Thứ 5, 28/03/2024 21:18:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:12, 22/09/2014 GMT+7

Vì sao chợ nông thôn mới đẹp nhất nước ở Lộc Hiệp không hoạt động?

Thứ 2, 22/09/2014 | 09:12:00 2,103 lượt xem
BP - Nằm ở trung tâm xã, trên trục đường giao thông huyết mạch ĐT748 (Lộc Ninh - Bù Đốp), có diện tích 13.999m2, chợ Lộc Hiệp (Lộc Ninh) là chợ nông thôn đẹp, hiện đại nhất nước. Thế nhưng, từ tháng 1-2012 đến nay, UBND xã Lộc Hiệp đã 3 lần lên kế hoạch vận động di dời đưa chợ mới vào hoạt động mà vẫn chưa thực hiện được. “Không di dời được chợ về vị trí mới là đi ngược lại nguyện vọng của 10 ngàn người dân ở xã Lộc Hiệp. Một số tiểu thương cản trở vì lợi ích cá nhân muốn được nâng cấp chợ cũ để 2 chợ cùng hoạt động...” - ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã, người hiến đất lập chợ cũ Lộc Hiệp khẳng định...

LÃNG PHÍ CHỢ NÔNG THÔN MỚI ĐẸP NHẤT NƯỚC

Tháng 3-2011, sau gần 7 năm tìm kiếm nhà đầu tư, dự án chợ nông thôn mới (NTM) Lộc Hiệp được khởi công xây dựng trong niềm phấn khởi của đảng bộ và 10 ngàn người dân trong xã.

Chợ Lộc Hiệp cũ lầy lội, dơ bẩn, nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập

 
Chợ Lộc Hiệp mới nằm trên trục đường ĐT748 và chỉ cách chợ cũ khoảng 150m. Đây là một khoảnh đất rộng, vuông có diện tích 13.999m2, thuộc quỹ đất dự trữ của xã. Ở vị trí này, 4 phía đều có đường giao thông liên thôn, liên xã thuận lợi cho giao thương buôn bán. Bao bọc xung quanh nhà lồng và khu thực phẩm tươi sống là 93 căn nhà phố chợ. Mỗi căn có diện tích 140m2 (2 tầng), trong đó tầng trệt dùng buôn bán, tầng lầu để ở. Nhà lồng và khu chợ thực phẩm rau quả tươi sống có 116 sạp, thời hạn cho thuê 20 năm, giá 35 triệu đồng/sạp. Khu chợ cá, rau quả có đường nội bộ rộng bảo đảm thông thoáng. Mặt đường bao quanh phố chợ rộng 6m. Ngoài ra còn có quy hoạch sân bãi xe tải để bốc xếp hàng hóa, khuôn viên cây xanh; hệ thống thoát nước và phòng chống cháy nổ, sét... Chợ Lộc Hiệp mới được xem là chợ nông thôn đẹp nhất nước hiện nay.

Cuối năm 2011, sau gần 9 tháng nỗ lực thi công, chợ Lộc Hiệp cơ bản hoàn thiện. Cũng từ thời điểm đó, xã Lộc Hiệp đã 3 lần lên kế hoạch đưa chợ mới vào hoạt động nhưng đều bị một số tiểu thương ở chợ cũ cản trở, gây khó khăn nên chưa thực hiện được.

 Cụ Chiêm (70 tuổi) khẳng định: Nhờ chủ trương đúng đắn của chính quyền, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để xã nông thôn Lộc Hiệp có chợ đẹp nhất nước. Cụ Nguyễn Thị Cưng (75 tuổi) thấy chúng tôi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân đã bức xúc: “Mặc dù không buôn bán nhưng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và không chỉ có tôi mà mọi người trong xã cũng như khách thập phương khi đi qua đều tiếc, vì chợ xây quá đẹp nhưng không hoạt động”. Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã nói: Chợ đẹp, khang trang, hiện đại nhưng lại bỏ hoang gây lãng phí.

Cụ Chiêm, cụ Cưng và ông Huy đều mong Thanh tra tỉnh sớm điều tra lại, trên cơ sở lấy ý kiến, nguyện vọng của toàn dân và hỗ trợ xã để đưa chợ Lộc Hiệp mới đi vào hoạt động.   

ĐI NGƯỢC LẠI NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN

Về lịch sử hình thành chợ Lộc Hiệp cũ, ông Nguyễn Văn Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã kể lại: Năm 1987, khi đang giữ chức Chủ tịch UBND xã, nhận thấy nhu cầu của nhân dân cần có chợ để trao đổi nông sản nên tôi đã hiến 7,5 sào đất (70m ngang mặt đường và hơn 100m dài) rồi cho san ủi thành lập chợ (nay nhiều người vẫn gọi chợ cũ Lộc Hiệp là chợ Ông Thiện). Đó cũng là thời kỳ nước ta đang thực hiện chế độ bao cấp “ngăn sông cấm chợ” nên tôi đã suýt bị kỷ luật vì “cầm đèn chạy trước ôtô”, “bạo gan xin huyện mở chợ”.

Chợ nông thôn mới Lộc Hiệp vẫn đang cửa đóng then cài (ảnh lớn).  Người dân và tiểu thương ở chợ mới bức xúc trước hành động cản trở chợ Lộc Hiệp đi vào hoạt động (ảnh nhỏ)

 
Những năm đầu thế kỷ XXI, Lộc Hiệp trở thành trung tâm mua bán sầm uất của các xã: Lộc Quang, Lộc Hiệp, Lộc An và Tân Thành (Bù Đốp). Chợ cũ quá tải, nguy cơ cháy nổ cao vì nhiều tiểu thương xây nhà trái phép, giăng dây điện chằng chịt. Chợ không có giếng nước, mùa mưa sình lầy nên nhiều hộ buôn bán tràn ra lấn chiếm lề đường gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và tai nạn giao thông rình rập. Vì thế, năm 2005, Đảng bộ xã Lộc Hiệp ra nghị quyết dời chợ qua vị trí mới rộng hơn. Chủ trương này cũng được sự đồng thuận của các tiểu thương và nhân dân. Khu chợ cũ được phê duyệt quy hoạch khu dân cư và phân lô bán đấu giá. Năm 2011, Lộc Hiệp được chọn điểm xây dựng NTM, giai đoạn 2011-2015. Công ty TNHH Hương Thịnh Nghi Sơn nhận đầu tư dự án xây dựng chợ mới Lộc Hiệp theo tiêu chí NTM. 

Theo thống kê, chợ cũ Lộc Hiệp có khoảng 68 hộ tiểu thương đăng ký kinh doanh. Từ tháng 2 đến tháng 9-2011, Công ty TNHH Hương Thịnh Nghi Sơn đã 3 lần có thông báo cho các tiểu thương ở chợ cũ nếu có nhu cầu kinh doanh ở chợ mới thì đăng ký với doanh nghiệp để bốc thăm thuê sạp chợ, ki-ốt phố chợ và Ban quản lý dự án sẽ tạo điều kiện hỗ trợ. Các thông báo đều được UBND xã xác nhận phê duyệt và niêm yết tại xã. Công ty cũng thông báo trên loa truyền thanh của xã. Sau 3 lần thông báo, công ty nhận được đơn của 86 hộ đăng ký thuê sạp, ki-ốt phố chợ. Sau đó, 9 hộ rút đơn và tiền đặt cọc do không có nhu cầu buôn bán. “Số hộ đăng ký thuê lô, sạp ở chợ mới chủ yếu là người trong xã. Số tiểu thương ở chợ cũ chỉ có khoảng 30 hộ đăng ký. Còn lại không thuê nhưng cũng không có ý kiến gì, trong khi đó chủ đầu tư cần vốn để xây dựng kịp tiến độ dự án” - ông Nguyễn Văn Tước, Chủ tịch UBND xã cho biết. 

30 năm buôn bán ở chợ Lộc Hiệp, cụ Chiêm là một trong những người dự lễ khởi công xây dựng chợ cũ và chợ mới. Nay các con cụ Chiêm đang buôn bán ở chợ cũ Lộc Hiệp nhưng cũng như đa phần tiểu thương ở chợ cũ đều không chịu được mùi hôi thối, lầy lội và chỉ mong được chuyển về chợ mới. Cụ Chiêm cho biết, ban đầu chỉ có khoảng 4-5 người không muốn dời lên chợ mới, sau đó họ lôi kéo, kích động hàng chục hộ khác, trong đó có nhiều người ở nơi khác đến và có hộ rút tiền, hồ sơ đã đăng ký với doanh nghiệp.

NHỮNG HỆ LỤY

Những ngày đầu tháng 9, xã Lộc Hiệp khẩn trương tuyên truyền vận động và cương quyết hạn chót đến ngày 15-10-2014 đưa chợ NTM đi vào hoạt động. Đồng thời thu hồi diện tích chợ cũ và san ủi, xây dựng cơ sở hạ tầng để phân lô đấu giá theo quy hoạch đã được phê duyệt.

33 tiểu thương ở chợ cũ Lộc Hiệp không đăng ký thuê sạp, ki-ốt hoặc xin rút đơn, tiền đặt cọc đã làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện và UBND tỉnh. Ngày 5-11-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2087/QĐ-UBND bác đơn do không có cơ sở.
 
Ông Thiện cũng như đa phần tiểu thương và nhân dân xã Lộc Hiệp cho rằng, yêu sách của các tiểu thương khiếu nại là muốn bám trụ ở vị trí chợ cũ không qua đấu giá để nâng cấp và 2 chợ cùng hoạt động hoặc được phân lô ở chợ mới theo vị trí của chợ cũ. Đây là những điều bất hợp lý, đi ngược với nguyện vọng của toàn dân muốn được giao dịch mua bán ở chợ hiện đại, sạch - đẹp và an toàn. 

Ông Tước cho biết thêm, để tạo điều kiện cho các tiểu thương ở chợ cũ có hoàn cảnh khó khăn, UBND xã Lộc Hiệp đã tham mưu UBND huyện và có chính sách cho tiểu thương thuê sạp theo phương thức trả chậm trong 5 năm. Doanh nghiệp xây nhà trọ cho các hộ tiểu thương khó khăn thuê ở với mức giá 500 ngàn đồng/tháng (không bao gồm điện, nước và miễn tiền thuê 3 tháng đầu), đồng thời dành quỹ đất phân 16 lô tái định cư ở chợ mới bán cho các hộ xây dựng nhà ở không qua đấu giá. Ngày di dời chợ sẽ huy động toàn bộ lực lượng hỗ trợ tiểu thương...

Chợ mới không đi vào hoạt động, xã Lộc Hiệp mất nguồn thu hơn 2 năm do đã ngừng hợp đồng thuê kinh doanh ở chợ cũ. Nhà đầu tư bị chôn vốn, hàng trăm hộ đã thuê sạp hàng, ki-ốt ở chợ mới 3 năm nay thiệt thòi vì đang phải đóng cửa. Hàng ngày, hàng giờ xã Lộc Hiệp phải huy động toàn bộ lực lượng để bảo đảm an toàn giao thông chợ cũ. Người tiêu dùng luôn bị đầu độc sức khỏe do ô nhiễm môi trường ở chợ cũ... Những tiểu thương đang chống lại chủ trương di dời chợ là lực cản phát triển kinh tế - xã hội và chương trình xây dựng NTM ở xã Lộc Hiệp anh hùng.

Nhóm PV CT-XH

  • Từ khóa
92487

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu