Thứ 2, 06/05/2024 05:00:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:11, 24/03/2014 GMT+7

Thác Ðứng - thiên nhiên ban tặng Bình Phước

Thứ 2, 24/03/2014 | 08:11:00 2,591 lượt xem

Nằm giữa màu xanh bạt ngàn của rừng và vườn rẫy thuộc 2 xã Đoàn Kết và Minh Hưng (Bù Đăng), thác Đứng do suối Đắk Quotte tạo thành. Suối Đắk Quotte bắt nguồn từ thôn 3, xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông chảy qua xã Thọ Sơn và thị trấn Đức Phong, sau đó chảy đến địa phận giáp ranh xã Đoàn Kết và xã Minh Hưng (Bù Đăng) tạo thành thác Đứng.

Thác Đứng là kết quả của quá trình kiến tạo tự nhiên cách nay hàng triệu năm. Thác nước được đồng bào Xêtiêng bản địa gọi là N’Hai Lien Por. Theo tiếng Xêtiêng thì N’Hai nghĩa là chiều cao, “Lien” là đá và “Por” là máng nước. N’Hai Lien Por có thể hiểu là máng nước chảy từ ghềnh đá trên cao xuống. Từ năm 1958, chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách di dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi vào miền Đông Nam bộ, trong đó có huyện Bù Đăng. Trong quá trình canh tác, sinh sống ở Bù Đăng, người di dân đã phát hiện ra thác nước với nhiều cột đá lớn kết thành vách tự nhiên rất đẹp nên gọi là thác Đứng.


Danh lam thắng cảnh Thác Đứng 

Thác Đứng cao khoảng 6m, lòng thác rộng khoảng 15m. Với độ cao tương đối nên dòng nước đổ xuống tung bọt trắng xóa. Tiếng nước đổ ầm ầm vang một khoảng trời tạo nên vẻ đẹp vừa hùng vĩ, vừa hoang sơ. Mùa mưa, lượng nước dồi dào, thác nước mang màu vàng đặc trưng của vùng đất đỏ bazan đầy ấn tượng. Mùa khô, thác nước trong xanh, bình yên và thơ mộng. Đến đây du khách có thể quên đi mọi vất vả, lo toan giữa đời thường.

Điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp của thác Đứng là những cột đá lớn ở phía hạ nguồn. Các cột đá dựng thành vách, có hình giống bông hoa hay những chiếc mai rùa. Đỉnh thác có nhiều phiến đá bằng phẳng, láng mịn. Ở giữa những phiến đá có các hố tròn, đường kính khoảng 10-15cm, giống những chiếc cối đá đầy bí ẩn. Hai bên tả ngạn và hữu ngạn phía hạ nguồn có những tảng đá hình lục lăng, hình hộp chữ nhật dựng đứng và nối ghép nhau tự nhiên như có bàn tay chế tác, sắp đặt.

Thác nước còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Xêtiêng (vùng đất xung quanh khu vực thác Đứng là sóc của người Xêtiêng sinh sống). Hằng năm, sau khi thu hoạch mùa, tại địa thế bằng phẳng xung quanh thác Đứng, người Xêtiêng tổ chức các lễ hội: Quay đầu trâu, Mừng lúa mới, Thổi tai... Ngoài sinh hoạt vui chơi, thác Đứng còn là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh; nơi giao thoa, thông linh giữa trời đất và con người; nơi gặp gỡ và ươm mầm tình yêu, tình người...

Thác Đứng là một trong những thác nước hiếm ở Bình Phước được thiên nhiên ưu đãi để có những nét đẹp tự nhiên, sự kết cấu về địa chất, địa mạo riêng biệt ấn tượng, khơi gợi sự khám phá của những ai đã từng một lần đặt chân đến đây.

Thác Đứng ngoài ý nghĩa là một thắng cảnh đẹp, còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Xêtiêng ở Bù Đăng. Từ những giá trị trên, ngày 25-11-2013, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 2222/QĐ-UBND xếp hạng thác Đứng là Di tích danh thắng cấp tỉnh. 

Thác Ðứng được công nhận di tích cấp tỉnh thứ 8

Ông Trần Ngọc Thuấn trao bằng công nhận Di tích cấp tỉnh danh lam thắng cảnh Thác Đứng cho huyện Bù Đăng
Sáng qua (20-3), tại thôn 6, xã Đoàn Kết, UBND huyện Bù Đăng đã tổ chức buổi lễ trao bằng công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh cho danh lam thắng cảnh thác Đứng. Tới dự buổi lễ có lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, lãnh đạo huyện và nhân dân trên địa bàn 2 xã Đoàn Kết, Minh Hưng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Ngọc Thuấn, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Việc công nhận thác Đứng trở thành Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, đánh dấu một bước tiến của công tác gìn giữ và phát huy giá trị di tích trong sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.
Để thác Đứng xứng đáng là di tích cấp tỉnh, ông Thuấn đề nghị: UBND huyện Bù Đăng tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành địa phương, đặc biệt là ngành VH-TT-DL tỉnh thắt chặt việc quản lý, trông coi, dọn dẹp vệ sinh môi trường và kiến tạo cảnh quan nhằm gìn giữ, phát huy những giá trị của di tích.
Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Điểu Giá, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng hứa sẽ nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong việc nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ di tích; đẩy mạnh hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
 Được biết, Bình Phước hiện có 20 di tích được công nhận, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích vườn quốc gia Cát Tiên và Di tích mạng lưới đường Trường Sơn; 10 di tích quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.  
T.Hương -T.Phương

                                Nguyễn Thị Diên

  • Từ khóa
89259

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu