Thứ 3, 19/03/2024 18:07:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:58, 22/08/2013 GMT+7

Triệt phá các vụ chặt hạ cao su trên địa bàn huyện Bù Đăng

Thứ 5, 22/08/2013 | 07:58:00 287 lượt xem

Từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn huyện Bù Đăng đã xảy ra 20 vụ chặt phá cây cao su của các công ty trồng cao su tạo quỹ xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Tổng số cao su bị chặt khoảng 20 ngàn cây, tương đương 10 ha, ước thiệt hại gần 2 tỷ đồng. Trước tình trạng trên, Công an huyện Bù Đăng đã lập chuyên án điều tra và ra quyết định khởi tố hình sự 7 vụ án.


ĐÃ KHỞI TỐ HÌNH SỰ 7 VỤ

Trước tình trạng số vụ chặt phá cây cao su thuộc các dự án tạo quỹ xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Bù Đăng có chiều hướng gia tăng, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh điều tra, làm rõ vụ việc. Đầu năm 2013, Ban giám đốc Công an tỉnh đã làm việc với Công an huyện Bù Đăng để thành lập tổ điều tra các vụ án chặt phá cây cao su. Qua 3 tháng điều tra, Công an huyện Bù Đăng đã thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ và quyết định khởi tố hình sự 7 vụ, trong đó 5 vụ liên quan đến phá cây cao su, 2 vụ chống người thi hành công vụ. Hiện Công an huyện Bù Đăng đã có kết luận điều tra 5 vụ.


Cây cao su hơn 1 năm tuổi (thuộc dự án tạo quỹ an sinh xã hội) do Công ty cao su Đồng Phú trồng trên địa bàn xã Đăng Hà đã bị các đối tượng thẳng tay chặt phá

Thiếu tá Đặng Ngọc Hùng, Phó trưởng Công an huyện Bù Đăng cho biết: “Sau 1 tháng điều tra, chúng tôi đã có kết luận điều tra 4 vụ án hủy hoại tài sản và 1 vụ chống người thi hành công vụ. Trong đó có 2 vụ xảy ra ngày 2 và ngày 23-7-2011 tại hai thôn Đắk La, Đắk Liên (xã Đắk Nhau); 2 vụ xảy ra năm 2013 tại xã Đăng Hà; 1 vụ chống người thi hành công vụ xảy ra ngày 6-12-2012 tại Tiểu khu 314 (Nông lâm trường Nghĩa Trung, xã Đăng Hà). Trong quá trình điều tra, các bị can đã khai nhận chặt phá 3.668 cây cao su từ 1 đến 3 năm tuổi, gây thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Các vụ án còn lại hiện Công an huyện đang điều tra làm rõ”.


NGUYÊN NHÂN VÀ THỦ ĐOẠN

Thiếu tá Đặng Ngọc Hùng cho biết: “Sau khi bị bắt, các bị can đều khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị can khai nhận vì quá bức xúc việc Nhà nước thu hồi đất của mình (đất lâm nghiệp bị xâm canh, lấn chiếm trái phép - P.V) mà không được đền bù. Một số đối tượng được đền bù, bồi thường lại cho rằng việc đền bù đất không đủ để sản xuất. Một số vụ việc do thù hằn cá nhân”. Khi đi chặt phá cao su, các đối tượng thường tập trung 3 đến 5 người, dùng dao, rựa để chặt phá cao su trồng tại các thửa đất của mình bị thu hồi. Hầu hết các vụ án chặt phá cao su đều diễn ra trong đêm, đặc biệt là thời điểm 21 giờ đến 3 giờ sáng ngày hôm sau, nên rất khó điều tra.

Khi phạm tội, các đối tượng thường chuẩn bị kỹ lưỡng và hết sức tinh vi. Cụ thể ngày 2-7-2011, các đối tượng gồm: Doanh Thiêm Tân, Hoàng Văn Thắng (cùng ngụ xã Bom Bo, huyện Bù Đăng); Vi Văn Ánh (ngụ xã Đường 10); Phạm Thái Sa Lem và Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Đắk Nhau); Nguyễn Đình Luân (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) và 3 đối tượng khác đã lên kế hoạch chặt phá gần 1 ha cao su 1 năm tuổi của anh Nguyễn Văn Hiểu (xã Đức Liễu). Các đối tượng đã mua bao tay với mục đích chặt phá cao su không để lại dấu vân tay. Sau đó lợi dụng đêm tối, 9 đối tượng đã chặt phá 464 cây cao su. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng đã phi tang tang vật. Dù hành vi của các đối tượng có tinh vi đến đâu cũng không qua mặt được cơ quan điều tra. Sau 3 tháng điều tra, ngày 5-4-2013, Công an huyện Bù Đăng đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố 6 đối tượng này.


MỘT ĐÊM CHẶT PHÁ 2.657 CÂY CAO SU

Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định cao su bị chặt phá vào đêm 21-2-2013 là 2.657 cây (được trồng từ tháng 7-2011). Tất cả đều bị chặt ngang thân, không có khả năng phục hồi và thiệt hại 100%. Kết quả giám định tài sản của Hội đồng Định giá tài sản tố tụng hình sự huyện Bù Đăng: 2.657 cây cao su tại thời điểm bị hủy hoại có tổng giá trị thiệt hại 231 triệu 380 ngàn đồng.

Trong 20 vụ án hủy hoại tài sản xảy ra từ năm 2011 đến nay, đáng chú ý nhất là vụ xảy ra ngày 21-2-2013 tại tiểu khu 313 và 314 thuộc Nông lâm trường Nghĩa Trung. Theo điều tra của Công an huyện Bù Đăng, khoảng 19 giờ ngày 21-2-2013, Vũ Văn Hà đến nhà Trần Văn Lâm (cùng ngụ thôn 2, xã Đăng Hà) nhậu. Trong khi nhậu, Hà và Lâm nói đến chuyện đất rẫy tại tiểu khu 313 và 314 bị thu hồi nhưng không được đền bù. Do quá bức xúc nên cả hai rủ nhau vào chặt phá cao su của Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (đơn vị thực hiện dự án trồng cao su tạo quỹ xóa đói giảm nghèo tại tiểu khu). Trong quá trình thực hiện, Hà và Lâm rủ thêm Trần Văn Trung, Trần Văn Sơn (cùng ngụ xã Đăng Hà) và Vi Văn Cầu (ngụ xã Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) vào hai tiểu khu trên chặt phá cao su. Khi đến lô 7, khoảnh 5, Tiểu khu 313 cả nhóm thống nhất mỗi người chặt một hàng. Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, cả nhóm chặt đến cây cao su cuối cùng của lô 12, khoảnh 7, Tiểu khu 313 mới dừng lại.

Thiếu tá Đặng Ngọc Hùng cho biết thêm: Hành vi dùng dao, rựa chặt phá cây cao su của Hà, Sơn, Lâm, Trung và Cầu đã phạm vào tội “hủy hoại tài sản” quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự. Công an huyện đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân huyện để xét xử theo quy định. Những kẻ coi thường pháp luật, hủy hoại tài sản của Nhà nước sẽ phải nhận bản án thích đáng.          

Nhất Sơn

  • Từ khóa
92292

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu