây lực lượng công an, cản trở lực lượng thực thi công vụ vì cho rằng ông Nghinh chết do công an bắn. Công an huyện Phú Riềng phải đưa lực lượng cơ động về thì tình hình mới tạm yên. Một số chiến sĩ công an đã bị thương trong lúc làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đến 20 giờ cùng ngày, vẫn còn một số đối tượng kéo đến trụ sở UBND xã Long Hà gây náo loạn và tạo áp lực với lực lượng công an. Sự việc chỉ được giải quyết triệt để vào ngày 22-11, khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tổ chức thông báo cái chết của ông Nguyễn Văn Nghinh là do bệnh lý.

KHÔNG DÁM NHẬN LÀ NGƯỜI TRONG THÔN

Từ năm 2000 đến 2013, toàn xã Long Hà có 348 đối tượng độ tuổi từ 18-32 mang tiền án, tiền sự với các tội danh khác nhau, trong đó riêng thôn 7 có 182 đối tượng. Đồng thời, trên 100 đối tượng phạm tội đang cải tạo tại các trại giam, riêng thôn 7 có 48 đối tượng. Năm 2013, riêng thôn 7 có 8 đối tượng “đá nóng” xe máy. Đến nay, thôn 7 vẫn còn 74 đối tượng chưa xóa án tích. Điểm qua các con số trên cho thấy, những “huyền thoại đen” dành cho thôn 7 không phải không có căn cứ.

“Thật sự việc trộm cắp tài sản, đá nóng xe máy... đã từng xảy ra nhưng hiện nay đã giảm nhiều. Các đối tượng đá nóng xe máy chỉ thực hiện ở những địa bàn khác nên chính quyền rất khó quản lý. Gần như có một mặc định ngầm là khi có vụ mất xe trên địa bàn tỉnh, thì các xã, huyện lân cận đều gọi điện đến Long Hà “hỏi thăm” đầu tiên. Còn tin đồn có nhà kho chứa xe máy trộm cắp từ nơi khác về ở thôn 7 chỉ là người dân tự nói với nhau. Riêng chuyện phong  cấp mỗi khi có “chiến tích” thì tôi chưa nghe, chắc người dân tự đồn thổi! Thôn 7 có một số gia đình cả vợ, chồng, con cái đều vi phạm pháp luật; cùng vị trí địa lý độc đạo, địa bàn hiểm trở, diện tích rộng nên người lạ vào rất dễ biết, vì thế khu này gần như một khu biệt lập và cũng là độc nhất vô nhị ở Bình Phước.

Ông PHẠM TẤN CƯỜNG, Bí thư Đảng ủy xã Long Hà

Hiện có không ít những câu chuyện thêu dệt về thôn 7 khiến những người dân lương thiện nơi đây cảm thấy mất tự tin, phiền hà khi giới thiệu về nơi ở của mình trong những lúc giao tiếp với người khác. Đó là trường hợp dở khóc dở cười của ông N.V.H ở thôn 7, xã Long Hà trong một lần đưa người nhà đi chữa bệnh ở TP. Hồ Chí Minh. “Do người thân bệnh nặng, tôi phải đi nuôi bệnh dài ngày ở một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh. Khi các bệnh nhân cùng phòng làm quen tôi chỉ nói ở huyện Phú Riềng, không dám nói thật địa chỉ thôn 7. Đến tuần thứ hai, khi nghe bác sĩ đọc địa chỉ của gia đình tôi thì những người cùng phòng vô cùng tò mò và hiếu kỳ” - ông H. cho biết.

Là Bí thư Chi bộ thôn 7 từ năm 2002-2014, ông Nguyễn Văn Hưng cho biết: Những lời đồn thổi về Long Hà nói chung, thôn 7 nói riêng không phải không có cơ sở. Nhiều câu chuyện được người ta mang ra bàn tán trong lúc “trà dư tửu hậu” nên cũng có sự việc bị thổi phồng làm cho người ngoài có cái nhìn không thiện cảm với người dân thôn 7, khiến nơi đây trở thành một “huyền thoại đen”. Ở thôn 7, đối tượng phạm tội chung quy có hai dạng. Thứ nhất, chiếm số đông là các đối tượng phạm tội do lười lao động, lại đua đòi, sau khi cải tạo hầu hết đã hoàn lương. Còn lại số ít là đối tượng vi phạm nhiều, có kinh nghiệm, tinh vi, tạm gọi là “chuyên nghiệp”. Họ sẽ cố không để bị công an bắt, nên khi bị đọc lệnh bắt, những đối tượng này tìm mọi cách trốn thoát. Sau đó đối tượng chủ động ra đầu thú, nộp phạt để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trước thực trạng đã nêu, ngày 7-6-2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 1819/UBND-NC về triển khai đấu tranh, chuyển hóa địa bàn phức tạp về ANTT đối với các xã Long Hà, Phú Riềng, Bù Nho, trong đó đặc biệt chú trọng Long Hà.

NHỮNG ĐỊA BÀN “NÓNG”

Hẳn bạn đọc chưa quên vụ thảm sát 6 người trong ngày 7-7-2015 tại xã Minh Hưng (Chơn Thành), với hành vi man rợ, gây chấn động dư luận cả nước, thu hút sự quan tâm vào cuộc của các bộ, ngành Trung ương. Vụ án này bị xếp vào danh sách các vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng điển hình, nổi cộm và nằm trong 79 vụ án hình sự mà viện kiểm sát phối hợp với tòa án hai cấp tổ chức xét xử lưu động năm 2016. Vấn đề về ANTT, an toàn xã hội ở Minh Hưng không mang tính chất âm ỉ, dai dẳng như Long Hà, nhưng vụ trọng án này đã đẩy Minh Hưng trở thành cái tên ám ảnh người dân ngay cả trong giấc ngủ.

Năm 2015, toàn tỉnh có 16.821/241.526 hộ từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn và con số này không ngừng tăng theo từng năm. Số dân di cư này tập trung chủ yếu ở các địa bàn có nhiều khu công nghiệp đóng chân, như các huyện Chơn Thành, Đồng Phú và thị xã Đồng Xoài. Việc tăng dân số ồ ạt kéo theo những dịch vụ xã hội như: nhà nghỉ, quán karaoke, nhà trọ, bar... tăng vọt, dẫn đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại các địa bàn này diễn biến ngày càng phức tạp. Trong đó, Minh Hưng (Chơn Thành) bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngoài các xã đã nêu thì Thiện Hưng (Bù Đốp), Thống Nhất (Bù Đăng) và Thanh An (Hớn Quản) cũng là những địa bàn được Công an tỉnh đặc biệt quan tâm vì liên quan đến ANTT, an toàn xã hội với các lĩnh vực tội phạm ma túy, buôn lậu qua biên giới, hình sự... Theo số liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm tỉnh, năm 2016 trên 15 xã chuyển hóa địa bàn xảy ra 180 vụ với 207 đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự xã hội; 50 vụ với 43 đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế; 41 vụ với 60 đối tượng có hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy. Vì vậy, vấn đề đặt ra phải làm gì để “hạ nhiệt” thực trạng mất ANTT, an toàn xã hội ở các địa bàn “nóng” đã và đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Nguyệt Cát

  • Từ khóa
93391

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu