Thứ 6, 19/04/2024 18:10:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:27, 02/10/2015 GMT+7

“Nóng” chuyện mỏ vàng ở xã Phú Riềng

Thứ 6, 02/10/2015 | 08:27:00 1,982 lượt xem

BP - Hơn 2 tháng qua, người dân xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng nhốn nháo với thông tin trong thôn Phú Hòa, xã Phú Riềng có mỏ vàng. Thực tế đã có một nhóm hơn 10 người là những phu vàng chuyên nghiệp từ miền Bắc vào dựng lán, đặt máy xúc, máy nghiền, máy đãi vàng trong các vườn điều ở Phú Hòa để khai thác vàng sa khoáng. Hàng loạt câu hỏi nghi vấn của người dân xung quanh việc xã Phú Riềng có mỏ vàng hay không đang chờ các cơ quan chức năng trả lời.

ĐƯỜNG VÀO MỎ VÀNG

Từ UBND xã Phú Riềng đi vào xã Phú Trung hơn 12km rồi rẽ phải, tiếp tục men theo lối mòn bên những sườn đồi trơn trượt dưới tán điều chừng 2km là nghe khối âm thanh hỗn độn của tiếng động cơ máy móc đang đào xới dưới lòng đất. Từ xa đã nghe tiếng máy móc đào, xúc vang lên ầm ầm cả khu vực. Đó là khu khai thác vàng được hình thành cách đây chừng vài tháng. Khu vực khai thác vàng nằm trên một ngọn đồi khá cao thuộc thôn Phú Hòa, tiếp giáp với xã Phú Trung, huyện Phú Riềng và xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú. Một rãnh nước sền sệt màu vàng óng chảy quanh đồi rồi đổ thẳng xuống suối.

Cửa vào hầm đào vàng sâu khoảng 30m tại vườn điều của anh Vũ Văn Lập (ảnh lớn). Đất đá được lấy ở độ sâu 30m tại “mỏ vàng” Phú Hòa (ảnh nhỏ)

Dừng xe trên ngọn đồi, chúng tôi tìm đến lán trại nằm lưng chừng đồi điều rộng chừng 1.000m2. Bên trong khuôn viên trại có khoảng chục thanh niên lực lưỡng đang nằm nghỉ trưa trên những chiếc võng dành cho người đi rừng chuyên nghiệp. Hai người đang chuẩn bị bữa ăn trưa. Mặc dù ở giữa không gian tĩnh mịch cách xa khu dân cư nhưng thịt, cá, bầu bí phục vụ cho bữa ăn khá thịnh soạn. Những lớp đất đá bề mặt được đào lên đắp thành các ô vuông để chứa nước phục vụ sinh hoạt, tắm giặt và nấu ăn. Cách bể nước tự chế chừng 10m là hệ thống máy nghiền, máy đãi vàng thủ công đang nổ chan chát. Mọi tiếng nổ của động cơ bỗng tắt ngấm, không gian núi rừng trở nên yên ắng khi chúng tôi đột ngột xuất hiện bên trong lán trại.

“VÀNG MẮT” TÌM VÀNG

Chúng tôi có mặt trước hầm vàng trong vai người đi mua vàng sa khoáng. Tiếp chúng tôi là anh Vũ Văn Lập, em trai của ông Vũ Văn Chiến, trú thôn Phú Lợi, xã Phú Riềng. Anh Lập cho biết: “Cách đây 4 tháng có người ở Thái Nguyên vào thuê đất để thăm dò mỏ vàng trong khu vực rẫy của gia đình. Họ khẳng định ở đây có mỏ vàng nên hợp đồng miệng để khai thác và ăn chia theo tỷ lệ 50-50. Sau khi khoan thăm dò vài tháng mới bắt đầu đi vào khai thác. Chính xác thời gian khai thác là hơn một tháng trước. Sau một tháng khai thác, chủ vàng bảo lượng vàng còn non và trữ lượng khai thác quá thấp nên phải hạ chỉ tiêu ăn chia”.

Toàn cảnh lán trại mỏ vàng tại vườn điều của gia đình anh Vũ Văn Lập ở thôn Phú Hòa

Không tin người làm ăn chung nên gia đình anh Lập sang lại toàn bộ lán trại, máy móc cũng như thiết bị đào đãi vàng để làm tiếp. Toàn bộ nhân công khai thác vàng trước đó được thay thế bằng nguồn lao động mới huy động từ người nhà ở tỉnh Thái Nguyên. Việc “đổi ngôi” làm chủ mỏ vàng diễn ra trong yên lặng và chính quyền địa phương không ai hay biết. Anh Lập khẳng định: “Đất của nhà mình, rẫy nhà mình, vừa khoan, đào tìm vàng vừa làm rẫy vẫn không sợ lỗ”. Với niềm hy vọng khá chắc chắn nên người đàn ông này không ngần ngại nói: “Nếu thực sự có mỏ vàng thì gia đình tôi đổi đời. Khi ấy 1 ha đất có thể bán được giá cao gấp 2, 3 lần bình thường. Bán ở đây ra gần đường lộ để mua rẫy khác làm cho gần hơn”. Khu vực đào đãi vàng do anh Lập quản lý có tổng diện tích 12,7 ha do bà Trần Thị Bường (mẹ anh Lập) đứng tên chủ sở hữu.

Máy đãi vàng được đặt bên trong lán trại tại vườn điều của gia đình anh Vũ Văn Lập

Một phu vàng tên Tám, khoảng 40 tuổi, là người làm công cho biết: “Chúng tôi là anh em bà con nhà anh Lập ở tỉnh Thái Nguyên. Bản thân từng là dân cửu vạn ở các bãi đào vàng Quảng Nam, Cao Bằng và cả Thái Nguyên. Với mức lương được trả 4,5 triệu đồng/ tháng, chúng tôi thay phiên nhau đào, xách, nghiền và đãi đất, đá kiếm vàng. Người trong nghề chắc anh thừa biết dân làm vàng vất vả đến mức nào. Hầm mỗi ngày một sâu, thiếu không khí, thiếu ánh sáng nhưng chúng tôi phải cố gắng hết sức. Đã 10 ngày tìm kiếm cửa mỏ vàng nhưng chưa thấy động tĩnh gì. Không ít lần anh em chúng tôi phải làm không công cho chủ vàng cả 4-5 tháng trời bởi đào “vàng cả mắt” vẫn không thấy vàng. Khi nào có vàng chúng tôi sẽ liên lạc với anh sau. Hy vọng chúng tôi sẽ tìm được cửa mỏ vàng trong khu vực hầm mỏ này”.

VÀNG ƠI LỘ RA!

Toàn bộ khu lán trại nằm trên diện tích 300m2, có 2 hầm khai thác, 3 máy Đ8 (là máy móc phục vụ cho việc đào, nghiền, đãi vàng) và các vật dụng phục vụ công việc đào vàng; một căn hầm lò có độ sâu khoảng 30m, một hầm đào ngang vào lòng đất khoảng 10m. Tất cả được dựng bạt, che chắn cẩn thận để phòng tránh nắng, mưa và hơn hết là đối phó với nguy cơ sụp, lở miệng hầm bất cứ lúc nào trong mùa mưa này.

“Nếu thực sự xã Phú Riềng có mỏ vàng thì hay biết mấy. Người dân chắc chắn sẽ nâng cao thu nhập nhờ nguồn tài nguyên này. Tuy nhiên, nỗi lo của xã hiện nay là đang mùa mưa, vàng đâu không thấy nhưng nguy cơ sập hầm lò là nhãn tiền. Nếu được, các cơ quan chức năng cần tiến hành khoan thăm dò hoặc có giải pháp hướng dẫn người dân làm thủ tục theo quy định để khẳng định thực hư chuyện Phú Riềng có mỏ vàng hay không?”.

Phó chủ tịch UBND xã Phú Riềng Nguyễn Đức Đại

Chưa khẳng định được có mỏ vàng ở thôn Phú Hòa hay không, nhưng việc người dân đánh đổi công việc, sức khỏe để tìm vàng đang hiện hữu trước mắt. Công việc khắc nghiệt, môi trường sống ẩm ướt, muỗi rừng, vắt, thiếu nước sạch sử dụng đang đeo bám những lao động nơi đây. Người đàn ông tên Tám cho biết thêm: “Chúng tôi có 10 công nhân, nhưng hiện chỉ có 9 người làm, 1 người không hợp thời tiết, bị sốt đang phải điều trị tại bệnh viện”. Để có nước sinh hoạt, những phu vàng phải bơm từ một hồ nước tự nhiên lên chứa trong hố được che chắn bằng những tấm bạt. Ngoài nước sinh hoạt, việc ngủ dưới những tấm bạt trong rừng là chấp nhận đối mặt với căn bệnh sốt rét và những nguy hiểm khác. Bình Phước đang là mùa mưa. Phu vàng làm việc chủ yếu từ 16 giờ chiều đến sáng hôm sau. Liệu những chủ mỏ vàng có bảo đảm được độ an toàn cho những phu vàng hay không vẫn đang là câu hỏi lớn.

Ông Nguyễn Đức Đại, Phó chủ tịch UBND xã Phú Riềng cho biết: Ngày 1-9, UBND xã đã thành lập đoàn kiểm tra hiện trạng khu vực người dân đào vàng. Qua đó, xã lập biên bản và đề nghị gia đình ông Vũ Văn Chiến tạm ngưng mọi công việc. Tiếp đó, ngày 22-9, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Riềng và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đến làm việc và yêu cầu ông Chiến chấm dứt việc đào vàng ngay tại khu vực vườn điều của gia đình. Thế nhưng, hiện việc đào, đãi vàng vẫn tiếp tục tái diễn. Cách rẫy nhà anh Lập chừng 500m theo đường chim bay còn có một nhóm người cũng đang khai thác vàng ở rẫy khác. Mọi hoạt động trong khu vực này đều được rào chắn không một ai có thể thâm nhập vào bên trong nếu không có sự đồng ý của ông chủ. Được biết, đây là khu vườn có diện tích chừng 2 ha được gia đình ông Chiến mua lại với giá 1,9 tỷ đồng.

Dòng nước đãi vàng từ trên đồi xả thẳng ra suối

Theo thông tin của Phòng Tài nguyên khoáng sản thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, các dạng khoáng sản như vàng, bạc, đá quý, chì, kẽm, nhôm, thiếc là nguồn tài nguyên quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường trực tiếp quản lý. Việc thăm dò, khảo sát cũng như đánh giá trữ lượng do bộ thực hiện. Còn thực hư chuyện xã Phú Riềng có mỏ vàng hay không thì Phòng Tài nguyên khoáng sản đang kết hợp với Thanh tra sở để điều tra, xác minh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề tài này sau khi có kết quả trả lời từ Sở Tài nguyên và Môi trường.

Nhóm Phóng viên Báo điện tử

  • Từ khóa
92732

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu