Thứ 5, 25/04/2024 08:17:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:49, 23/11/2017 GMT+7

Để xứng đáng với truyền thống tôn sư trọng đạo

Thứ 5, 23/11/2017 | 08:49:00 310 lượt xem
BP - 20-11 - Ngày nhà giáo Việt Nam năm nay đã đi qua. Xin gác lại một bên các hoạt động tôn vinh nhà giáo của toàn xã hội và đề cập đến một khía cạnh khác.

Trường tiểu học Lý Tự Trọng, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng tổ chức kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam vào đêm 17-11 nhằm biểu dương cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Song thực tế hoạt động chính là tặng đồ dùng học tập, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ Quỹ khuyến học của trường. “Nhiều em thiếu ăn, theo cha mẹ đi rẫy... Thầy cô giáo trong trường đã vận động nhà hảo tâm ủng hộ các chương trình “Hũ gạo cho em đến trường”, “Xe đạp mơ ước”... giúp đỡ để các em không bỏ học” - thầy Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường giải thích. Buổi lễ hôm ấy, thầy cô giáo Trường tiểu học Lý Tự Trọng đã quyên góp được 14 triệu đồng nâng bước cho học sinh của mình đến trường.

Ngày 21-11, một số phụ huynh ở Đồng Xoài mới đến tặng quà 20-11 cho thầy cô giáo của con mình. Lý do là bởi ngày 20-11 nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, học sinh được nghỉ học, thầy cô giáo bận rộn với văn nghệ và cũng vì đông người tặng quá. Phụ huynh truyền nhau kinh nghiệm mức quà thấp nhất là 200 ngàn đồng. Học sinh mầm non thì đến trường tặng cô; học sinh tiểu học, THCS, THPT đến tận nhà thầy cô dạy những môn học chính, thầy cô chủ nhiệm tặng quà để được quan tâm hơn.

Ngày 21-11, bạn học tôi là giáo viên dạy Văn một trường THCS tại Hà Nội cho biết về ngày 20-11 của bạn ấy ngắn gọn đến bất ngờ: Tự mua cho mình một bó hoa từ khoảng 100 triệu đồng được tặng.

Không thể so sánh sự tôn vinh, quý trọng và niềm vui của thầy cô giáo ở Đăng Hà, ở Đồng Xoài, ở Hà Nội. Sự tôn vinh, quý trọng nằm trong tình cảm của học sinh, phụ huynh hay một cộng đồng hoặc rộng hơn là của xã hội dành cho những người đưa đò giỏi nghề, dày đạo đức. Niềm vui của nhà giáo, có người quan trọng nhất là kết quả lo toan cho gia đình mình được như thế nào. Nhưng cũng có giáo viên quan trọng nhất là học trò của mình học giỏi, có kết quả học tập tốt. Thầy cô giáo Trường tiểu học Lý Tự Trọng, với hầu hết học sinh là dân tộc thiểu số con nhà nghèo thì chỉ nhìn thấy học trò của mình tới trường vào mỗi buổi sáng đã tràn ngập niềm vui. Không vui sao được, bởi nếu trò nghỉ học thì đầu tiên thầy phải... đi tìm trò, đến “dụ” trò đi học, có khi phải lặn lội vào sâu trong rẫy mới tìm thấy...

Không có dân tộc nào tôn vinh nhà giáo như dân tộc Việt Nam. Sự tôn vinh đó được thể hiện bởi tư tưởng và quan điểm xuyên suốt qua lịch sử với nhiều câu ca dao, tục ngữ như: “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”... Trong xã hội phong kiến, những ông đồ dạy học được xã hội rất kính trọng. Đồng thời, những người vốn nhiều chữ thánh hiền ấy cũng luôn ý thức trau dồi tài năng và giữ gìn phẩm giá của mình. Vì vậy, xã hội gửi gắm, tin tưởng vô điều kiện vào nhân cách và tài năng của họ.

Báo chí, internet, mạng xã hội phát triển, cả cái xấu và cái đẹp đều lan truyền rất nhanh. Không ít cái xấu bị lên án mạnh mẽ và cũng rất nhiều cái đẹp được tôn vinh xứng đáng. Dù mai một đi khá nhiều, song không phải xã hội đã mất hết niềm tin với ngành giáo dục, đặc biệt là niềm tin với những người hằng ngày đứng trên bục giảng. Hy vọng rằng, niềm tin ấy sẽ dần được bồi đắp trở lại, xứng đáng với truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu