Thứ 5, 25/04/2024 05:50:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:49, 20/03/2013 GMT+7

Siết chặt thức ăn đường phố: Khó hay dễ?

Thứ 4, 20/03/2013 | 10:49:00 318 lượt xem

BÀI 1: Thức ăn đường phố: Rẻ tiền, tiện lợi, nhưng...

Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 5-12-2012 quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, có hiệu lực từ ngày 20-1-2013. Trong loạt bài này, người viết chỉ xin đề cập đến đối tượng kinh doanh thức ăn đường phố, bởi đa số họ là người có thu nhập thấp, hộ nghèo đến từ vùng nông thôn có ít vốn làm ăn. Mặt khác, từ lâu thức ăn đường phố vẫn gắn liền với thói quen ăn uống của nhiều người dân, bởi rẻ tiền, lại thuận tiện nên rất hữu ích đối với lao động nghèo, học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, chất lượng thức ăn và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thức ăn đường phố là điều đáng bàn. Song, nếu thông tư này được áp dụng chặt chẽ và các cơ quan chức năng không có giải pháp thì sẽ có bao nhiêu người phải “treo” gánh mưu sinh?

MƯU SINH TỪ GÁNH HÀNG RONG

Từ lâu, thức ăn đường phố đã đi sâu vào cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân và được người dân đón nhận như một thói quen. Tại những nơi dân cư tập trung đông đúc, đô thị phát triển mạnh thì số người bán hàng rong, vỉa hè xuất hiện càng nhiều. Thức ăn đường phố phù hợp với lao động nghèo, học sinh, sinh viên và những người không có thời gian vào bếp. Hình ảnh những gánh hàng rong hay xe đẩy bán dạo trên các tuyến đường, ngõ phố đã trở nên quen thuộc và thiết yếu ở bất cứ vùng đô thị nào.

Gánh bún riêu, hủ tiếu trên vỉa hè đường Nguyễn Bình, phường Tân Phú (TX. Đồng Xoài) thu hút đông học sinh đến ăn vào chiều tối

Thực tế, đa số những gánh hàng rong với vài ba chiếc bàn nhỏ bán đồ ăn nhẹ (bánh tráng trộn, chuối chiên, trứng nướng, chè, xôi, bún riêu, hủ tiếu...) lại là “cần câu cơm” của không ít hộ nghèo. “Gánh chè chỉ ngót nghét 200 ngàn đồng, đồ nghề là vài ba cái xoong, muỗng, ly nhựa, đôi quang gánh để đi bán dạo. Số tiền thu được của bữa nay lại gối đầu cho gánh chè ngày hôm sau. Tiền lời khoảng từ 20 đến 50 ngàn đồng/ngày lo chi tiêu cho gia đình 4 người. Cả nhà chỉ trông chờ vào nồi chè này nên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thì mới mong bán được dài lâu. Chị Nguyễn Thị V, chủ gánh chè bán rong tại khu vực chợ Đồng Xoài nói.

Chúng tôi có mặt tại cổng trường Trung cấp Y tế Bình Phước vào một buổi chiều để thưởng thức món bò viên chiên của anh Trần Văn Út. Hằng ngày, trên chiếc xe honda cũ kỹ, anh Út chở một tủ kính nhỏ bò viên chiên đi bán rong khắp các con đường. Rời xứ Quảng vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 2010, vợ làm phụ hồ, chồng đi bán bò viên chiên, công việc không ổn định nên thu nhập của vợ chồng anh Út rất thấp. Anh chị phải dè sẻn chi tiêu để trả tiền phòng, điện nước, sinh hoạt... nên cũng chỉ dành dụm được vài trăm ngàn gửi về quê nuôi 3 đứa con ăn học. Anh Út nói: “Vợ chồng tôi phải chắt chiu từng đồng. Không nghề nghiệp nên tôi chỉ biết đi bán dạo bò viên chiên”.

RẺ TIỀN, TIỆN LỢI

Lâu nay, rất nhiều người đã chấp nhận việc ăn uống ngoài vỉa hè, đường phố. Thức ăn bán ở đây có giá mềm hơn các quán ăn hay tiệm sang trọng rất nhiều.  Quán vỉa hè chủ yếu bán hàng ăn nhẹ, ăn nhanh, hợp với túi tiền của người nghèo, lao động tự do hay học sinh, sinh viên đang sống phụ thuộc gia đình. Anh Nguyễn Văn Tam làm nghề bốc vác ở chợ Đồng Xoài đang tranh thủ ăn hủ tiếu gõ trên đường Điểu Ong cho biết: “Hàng bán rong rẻ tiền, 10 ngàn đồng là có một tô hủ tiếu lót dạ, nhưng cũng với số tiền ấy thì không thể vào tiệm ăn được”. Không chỉ lao động tự do mà học sinh, sinh viên cũng thích ăn hàng rong bởi hợp túi tiền mà không mất công nấu nướng, lại càng tiện hơn đối với những em ở ký túc xá. Phan Thị Kiều, sinh viên trường Cao đẳng Nghiệp vụ cao su Bình Phước cho biết: “Ít tiền nên tụi em chỉ gắn bó với thức ăn vỉa hè, lại không mất công đi lại, đến bữa chỉ cần ra ngoài cổng trường đi bộ vài chục mét là có sẵn đồ ăn. Buổi sáng, em thường ăn ổ bánh mì hay hộp xôi, cái bánh chưng chỉ với giá 5.000 đồng, nhưng nếu vào tiệm ăn cũng phải mất ít nhất 15 ngàn đồng”. Còn Nguyễn Hoài Nam, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước nói: “Chúng em ở ký túc xá, không được phép nấu ăn nên hằng ngày phải ra ngoài ăn. Thức ăn vỉa hè vừa rẻ, lại tiện nên chúng em có thể ăn bất kỳ thời điểm nào”.

Không chỉ rẻ tiền mà thức ăn đường phố lại rất tiện lợi. Không cần đi xa mất thời gian, lại không tốn công sức, chỉ cần ra khỏi cổng là có thể mua được đồ ăn. Những gánh xôi, chè hay xe đẩy bán bánh mì, bún thịt nướng, cháo... bán dạo ở từng ngõ hẻm, tuyến phố hay trên vỉa hè nơi tập trung đông người như cổng trường học, khu chợ, bệnh viện. “Tôi và mấy người đồng hương từ Quảng Ngãi vào Bình Phước đi bán vé số dạo, phải thuê trọ. Hai bữa sáng và trưa thì trong lúc đi bán vé số, mạnh ai nấy ăn. Chúng tôi chỉ góp chung tiền nấu bữa tối để cải thiện sức khỏe. Vì thế, nhiều năm qua chúng tôi đã gắn bó với thức ăn đường phố”, ông Nguyễn Tứ nói.

Không chỉ tiện với dân nghèo mà ngay cả với những gia đình không có thời gian nấu nướng, thức ăn vỉa hè cũng rất hữu ích. Chị Hoàng Thị Lý làm tạp vụ cho một nhà hàng tại thị xã Đồng Xoài chia sẻ: Vì đặc thù công việc phải đi sớm về khuya, bắt đầu công việc từ 5 giờ 30 phút nên tôi không có thời gian nấu ăn sáng cho hai con. Vì thế, trước khi đi làm, tôi mua thức ăn sẵn, khi thì hộp bánh ướt, lúc cái bánh mì, hộp xôi cho các con ăn rồi đến trường. Cũng nhờ hàng rong, nếu không tôi cũng khó bề xoay xở để đảm bảo công việc.

Rẻ tiền, tiện lợi là vậy, nhưng chất lượng và an toàn vệ sinh đối với thức ăn đường phố là điều đáng bàn...

Hải Châu

  • Từ khóa
92188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu