Thứ 7, 27/04/2024 22:21:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:26, 02/04/2016 GMT+7

Thác Đứng đang “chết đứng”

Thứ 7, 02/04/2016 | 10:26:00 1,069 lượt xem
BP - “Mùa đông nước đổ ầm ầm. Mùa xuân, mùa hè nó kêu róc rách. Những hôm có gió thì tiếng nước chảy lồng trong tiếng gió vang cả sóc Bù Xiết, sóc Bù Nhùi. Ngày xưa, người dân ra đây tắm giặt và ăn uống từ dòng nước của ngọn thác này. Thác còn là nơi hò hẹn của trai gái trong sóc. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho Bù Đăng dòng thác tuyệt mỹ mà người S’tiêng gọi là NHai Liên Por - máng nước chảy từ ghềnh đá trên cao xuống, tiếng Việt gọi là thác Đứng” - ông Điểu Chon, Chủ tịch Hội đồng già làng xã Đoàn Kết (Bù Đăng) cắt nghĩa.

KÝ ỨC MỘT THỜI

Từ trung tâm thị xã Đồng Xoài hướng về Bù Đăng qua thị trấn Đức Phong chừng 60km gặp ngã ba rẽ phải về xã Đoàn Kết khoảng 7km, tiếp tục rẽ phải theo đường liên thôn tầm 2,5km là đến danh thắng thác Đứng. Đến nay, chưa có tài liệu hay nghiên cứu cụ thể nào nói về quá trình hình thành thác Đứng. Từ lúc lên 3 tuổi, bà Nguyễn Thị Sắc, Trưởng ban mặt trận thôn 6, xã Đoàn Kết đã định cư và sinh sống bên dòng thác Đứng, đến nay đã 61 năm. Tuổi thơ bà thường ngày hay ra dòng suối có tên gọi Đắk Woa để mò cua, bắt ốc và chem chép. Lớn lên, suối Đắk Woa còn là nhân chứng cho một thời hò hẹn tình yêu đôi lứa của bà cũng như bao trai gái trong thôn, sóc.

Những trụ đá dựng đứng nối ghép nhau tự nhiên đã làm nên nét đẹp rất riêng của thác ĐứngNhững trụ đá dựng đứng nối ghép nhau tự nhiên đã làm nên nét đẹp rất riêng của thác Đứng

Suối Đắk Woa bắt nguồn từ thôn 3, xã Đắk Ru, huyện Đắk Lấp, tỉnh Đắk Nông chảy qua xã Thọ Sơn, thị trấn Đức Phong rồi đổ về vùng giáp ranh giữa 2 xã Đoàn Kết và Minh Hưng thuộc huyện Bù Đăng tạo nên thác Đứng. Xung quanh thác Đứng chủ yếu là người S’tiêng thuộc các sóc Bù Xiết, Bù Nhùi, Bù Woa sinh sống. Theo tiếng của cư dân bản địa S’tiêng, “NHai” có nghĩa là chiều cao, “Liên” là đá và “Por” là máng nước. NHai Liên Por có nghĩa là máng nước chảy từ ghềnh đá trên cao xuống.

Nếu ai cũng có ý thức chôn lấp rác thì dòng thác đâu có “chết” như hôm nay. Có cây đa để du khách nghỉ mát họ cũng cưa mất.

Trưởng ban mặt trận thôn 6 Nguyễn Thị Sắc

Già làng Điểu Nhon sinh ra và lớn lên bên dòng thác Đứng đến nay đã gần 60 năm. Ngay từ thuở lọt lòng, ông đã đắm mình trong dòng nước trong xanh của suối Đắk Woa trước khi đổ từ trên ngọn đá cao xuống tạo thành thác nước trắng xóa một vùng. Không chỉ ông, cả lũ trẻ ở các sóc Bù Xiết, Bù Nhùi trước đây cũng thường đùa giỡn bên dòng thác này. Đây còn là nơi để cả sóc làm lễ tạ ơn trời, đất qua những nghi thức mừng lúa mới của người S’tiêng; cũng là nơi để đồng bào S’tiêng đánh cồng chiêng, chia sớt niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống cộng đồng; cúng vái thần linh phù hộ cho dân làng không bị thú dữ ăn thịt, không bị ốm đau và luôn bình an trong cuộc sống. Đặc biệt, tập tục quay đầu trâu trong dịp mừng lúa mới của người S’tiêng đến nay vẫn còn lưu giữ bên dòng thác thơ mộng và kỳ thú này.

SỰ KỲ THÚ CỦA THÁC ĐỨNG

Thác Đứng rộng chừng 18m, cao 8m, lòng thác rộng khoảng 15m ẩn mình giữa màu xanh của núi rừng Bù Đăng. Mặc dù có độ cao khá khiêm tốn so với những ngọn thác khác nhưng dòng nước của thác Đứng lúc nào cũng cuồn cuộn tuôn trào, tung bọt trắng xóa một khoảng trời. Mùa mưa, lượng nước đổ về đây rất lớn, mùa hè chưa bao giờ vơi cạn.

Bà Nguyễn Thị Sắc với những phiến đá của thác Đứng bị lấy cắp còn sót lại gần nhà văn hóa thôn 6, xã Đoàn KếtBà Nguyễn Thị Sắc với những phiến đá của thác Đứng bị lấy cắp còn sót lại gần nhà văn hóa thôn 6, xã Đoàn Kết

Ở hạ nguồn thác Đứng có những khối đá hình trụ kết thành hoa mai 5 cánh hoặc mai rùa rất kỳ thú. Đặc biệt, hai bên bờ của dòng thác, thiên nhiên đã tạo ra những tảng đá hình lục lăng, hình hộp chữ nhật với đường kính từ 0,5-1m, dài chừng 2,5-3m dựng đứng, ghép nối như có sự gọt đẽo, sắp đặt bởi bàn tay của con người. Phía thượng và hạ nguồn của thác có những khối đá với nhiều hình thù, kích cỡ khác nhau, kết nối không theo trật tự nào tạo thành phần nổi nhô trên mặt nước như bức tranh của tạo hóa. Chính những điểm này đã tạo cho thác Đứng có nét đẹp riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ dòng thác nào trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung. Ông Hồ Tiến Duật, Trưởng ban quản lý di tích tỉnh đánh giá: Dưới góc nhìn của nhà địa lý học, thác Đứng được hình thành bởi sự kiến tạo địa chất tự nhiên và là kết quả của một quá trình vận động địa chất lâu dài cách đây hàng triệu năm. Bởi thế, thác Đứng không chỉ là danh thắng được thiên nhiên kiến tạo hết sức độc đáo mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa tinh thần mang yếu tố tâm linh và chuyên biệt một thời của một tộc người bản địa ở Bù Đăng. Chính từ các yếu tố này, ngày 25-11-2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2222/QĐ-UBND công nhận thác Đứng là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh.

THÁC ĐỨNG ĐANG “CHẾT ĐỨNG”

Quán nước giải khát Bí Bo ngay bên bờ suối Đắk Woa (phía thượng nguồn thác Đứng) thuộc thôn 3, xã Đoàn Kết mở cách nay hơn 3 năm. Trước đây, người dân Bù Đăng cũng như du khách gần xa thường xuyên dừng chân tại quán để giải khát và ngắm dòng nước trong xanh uốn lượn theo ghềnh đá. Thế nhưng ngay trong mùa khô này, quán nước không một bóng người. Dòng suối tạo cảnh sắc nên thơ cho quán ngày nào giờ đã trơ đáy. Bên cạnh những ô nước hiếm hoi còn đọng lại trên mặt suối là đủ các loại rác. Rác ở trên bờ, rác dưới suối, rác nổi lềnh bềnh trên mặt nước đen thui. Mùa khô khiến dòng nước cạn, rác lại khiến dòng nước bị ô nhiễm, nước ô nhiễm trong khô cạn làm cho thác Đứng đang “chết đứng”.

Thác Đứng vào mùa mưa tung bọt trắng xóa một vùngThác Đứng vào mùa mưa tung bọt trắng xóa một vùng

Trưởng thôn 3 Nguyễn Văn Vũ cho biết, sự đổi màu của dòng nước trong xanh suối Đắk Woa bắt đầu từ 3 năm trở lại đây. Trước đây, người dân ở hai bên con suối còn dùng dòng nước này để tưới cho rau màu. Nhiều hộ đồng bào sử dụng nguồn nước để tắm giặt sau mỗi ngày lên nương rẫy. Hiện không có bất kỳ người dân nào dám đụng đến nguồn nước từ suối Đắk Woa tạo nên thác Đứng. Đơn giản, nó đã ô nhiễm khủng khiếp. “Suối Đắk Woa tạo nên thác Đứng là bộ mặt của danh thắng Bù Đăng. Tạo hóa đã cho mình có được ngọn thác tuyệt đẹp mà không biết giữ thì uổng lắm. Kênh Thị Nghè đen thế mà thành phố Hồ Chí Minh còn giải phóng làm trong lại được. Muốn cứu thác Đứng phải có dự án, phải tạo được phong trào bảo vệ môi trường thường xuyên trong dân. Đừng để người này làm, người kia đứng nhìn, còn người nọ cứ vô tư xả rác xuống sông, xuống suối”.

Dấu chân hẹn hò của trai gái trong sóc ngày nào vẫn còn đấy. Dòng nước trong lành của thác Đứng đã tắm mát, nuôi lớn bao thế hệ con cháu của người S’tiêng ở Bù Xiết giờ không ai dám đụng đến. Nếu mọi người không có ý thức, các cơ quan chức năng không có giải pháp kịp thời thì thác Đứng sẽ chết thật.

Già làng Điểu Nhon

Nguyên nhân do người dân cả thị trấn Đức Phong, các thôn 3, 4, 5, 6 của xã Đoàn Kết thi nhau vứt rác xuống suối; mặc cho chính quyền thôn, ấp đã vận động không được vứt rác xuống suối để bảo vệ nguồn nước. “Ban điều hành thôn cũng từng kiến nghị đến các cơ quan chức năng khẩn cấp cứu nguy cho dòng nước của thác Đứng nhưng mọi việc vẫn đâu vào đấy” - ông Vũ nói như trách móc. Còn Trưởng ban mặt trận thôn 6 Nguyễn Thị Sắc trăn trở trước sự vô ý thức và lòng tham của một số người đã đến lấy cắp những trụ đá kiến tạo nên thác Đứng có một không hai ở Bình Phước.

Suối Đắk Woa (đoạn thôn 3, xã Đoàn Kết) - thượng nguồn thác Đứng đang bị cạn kiệt và ô nhiễm vì rácSuối Đắk Woa (đoạn thôn 3, xã Đoàn Kết) - thượng nguồn thác Đứng đang bị cạn kiệt và ô nhiễm vì rác

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92901

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu