Thứ 6, 26/04/2024 22:27:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:47, 07/12/2014 GMT+7

70 NĂM QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM ANH HÙNG

Tiến công Plây Me - Chiến dịch đầu tiên đánh quân Mỹ trên chiến trường miền Nam

Chủ nhật, 07/12/2014 | 07:47:00 6,887 lượt xem
Sau đợt hoạt động mạnh của ta ở khu vực Đắc Tô (Kon Tum) và Đức Cơ (Gia Lai), tháng 9-1965, Bộ chỉ huy Mỹ điều Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 và một lữ đoàn dù thuộc Sư đoàn 101 lên trấn giữ An Khê (Gia Lai), hòng đối phó với các cuộc tiến công của ta ở Tây Nguyên. Trong khi đó, quân ngụy thành lập biệt khu 24 gồm hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai và chuyển giao cho quân Mỹ đảm nhiệm tác chiến chủ yếu ở trên chiến trường Tây Nguyên.

Thực hiện chủ trương phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ để củng cố và mở rộng vùng giải phóng, xây dựng niềm tin đánh Mỹ và quyết tâm thắng Mỹ, đầu tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Mặt trận B3 (Tây Nguyên) quyết định mở chiến dịch Plây Me. Bộ chỉ huy chiến dịch do Thiếu tướng Chu Huy Mân làm Tư lệnh kiêm Chính ủy. Lực lượng ta có 3 Trung đoàn bộ binh (320, 33 và 66); Tiểu đoàn đặc công 952, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không 12,7mm và lực lượng vũ trang địa phương đánh phá giao thông và hậu cứ của địch.

Quân Mỹ đổ bộ xuống thung lũng I-a Đrăng trong Chiến dịch Plei-me năm 1965. Ảnh tư liệu.

Phạm vi chiến dịch rộng khoảng 16.000km2, từ khu vực Bầu Cạn-Plây Me đến Đức cơ-Ia Đrăng thuộc tỉnh Gia Lai. Lực lượng địch trên địa bàn chiến dịch có 2 lữ đoàn thuộc sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ, 1 chiến đoàn dù, 1 chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn và 1 trung đoàn quân đội Nam Triều Tiên, có pháo binh, máy bay, kể cả B52 sẵn sàng yểm trợ khi cần thiết.

Chiến dịch được chuẩn bị chu đáo và diễn ra với 2 đợt chiến đấu quyết liệt: Đợt 1, từ ngày 19 đến ngày 29-10, ta thực hiện vây điểm diệt viện, tiến công đồn Chư Ho và bao vây đồn Plây Me (19-10), cách Plây-cu 30km, buộc địch đưa lực lượng từ Plây-cu đến giải tỏa, bị ta phục kích đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn biệt động quân, tiểu đoàn 1 bộ binh (Trung đoàn 42), chiến đoàn thiết giáp quân đội Sài Gòn trên đường số 21. Ngày 25-10, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên ra lệnh mở vây để tập trung đánh Mỹ.

Đợt 2, từ ngày 10 đến ngày 26-11-1965, ta nghi binh kéo quân Mỹ đến thung lũng Ia Đrăng để đánh trận then chốt quyết định. Tại đây, ta tiêu diệt tiểu đoàn 2, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 1 thuộc lữ đoàn kỵ binh không vận số 3, kết thúc chiến dịch. Kết quả, ta loại khỏi chiến đấu 2.974 địch, trong đó có 1700 lính Mỹ, phá hủy 89 xe quân sự, bắn rơi 59 máy bay. Đây là chiến dịch bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra.

Thắng lợi của chiến dịch Plây Me có ý nghĩa to lớn cả về chính trị và quân sự, khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của quân đội ta ngay trong trận đầu đánh quân Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Xét về nghệ thuật quân sự, chiến dịch Plây Me diễn ra rất quyết liệt giữa ta và địch, trong đó với ta nổi lên là xác định đúng đối tượng tác chiến và vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Xác định đúng đối tượng tác chiến là một trong những vấn đề rất quan trọng của nghệ thuật chiến dịch. Việc Mỹ đưa quân vào miền Nam là điều tất yếu ta phải trực tiếp chiến đấu. Tuy nhiên, lúc đó những hiểu biết của ta về tổ chức biên chế, nghệ thuật tác chiến của quân Mỹ nói chung, Sư đoàn kỵ binh bay không vận số 1 Mỹ nói riêng còn rất hạn chế. Để từng bước hiểu được quân Mỹ, dám đánh và quyết đánh thắng Mỹ, nhân lúc quân Mỹ mới đặt chân đến Tây Nguyên, ta quyết định mở chiến dịch tiến công Plây Me. Bộ tư lệnh chiến dịch xác định phương châm tác chiến là vây điểm, đánh viện, đánh quân ngụy trước, sau đó kéo quân Mỹ đi sâu vào vùng rừng núi hiểm trở để tiêu diệt.

Quá trình chiến dịch đã diễn ra theo đúng phương châm tác chiến ta đề ra. Trong đợt 1, khi quân ta tiến công tiêu diệt quân ngụy, chiếm đồn Chư Ho, bao vây đồn Plây Me, sau đó đánh bại Chiến đoàn thiết giáp 3 ngụy đến ứng cứu đã buộc Sư đoàn kỵ binh không vận 1 Mỹ phải đưa hai tiểu đoàn của Lữ đoàn 1 vào tham chiến. Tiếp đó, Mỹ đưa Lữ đoàn kỵ binh không vận 3 vào nhằm ứng cứu quân ngụy và tìm diệt bộ đội chủ lực ta. Sang đợt 2, Bộ tư lệnh chiến dịch chọn thung lũng Ia Đrăng dưới chân núi Chư Pông (cách Plây Me 25km về phía tây) làm nơi quyết chiến, tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định tiêu diệt quân Mỹ. Các trận đánh kể trên thể hiện thành công của ta về xác định đúng đối tượng tác chiến, đánh quân ngụy trước, diệt Mỹ sau, kéo quân Mỹ vào sâu trong vùng rừng núi hiểm trở, xa căn cứ để nhanh chóng tiêu diệt chúng; đồng thời thể hiện mưu hay của ta là lừa địch và kế giỏi của ta là dụ quân Mỹ vào đúng điểm quyết chiến ta chọn để giành thắng lợi. Đây chính là những nét đặc sắc đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của ta trong cuộc đọ sức đầu tiên với quân Mỹ cấp chiến dịch trên chiến trường miền Nam.

Thành công nổi bật của ta trong quá trình tác chiến chiến dịch là vận dụng cách đánh sáng tạo, linh hoạt, đạt hiệu quả chiến đấu cao. Lúc đầu, ta vận dụng cách đánh “vây điểm, diệt viện”, buộc địch phải đưa quân đến ứng cứu, trong đó có quân kỵ binh bay Mỹ tham chiến. Đến khi quân ta tiến công mạnh và vây ép chặt, khiến quân Mỹ phải sử dụng trực thăng đổ quân, tập kích hậu phương chiến dịch và một số khu vực trận địa của ta, nhưng chúng đều bị ta phát hiện, đánh thiệt hại. Ha-ri Kin-na, Tư lệnh Sư đoàn kỵ binh bay số 1 Mỹ phải điều động Lữ đoàn kỵ binh không vận 3 vào thay Lữ đoàn kỵ binh không vận 1 tham chiến. Với chiến thuật “cóc nhảy”, quân Mỹ đưa Lữ đoàn kỵ binh không vận 3 đổ bộ xuống khu vực Chư Pông, hòng bất ngờ đánh vào phía sau đội hình chủ lực ta.

Trước tình hình đó, Bộ tư lệnh chiến dịch điều chỉnh lực lượng, dựa vào trận địa chuẩn bị sẵn, đánh chặn quyết liệt, tiêu diệt hai đại đội quân Mỹ, dồn số còn lại co cụm xuống thung lũng Ia Đrăng phòng ngự. Với tinh thần “bám thắt lưng Mỹ mà đánh”, ta tập trung quân, tạo thế bao vây, ngăn chặn, cô lập quân Mỹ. Bằng cách đánh gần, bao vây chia cắt, sau hơn 8 giờ chiến đấu ác liệt dưới các loại hỏa lực bom và đạn pháo của Mỹ, bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của trận đánh then chốt, giành thắng lợi hoàn toàn.

Chiến dịch tiến công Plây Me năm 1965 thắng lợi có ý nghĩa chiến lược to lớn, đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của quân đội ta trong cuộc đấu trí, đấu lực đầu tiên với quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên. Trên cơ sở xác định đúng đối tượng tác chiến là đánh quân ngụy trước, đánh quân Mỹ sau và thực hiện cách đánh vây điểm để diệt viện, dùng mưu kế lừa quân Mỹ, dụ chúng vào đúng địa bàn quyết chiến ta chọn để hạn chế điểm mạnh của Mỹ về hỏa lực và sức cơ động, ta đã phát huy được sở trường đánh gần đạt hiệu quả cao, nhanh chóng tiêu diệt từng bộ phận quân Mỹ. Thắng lợi của chiến dịch khẳng định quân đội ta hoàn toàn có khả năng đánh tiêu diệt từng tiểu đoàn quân Mỹ, tiến tới đánh bại quân chiến đấu Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Nguồn QĐND

  • Từ khóa
12222

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu