Thứ 5, 25/04/2024 17:09:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:56, 28/06/2018 GMT+7

Kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6

Tôn vinh giá trị cao đẹp của hôn nhân

Thứ 5, 28/06/2018 | 08:56:00 266 lượt xem
BP - Chi hội người cao tuổi ấp An Quý, xã Thanh An (Hớn Quản) vừa tổ chức lễ cưới vàng, bạc cho 11 cặp đôi. Hoạt động này nhằm hưởng ứng Ngày gia đình Việt Nam (28-6) và tôn vinh những gia đình tiêu biểu về giữ gìn truyền thống, tình làng nghĩa xóm, góp sức cho cộng đồng. Đồng thời nhắn gửi các thế hệ trẻ về một nếp sống tốt đẹp, lành mạnh cần được giữ gìn.

CÔ DÂU, CHÚ RỂ TUỔI XẾ CHIỀU

Ngày 24-6-2018, ấp An Quý rộn rã tiếng nhạc, những bài hát ca ngợi tình yêu đôi lứa. Thoạt nghe người ta sẽ tưởng một lễ vu quy nào đó. Tuy nhiên khi nhìn thấy cổng hoa được thiết kế trang trọng với bảng thông báo “vàng”, “bạc”, xung quanh là những khung hình của các cô dâu, chú rể thì ai cũng ngỡ ngàng. Một lễ cưới tập thể tôn vinh những gia đình đã chung sống với nhau từ 30 năm trở lên được tổ chức trang trọng tại hội trường ấp. Những cặp cô dâu, chú rể đặc biệt tay trong tay đến tiệc cưới. Dù ở tuổi xế chiều, có người lưng khòm, tóc bạc nhưng họ vẫn khoác lên người bộ veston, áo dài tiến về hội trường. Tiếng vỗ tay, tiếng hò reo của con cháu hòa cùng tiếng nhạc làm các cô dâu, chú rể vừa hạnh phúc vừa thẹn thùng.

Những cô dâu, chú rể “đặc biệt” bước vào “hội trường” dự lễ cưới tập thể

11 cặp cô dâu, chú rể là những cụ ông, cụ bà ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, đã chung sống trọn vẹn với nhau từ 30 năm trở lên. Trong lễ cưới, ai cũng thấy hạnh phúc hơn vì được mặc áo dài, được đeo khăn vành, mặc veston - những thứ hơn 30 năm trước là điều ước ao của họ. Tại lễ cưới vàng, bạc, họ như sống lại giây phút yêu đương ban đầu với những câu chuyện tình đẹp vượt thời gian. Bởi để đi được cùng nhau một chặng đường dài như thế, các ông, bà đã trải qua không ít thăng trầm. Nhưng vượt lên trên hết, đó là sự thủy chung, son sắt, biết sống vì nhau, nghĩ cho nhau.

Gia đình ông Phạm Trường Giang và bà Lê Thị Hoan, cùng sinh năm 1958, là một điển hình. Hơn 35 năm cùng sống dưới một mái nhà, bà Hoan tự hào giữa ông bà chưa một lần cãi vã nào “ra ngô, ra khoai”. Vì hiểu tính nhau nên khi xuất hiện mâu thuẫn, ông bà tự giải quyết một cách êm đẹp. Xác định phải giữ hình ảnh cha mẹ trước con cái nên mỗi khi đối phương nổi nóng, ông hoặc bà sẽ đi ra ngoài để nguôi cơn giận hoặc đóng cửa bảo nhau. Bà Hoan tự hào: “Đôi khi hàng xóm trêu chọc cho vợ chồng tôi giận nhau, thế nhưng chúng tôi cũng đùa lại để hàng xóm vui. 2 người con gái và 1 con trai của tôi cũng theo nếp sống này. Chúng lập gia đình và tự biết cách giải quyết những mâu thuẫn trong cuộc sống”.

SỐNG ĐẸP CHO LỚP TRẺ NOI THEO

Trong bộ áo dài màu hồng tươi tắn, chiếc khăn vành trên đầu, bà Nguyễn Thị Lạnh tự hào: “Ngày trước lễ cưới tôi không được như vậy. Cuối năm 1983, chồng tôi xuất ngũ và chúng tôi tiến tới hôn nhân. Ngày cưới, chồng tôi được đứa em tặng quần tây và áo sơ mi, còn tôi mặc quần đen với áo sơ mi trắng. Người lớn uống với nhau ngụm trà và hút mấy điếu thuốc Trị An, thế là nên duyên vợ chồng. Năm đó, tôi không biết áo cưới, nhẫn hay làm cô dâu như thế nào, chỉ biết khó khăn, gian khổ thì phải nhường nhịn nhau mà sống. Hôm nay được hội người cao tuổi tổ chức đám cưới, được trang điểm, mặc áo dài, tôi lại có cảm xúc như ngày cưới năm xưa”.

Cô dâu, chú rể nhận hoa và giấy chứng nhận đám cưới vàng, bạc

Ông Phạm Văn Điều, chồng bà Lạnh chia sẻ: “Không có kinh nghiệm gì cho cuộc sống vợ chồng cả. Ông bà xưa đã nói “Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê”, vợ chồng tôi cũng theo cách sống vậy. Khi cãi nhau, nóng quá thì đi ra ngoài rồi tự phân tích xem mình đúng hay sai. Đã biết mình sai mà ngại không nói xin lỗi với vợ và các con được thì phải sửa sai qua hành động. Vợ con nhìn thấy vậy rồi thì cũng bỏ qua”.

Ông Trương Công Diệp, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thanh An tự hào: Đây là lần đầu tiên xã Thanh An tổ chức đám cưới vàng, bạc cho các cặp vợ chồng sống với nhau từ 30 năm trở lên và An Quý là ấp làm điểm. Toàn xã Thanh An có trên 200 gia đình chung sống với nhau từ 30 năm trở lên. Hoạt động này nhằm giúp các gia đình có thêm động lực sống vui, khỏe và có dịp hồi tưởng lại tháng năm tươi đẹp của tuổi trẻ. Đồng thời, đây cũng là hình thức giáo dục thế hệ trẻ trong việc xây dựng tình yêu đôi lứa, giữ gìn hạnh phúc gia đình, cùng sẻ chia, yêu thương và vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Lễ cưới diễn ra thật nồng ấm. Con cháu dâng những bó hoa tươi thắm, vật phẩm cùng lời chúc ông bà, cha mẹ sức khỏe, yêu thương, thuận hòa, mãi là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Những cô dâu, chú rể thì cảm động khôn xiết. Sau khi gặp nhau ở lễ cưới, mỗi thành viên đều sớm quay lại với cuộc sống của mình, khi mà trong họ vẫn vẹn nguyên những ký ức về cuộc sống thủy chung ân nghĩa. Lễ cưới vàng, bạc kết thúc trong những câu ca sâu sắc, đủ ý đủ tình của Chủ tịch Hội Người cao tuổi Trương Công Diệp: “Ông ơi, lễ cưới hôm nay/Đôi ta xúc động nhớ ngày tháng qua/Ngày ấy đâu có xe hoa/Vòng vàng nhẫn cưới đôi ta trao cùng/Làm gì có đãi tiệc tùng/ Nay hội tổ chức vui mừng lắm thay/Lễ cưới vàng bạc hôm nay/Bù lại mất mát những ngày tháng qua...”.

T.Nga-T.Huỳnh

  • Từ khóa
93660

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu