Thứ 6, 19/04/2024 06:13:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:45, 03/03/2017 GMT+7

Quan điểm của Đảng và Nhà nước về xây dựng lực lượng BĐBP (Bài 1)

Thứ 6, 03/03/2017 | 13:45:00 4,120 lượt xem

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG BIÊN PHÒNG

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, vì vậy nước nào cũng đều thành lập lực lượng chuyên trách để quản lý, bảo vệ. Nước Việt Nam có đường biên giới dài gần 8.000km. Để bảo vệ đường biên, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ luôn ưu tiên đặc biệt trong việc tổ chức và xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt là bộ đội biên phòng  (BĐBP).

Sau Hiệp định Giơnevơ về hòa bình ở Đông Dương được ký kết ngày 20-7-1954, nước ta tạm thời bị chia cắt thành 2 miền Bắc - Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Miền Bắc tiến hành công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa và chuẩn bị mọi mặt để chi viện cho chiến trường miền Nam. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Để bảo vệ biên giới, giới tuyến, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ mục tiêu... Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã ban hành nhiều sắc lệnh, chỉ thị, nghị quyết, quyết định để thành lập các lực lượng chuyên trách, như cảnh sát vũ trang, công an vũ trang, công an biên phòng, bộ đội bảo vệ, bộ đội quốc phòng... Các lực lượng này đều nhanh chóng củng cố tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ an toàn biên giới, giới tuyến, đấu tranh trấn áp kịp thời các hoạt động phản cách mạng, bạo loạn, hoạt động biệt kích, thám báo, hoạt động nổi phỉ xưng vua... Nhưng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng bộc lộ nhiều bất cập, chưa hợp lý về cơ chế lãnh đạo, tổ chức chỉ huy quản lý, công tác bảo vệ còn sơ hở để kẻ địch có thể lợi dụng.

Bộ đội biên phòng Bình Phước tuần tra bảo vệ biên giớiBộ đội biên phòng Bình Phước tuần tra bảo vệ biên giới

Trước tình hình đó, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ thành quả của cách mạng, ngày 19-11-1958, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng lực lượng cảnh vệ nội địa và biên cương. “Lực lượng cảnh vệ có nhiệm vụ trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta; sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”.

Như vậy, Nghị quyết số 58-NQ/TW đã xác định lực lượng cảnh vệ có 2 chức năng chính là bảo vệ nội địa và biên phòng. Lực lượng cảnh vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến có nhiệm vụ trấn áp địch và bọn phá hoại khác qua lại hoạt động ở khu vực biên giới, giới tuyến, bờ biển. Bên cạnh đó, lực lượng này cũng thực hiện quy chế qua lại biên giới do Chính phủ đã quy định, kiểm soát việc qua lại biên giới, đặc biệt là bảo vệ sự an toàn và của cải của nhân dân, tài sản của Nhà nước... Bộ Chính trị cũng chỉ rõ cho lực lượng cảnh vệ muốn hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Bác Hồ giao thì phải biết dựa vào dân, phải tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, đoàn thể và phải phối hợp chặt chẽ với quân đội nhân dân, lực lượng công an và dân quân địa phương.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3-3-1959 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100-TTg thống nhất các đơn vị bộ đội quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị công an biên phòng, cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an. Cơ cấu tổ chức gồm 3 cấp: Ở Trung ương có Ban chỉ huy Trung ương Công an nhân dân vũ trang (tháng 7-1961 đổi tên thành Bộ tư lệnh Công an nhân dân vũ trang); cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ban chỉ huy công an nhân dân vũ trang tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn công an nhân dân vũ trang và đơn vị cơ động. Theo đó, ngày 28-3-1959, tại Hà Nội đã diễn ra lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang. Vinh dự cho lực lượng là được Bác Hồ kính yêu đến dự và chỉ đạo. Điều này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đối với lực lượng bảo vệ biên giới, nội địa, đồng thời thể hiện vị trí quan trọng, trọng yếu của biên giới quốc gia cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Trong bài phát biểu huấn thị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng: “Đoàn kết, cảnh giác. Liêm chính, kiệm cần. Hoàn thành nhiệm vụ. Khắc phục khó khăn. Dũng cảm trước địch. Vì nước quên thân. Trung thành với Đảng. Tận tụy với dân”. Từ đó, ngày 3-3 hằng năm trở thành ngày truyền thống của Công an nhân dân vũ trang - nay là BĐBP và cũng là Ngày biên phòng toàn dân.

Thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị và lời dạy của Bác, 58 năm qua, trước mỗi bước ngoặt của cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cán bộ, chiến sĩ lực lượng BĐBP luôn tận trung với Đảng, tận hiếu với nhân dân, thường xuyên chăm lo giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, tình hình nhiệm vụ cách mạng.

Ngay khi thành lập, tuy trang bị còn thô sơ, thiếu thốn mọi mặt, địa bàn hoạt động xa xôi hẻo lánh nơi biên giới, hải đảo nhưng cán bộ, chiến sĩ đã bắt tay vào dựng đồn, lập trạm, gom dân, lập bản, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng phòng tuyến nhân dân, chiến đấu tiễu phỉ, chống gián điệp, biệt kích... Tiêu biểu trên lĩnh vực xây dựng phòng tuyến nhân dân, bảo vệ biên giới là anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ - tấm gương “Trung với Đảng, tận tụy với dân” hết lòng vì hạnh phúc của nhân dân.

Khi đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, cán bộ, chiến sĩ kiên quyết chiến đấu bảo vệ biên giới, giới tuyến quân sự tạm thời, các mục tiêu quan trọng ở nội địa. Ngoài ra còn cử nhiều đội công tác đặc biệt sang giúp bạn Lào xây dựng cơ sở chính trị, vận động nhân dân tham gia quân đội, ủng hộ cách mạng Lào. Ở chiến trường miền Nam, lực lượng an ninh vũ trang có nhiệm vụ bám dân, bám đất, diệt ác phá kìm, bảo vệ vòng ngoài, đánh địch đổ bộ, càn quét, đánh biệt kích, thám báo để bảo vệ Trung ương Cục, bảo vệ vùng giải phóng và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Các chiến sĩ an ninh phải sống và chiến đấu trong hoàn cảnh cực kỳ gian nan, ác liệt, nhưng đã kiên trung với Đảng, với cách mạng, kiên trì bền bỉ bám đất, bám dân, trụ vững trong lòng địch để xây dựng cơ sở, vận động và tổ chức nhân dân đấu tranh với kẻ thù.

Đất nước được giải phóng, toàn lực lượng bắt tay ngay vào xây dựng hệ thống đồn, trạm khép kín biên giới dài gần 8.000km; vận động nhân dân xây dựng phòng tuyến bảo vệ biên giới và duy trì các hoạt động qua lại biên giới, ra vào khu vực biên giới; phối hợp cùng các lực lượng và nhân dân đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến” của địch; lôi kéo vượt biên, vượt biển di cư ra nước ngoài; củng cố chính quyền cơ sở ở các tỉnh phía Nam mới thành lập.

Đại tá Nguyễn Văn Phương
Chính ủy BĐBP tỉnh Bình Phước

  • Từ khóa
3805

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu