Thứ 5, 25/04/2024 11:49:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:37, 21/07/2017 GMT+7

Vết thương đã lành, nhưng nỗi đau... - Bài 1

Thứ 6, 21/07/2017 | 06:37:00 694 lượt xem
BP - Rạng sáng 16-3-1978, khi người dân ở khu kinh tế mới thuộc ấp Xa Trạch (nay là địa bàn 2 ấp Tân Trạch và Tân Hưng), xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp đang chìm trong giấc ngủ thì bọn Pol Pot bất ngờ ập đến. Bằng những hành động vô nhân tính, chúng đã thảm sát vô cùng dã man 116 người, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em.

KÝ ỨC ĐAU THƯƠNG

Gần 40 năm trôi qua, nhưng ký ức đau thương về vụ thảm sát năm xưa vẫn còn đeo bám những người ở lại, bởi vết thương này đã hằn sâu trong tâm khảm nhân chứng và thân nhân các nạn nhân. Ai cũng rưng rưng nước mắt khi kể lại và không ai bảo ai, họ đều có cùng một mong muốn, hãy chung sống hòa bình và đừng bao giờ có thêm một thảm họa như thế nữa.

 NỖI ĐAU CÒN MÃI

Đã ở tuổi 80 nhưng bà Nguyễn Thị Soái, ấp Tân Trạch, xã Phước Thiện, nguyên Phó ấp Xa Trạch cuối những năm 1970, hiện vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Khi kể cho chúng tôi, dường như những cảnh tượng đau thương năm xưa lại ùa về trong ký ức của bà. Bà nói: Tôi sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở Bình Long, chồng là liệt sĩ. Trong kháng chiến chống Mỹ, gia đình phải di chuyển thường xuyên để tránh sự lùng sục, bố ráp của giặc nên cuộc sống mẹ con tôi rất vất vả. Hiệp định Paris được ký kết (năm 1973), tôi và các con được cách mạng đưa về ấp Xa Trạch sinh sống. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, gia đình được chính quyền hướng dẫn cách sản xuất nên chỉ sau 2 năm, chúng tôi đã dần ổn định đời sống, sản phẩm nông nghiệp làm ra có dư bán cho Nhà nước lấy tiền cải thiện sinh hoạt.

Bà Sam Sì Muối kể lại sự việc với phóng viên

Bỗng giọng bà trầm xuống, từ hai khóe mắt những giọt lệ lăn dài: Cuối những năm 70 của thế kỷ trước, Xa Trạch là ấp đông dân cư, được chia làm 2 khu. Khu ngoài tập trung bà con đã sinh sống ổn định từ trước, còn khu trong là những hộ làm kinh tế mới, phần lớn họ còn rất trẻ, được Nhà nước vận động, đưa từ thành phố về khai hoang, lập nghiệp. Ngày ấy ai cũng nghĩ, chiến tranh đã lùi xa, giờ chỉ cần tích cực làm ăn, phát triển sản xuất, đời sống sẽ ổn định, sung túc. Cuộc sống đang yên bình thì thảm họa ập xuống. Rạng sáng 16-3-1978, bọn diệt chủng Pol Pot bất ngờ tràn vào khu kinh tế mới thực hiện “3 sạch” (giết sạch, đốt sạch, phá sạch) rất dã man, chẳng khác gì thời trung cổ.

Bà Soái tiếp tục kể: “Thật sự, bản thân tôi cũng không ngờ sự việc lại xảy ra nhanh đến thế, bởi đêm 15-3-1978, tôi cùng cán bộ ấp tổ chức họp dân khu kinh tế mới để triển khai các phương án sản xuất, canh tác và khắc phục hậu quả sau chiến tranh đến gần 12 giờ mới về nhà. Chưa ngủ được bao lâu thì nghe người dân báo Pol Pot đang cướp phá, giết hại người dân khu trong. Tôi chủ động thông báo cho bà con chạy nạn, rồi báo với chính quyền địa phương và cùng lực lượng dân quân đánh địch. Do người dân khu ngoài kịp thời sơ tán nên không thiệt hại về người, nhưng nhà cửa, hoa màu, cây trồng bị chúng đốt, phá tan hoang”.

Bà Sam Sì Muối chỉ cho phóng viên vết thương từ viên đạn bọn Pol Pot bắn xuyên qua đầu con bà gây ra

“Bị bọn Pol Pot bao vây, đốt nhà, giết người bất ngờ trong đêm nên lúc đó hầu hết các lực lượng vũ trang của ta không hề biết. Chỉ khi số người thoát nạn chạy ra báo tin mới hay. Và khi ta điều động lực lượng vào thì bọn chúng đã rút hết, để lại một cảnh tượng hết sức tang thương với xác chết ngổn ngang khắp nơi. Hình ảnh những người đàn ông bị cắt cổ, bị búa, xẻng đập đầu; trẻ em bị xé làm hai hoặc đập đầu vào gốc cây, vách tường; phụ nữ bị lột quần áo, xẻo ngực, dùng cây tầm vông, cán búa thọc hoặc nhét đá, đất, lá cây vào bụng, cửa mình... đến nay vẫn còn ám ảnh tâm trí tôi. Do người dân địa phương chạy loạn khắp nơi nên không có người chôn cất thi thể, phải chờ tỉnh điều động lực lượng về. Thời điểm đó, đường sá đi lại khó khăn và thiếu thốn phương tiện nên khi lực lượng hỗ trợ đến các xác chết đã phân hủy không thể cho vào áo quan, phải đào hố chôn. Xác ở chỗ nào thì đào hố chôn tại đó, nơi nhiều thì đào hố chôn tập thể” - bà Soái nghẹn ngào nói.

Là nạn nhân trong vụ thảm sát may mắn thoát chết, bà Sam Sì Muối hiện sống cùng người con gái thứ 7 ở ấp Tân Trạch nước mắt lăn dài kể: “Sau giải phóng, gia đình tôi được đưa về khu kinh tế mới sinh sống. Cũng như bao gia đình khác, cả nhà tôi đang chìm trong giấc ngủ sau một ngày lao động mệt nhọc thì bọn Pol Pot tràn vào bắn giết, đốt phá không thương tiếc. Trong lúc chạy giặc, chồng tôi và 2 con may mắn thoát chết. Tôi ôm người con thứ 10 trên vai chạy trốn, bị chúng phát hiện, giương súng nhằm đầu con tôi bắn, viên đạn xuyên qua đầu con găm thẳng vào bả vai tôi làm mất nhiều máu, ngất xỉu. Tỉnh dậy, tôi nhoài người về phía vũng nước, chúng phát hiện ra, tiếp tục lôi lên đánh đập tới khi bất tỉnh. Tưởng tôi đã chết nên chúng bỏ đi. 6 người con còn lại của vợ chồng tôi bị chúng bắt mang sang đất Campuchia đến nay không biết ở đâu, còn hay mất. Do bị thương quá nặng, tôi được chuyển về bệnh viện tỉnh cấp cứu và điều trị sau hơn 1 tháng mới trở về nên không biết xác con mình chôn ở đâu. Giờ cứ nghĩ đến những đứa con bị Pol Pot bắt và giết hại, tôi như thấy có ai xát muối vào lòng”.

DAY DỨT NGƯỜI Ở LẠI

Là em trai cô giáo Yến - một nạn nhân của vụ thảm sát, ông Nguyễn Thanh Tuyền, công nhân Đội 4, Nông trường 5, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh nói với chúng tôi trong nước mắt: “Lúc bấy giờ, chị Yến là hiệu phó một trường học ở Hưng Phước, bị chúng sát hại trên đường ra đón xe về họp ở Phòng Giáo dục Phước Long. Khi đó khoảng 3 giờ sáng, chị Yến thức dậy đi công tác. Đường rừng hiểm trở nên chị được một du kích tên Diện bảo vệ ra chợ Thiện Hưng đón xe về Phước Long. Chị đi khoảng 30 phút thì ở nhà, tôi nghe tiếng la hét, rồi khói lửa nghi ngút khắp nơi, còn người dân chạy tán loạn. Gia đình tôi có 8 người, chị Yến đi công tác Phước Long, chị Oanh dạy học xa nhà, chỉ còn cha mẹ và 4 anh chị em. Nghe tiếng thét của người dân, mẹ tôi vội kéo chúng tôi vào hầm trú ẩn dưới đống cây mì phơi trước sân. Khi đó mới 6 tuổi nhưng nhìn qua khe hở của đống cây, tôi thấy và vẫn nhớ như in hành động dã man của bọn Pol Pot khi ra tay giết hại đồng bào và đốt, phá nhà cửa”.

Giọng ông Tuyền trầm xuống: “Khi bọn Pol Pot rút đi, mẹ con tôi mới dám bước ra. Cảnh chết chóc tang thương hiện ra trước mắt trở thành cơn ác mộng với những đứa trẻ như tôi.

Tôi may mắn thoát chết, nhưng nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa bị giết hại làm tôi không cầm được nước mắt. Sau đó gia đình được lệnh sơ tán qua Đa Kia (khi ấy thuộc Phước Long) mà vẫn chưa biết chị Yến đã hy sinh khi vừa rời khỏi nhà khoảng 200m. Lúc đi sơ tán, tôi nhìn thấy 2 cái xác được bộ đội đắp quần áo nhưng không nghĩ có chị mình. 2 ngày sau, anh cả qua báo gia đình mới biết tin chị mất, mẹ tôi đã ngất xỉu nhiều lần, khóc sưng cả mắt. Anh chị em cũng chỉ biết ôm nhau khóc”.

Nhìn lên di ảnh của mẹ, anh Tuyền nghẹn ngào: “Hồi còn sống, mẹ luôn nén nỗi đau mất con trong lòng. Có mấy anh nhà báo đưa cho mẹ những tấm ảnh về cảnh thảm sát của bọn Pol Pot khi xưa, mẹ đã đem giấu rất kỹ. Bà thường nói, không muốn cho ai xem vì cảnh tượng quá kinh khủng. Giờ bà mất, tôi muốn kiếm một tấm gửi cho chính quyền địa phương làm tư liệu nhưng tìm không ra”.

Cũng là một nhân chứng trong vụ thảm sát, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Đốp, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phước Thiện kể: “Hồi đó tôi là dân quân thường trực kiêm lái xe cho xã Thiện Hưng. Khoảng 4 giờ sáng 16-3-1978, nghe tin báo Pol Pot tấn công khu vực Xa Trạch, chúng tôi được lệnh chuẩn bị phương tiện khí tài chiến đấu. Khi đó, tôi nhận nhiệm vụ dẫn 6 chiến sĩ công an vũ trang dàn quân kiềm hãm địch tấn công ra hướng thôn 6, xã Thiện Hưng. Sau khi Pol Pot rút quân, chúng tôi phối hợp dân công hỏa tuyến từ tỉnh về dọn dẹp chiến trường. Công việc kéo dài hơn 10 ngày mới hoàn thành. Cảnh tượng vô cùng thảm khốc, đến giờ đã gần 40 năm nhưng tôi vẫn chưa thể nguôi ngoai. Có lúc tôi tưởng như nằm mơ, không thể tin được sự thật này”.

Trọng Phương

  • Từ khóa
93318

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu