Thứ 7, 20/04/2024 03:51:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:24, 06/08/2019 GMT+7

Ô nhiễm từ trại heo của Công ty cổ phần Phú Vinh: Bao giờ giải quyết dứt điểm?

Thứ 3, 06/08/2019 | 06:24:00 1,518 lượt xem
BP - Nhiều năm nay, người dân ở tổ 6, ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do trại nuôi heo của Công ty cổ phần Phú Vinh gây ra. Mặc dù, người dân nhiều lần kiến nghị, ngành chức năng cũng đã kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp khắc phục, nhưng thực trạng ô nhiễm vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn.

Xả thải trực tiếp ra suối

Công ty cổ phần Phú Vinh hoạt động từ năm 2009, trại có quy mô đăng ký khoảng 10.200 con heo, tuy nhiên doanh nghiệp này không quan tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải mà để chảy trực tiếp ra suối Mao. Con suối này trước đây được xem là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tổ 6, ấp Tân Phú. Kể từ khi trại heo hoạt động thì cũng gần ngần ấy thời gian người dân tổ 6, ấp Tân Phú không dám sử dụng nước lấy từ suối và luôn sống trong cảnh ô nhiễm nguồn nước, không khí cùng nỗi lo bệnh tật.

Hệ thống xử lý nước thải bằng đường cống nổi dùng để thu gom nước thải từ trại nuôi heo nái của Công ty cổ phần Phú Vinh ở xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú bị tắc nghẽn, hư hỏng (ảnh lớn). Nước thải phát sinh trong chăn nuôi thu gom vào hồ sinh học chưa được chống thấm bị chảy tràn ra suối Mao (ảnh nhỏ)

Ông Chàm Sa Hót ở tổ 6, ấp Tân Phú cho biết: Sáng sớm và chiều tối, mùi hôi thối nồng nặc từ nước xả thải bốc lên rất khó chịu, nhất là mùa mưa nước thải từ trại heo chưa qua xử lý xả thẳng ra suối, chảy tới đâu nước ngả màu tới đó. Mùa nắng dòng nước như đặc quánh lại, nổi váng xanh bởi chất thải của heo. Nhiều hôm chúng tôi phải vớt xác heo trôi dạt dưới suối đem đi chôn vì không chịu nổi mùi hôi thối kinh khủng.

Già làng Chàm Sa ở tổ 6, ấp Tân Phú bức xúc: “Khi mới hoạt động, trại heo nuôi ít nhưng sau này tăng thêm. Do hồ chứa nhỏ nên nước thải đầy tràn cả ra suối. Khi trại heo mới hoạt động, gia đình tôi vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt. Vài năm trở lại đây, nguồn nước bị ô nhiễm, nước nấu lên bị váng đen và bốc mùi. Quá sợ, gia đình tôi và nhiều hộ khác không dám dùng nước giếng nữa mà góp tiền khoan 2 cái giếng cách xa trại heo để cả tổ dùng chung. Người dân trong tổ rất bức xúc và đã phản ánh nhiều lần tại các buổi tiếp xúc cử tri, gửi đơn kiến nghị trực tiếp đến cơ quan chức năng. UBND xã đã chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính, nhưng sau mỗi đợt kiểm tra thì đâu lại vào đấy”.

Ngày 31-5 vừa qua, Sở Tài nguyên - Môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đồng Phú và lãnh đạo xã Thuận Phú đã kiểm tra, làm việc với công ty này. Qua kiểm tra cho thấy, công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải với quy trình gồm: Bể lắng, hầm biogas, bể sục khí, hồ sinh học chống thấm và hồ sinh học chưa chống thấm. Công ty cũng có phương án xử lý lượng nước thải phát sinh trong quá trình hoạt động. Tại thời điểm kiểm tra, một phần nước thải phát sinh được thu gom về hệ thống xử lý nước thải bằng đường cống nổi, nhưng hiện một phần đường cống nổi dùng để thu gom nước thải từ trại nuôi heo nái bị tắc nghẽn, hư hỏng. Lượng nước thải phát sinh trong hoạt động chăn nuôi thu gom vào hồ sinh học chưa được chống thấm. Từ đây, nước thải chảy tràn ra suối Mao.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản, yêu cầu phía công ty nhanh chóng khắc phục ô nhiễm, xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo quy định, không được xả tràn nước thải bẩn ra môi trường. Phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường...

Xử phạt nhưng vẫn chây ỳ

Thực tế, trong biên bản của đoàn kiểm tra mới chỉ dừng lại ở vấn đề nước thải, còn một thực trạng khác cũng đã và đang diễn ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân chưa được quan tâm. Ngày 23-7-2019, phóng viên Báo Bình Phước cùng một số người dân sinh sống gần trại heo đi quanh khu trại chăn nuôi, điều khiến chúng tôi “hãi hùng” là xác heo vứt ngổn ngang ở khu đất trống cách trại chỉ hơn 100m. Hàng chục xác heo cũ, mới đang phân hủy nằm ngổn ngang, ruồi, nhặng đậu đen đặc, mùi hôi thối nồng nặc. Theo quan sát, hố chôn xác heo rất sơ sài, chỉ sâu khoảng vài gang tay, không có rào chắn hay biện pháp xử lý, lại ở cạnh suối, mỗi khi trời mưa to, không tránh khỏi những xác heo này sẽ trôi theo dòng suối, chảy qua khu dân cư, nơi sinh sống của hơn 40 hộ người Chăm.

Anh Sa Ti Kin ở tổ 6, ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) chỉ hố vứt xác heo gây ô nhiễm môi trường

 “Công ty không xử lý heo chết mà vứt ở đây nhiều năm rồi; ruồi nhặng rất nhiều, mưa xuống lại trôi tràn ra suối. Có hôm thấy xác heo, chúng tôi phải vớt lên đem chôn để tránh ô nhiễm. Chỉ vì lợi nhuận mà trại nuôi heo đã không có ý thức bảo vệ môi trường và đời sống người dân xung quanh”- anh Sa Ti Kin ở tổ 6, ấp Tân Phú bức xúc.

Ông Phan Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thuận Phú cho biết: Công ty cổ phần Phú Vinh hoạt động khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải. Trước đây, các đoàn kiểm tra liên ngành đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi gây ô nhiễm và yêu cầu đơn vị quản lý trại heo có hướng xử lý chất thải phù hợp. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa có hướng xử lý tích cực nào.

Trước tình trạng trại heo gây ô nhiễm đã bị xử phạt nhưng không khắc phục mà tiếp tục tái phạm, phải chăng do thiếu sự kiên quyết của chính quyền và ngành chức năng trong khâu xử lý vi phạm đã dẫn đến chây ỳ? Người dân sinh sống gần trại heo rất mong các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nêu trên.

Sẽ đình chỉ cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm

Ông Võ Văn Dinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Hiện hầu hết trại chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đều là hình thức cho các tập đoàn CP, CJ, Emivest... thuê trại để chăn nuôi nên xảy ra một số khó khăn trong vận hành các công trình xử lý nước thải, chất thải. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình rồi cho thuê, còn đơn vị thuê trại chỉ tập trung chăn nuôi nên chưa có sự phối hợp trong công tác vận hành, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải.

 “Theo quy định, những cơ sở chăn nuôi bị xử phạt xong nhưng không khắc phục mà tiếp tục gây ô nhiễm thì sẽ đình chỉ hoạt động. Tại Điều 2, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13-5-2019 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường thì cơ sở có hành vi vi phạm nội quy về bảo vệ môi trường, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung thì sẽ đình chỉ hoạt động nếu không khắc phục được vấn đề về môi trường” - ông Dinh cho biết thêm.

Từ việc tổ chức kiểm tra, giám sát của ngành chức năng trong thời gian qua, có thể thấy các vụ việc gây ô nhiễm môi trường từ các trại nuôi heo không có chiều hướng giảm. Cụ thể, trong năm 2018, chỉ tính riêng Sở Tài nguyên - Môi trường đã xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường 7 trang trại nuôi heo, quy mô từ 2.400-6.000 con, với số tiền phạt 665 triệu đồng. Vậy “vì sao tình trạng trang trại nuôi heo gây ô nhiễm không giảm và làm gì để giải quyết dứt điểm bài toán khó này?” đang rất cần các cấp và ngành chức năng có câu trả lời cụ thể.

Bảo Đăng

  • Từ khóa
94597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu