Thứ 6, 29/03/2024 20:23:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:19, 09/03/2016 GMT+7

Tính dân chủ trong tự ứng cử

Thứ 4, 09/03/2016 | 10:19:00 205 lượt xem
BP - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 lần đầu tiên được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ mang tầm một sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, mà cùng với thành công rực rỡ từ Đại hội XII của Đảng, ngày bầu cử (22-5-2016) sắp tới còn là đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Chỉ còn 6 ngày nữa, (chậm nhất là ngày 13-3-2016), thời hạn cuối để người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp phải hoàn thành việc nộp hồ sơ ứng cử. Từ thực tế các địa phương và trên phương tiện thông tin đại chúng, người dân ai cũng thấy được “sức nóng” của ngày hội bầu cử. Danh sách các ứng cử viên đang dần “lộ diện” và đặc biệt trong đó có những người tự ứng cử. Dự báo kỳ bầu cử lần này sẽ có nhiều người tự ứng cử, kể cả đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND ba cấp, vì thủ tục với người tự ứng cử rất thoáng. Hồ sơ tự ứng cử đã có sẵn trên website Quốc hội hoặc có thể lấy tại Sở Nội vụ là cơ quan thường trực của ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Các ứng cử viên làm xong hồ sơ và nộp thẳng về cho ủy ban bầu cử địa phương mà không phải qua các bước sàng lọc ban đầu như các ứng cử viên do cơ quan, tổ chức giới thiệu. Thông tin sơ bộ, hiện cả nước đã có khoảng 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Ở Bình Phước (đến ngày 7-3) theo Ủy ban bầu cử tỉnh cho biết, mới chỉ có 1 hồ sơ tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhưng dự kiến đến gần hết thời hạn nộp hồ sơ thì con số này có thể sẽ tăng lên.

Tự ứng cử là quyền tự do dân chủ đã được ghi rõ trong Hiến pháp và các bộ luật. Vì vậy, lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam khuyến nghị người tự ứng cử phải xác định một cách thật nghiêm túc chứ không nên tự ứng cử theo kiểu “thử xem dân chủ được thể hiện thế nào”. Người tự ứng cử phải xác định 3 điều: Thứ nhất, phải xem mình có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật không? Thứ hai, nếu trúng cử rồi có đủ điều kiện để làm như đã hứa với cử tri hay không? Thứ ba, điều này được áp dụng không chỉ người tự ứng cử mà với cả người được giới thiệu ứng cử, đó là uy tín ở nơi cư trú và nơi làm việc thế nào? Bởi lẽ, trong bầu cử thì dù tổ chức đảng, đoàn thể giới thiệu hay tự ứng cử vẫn phải qua hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc. Việc giới thiệu người ra ứng cử cũng phải trên cơ sở tiêu chuẩn của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chứ không phải người được giới thiệu thì tiêu chuẩn “nhẹ” hơn so với người tự ứng cử. Tiêu chuẩn là như nhau, dù là người do tổ chức đảng, chính quyền hay đoàn thể giới thiệu đều phải trên cơ sở đủ tiêu chuẩn theo luật định. Và Mặt trận Tổ quốc là cơ quan hiệp thương lựa chọn để chính thức giới thiệu người đó ra ứng cử.

Quá trình tiếp xúc giữa ứng cử viên với cử tri hiện nay hết sức dân chủ, nếu người tự ứng cử có đủ tài, đức, đủ tiêu chuẩn và có chương trình hành động tốt thì cơ hội trúng cử sẽ cao. Vì để có tên trong danh sách ứng cử thì phải qua các bước hiệp thương và cử tri nơi đó chọn lựa để có đồng thuận, có giới thiệu người đó hay không. Và với các quy định, hướng dẫn hiện hành, các địa phương phải giới thiệu số người ứng cử (gồm cả được giới thiệu và tự ứng cử) tối thiểu gấp đôi số đại biểu được bầu. Tiếp đó, đến hiệp thương lần thứ ba, lựa chọn để làm sao mỗi đơn vị bầu cử, nếu được bầu ba, phải có số dư ít nhất hai. Danh sách mở như thế thì chắc chắn sẽ có mặt người tự ứng cử và kết quả cuối cùng là sự tín nhiệm bằng lá phiếu của cử tri.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu