Thứ 6, 19/04/2024 17:42:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:06, 24/11/2018 GMT+7

Ngành dân số Bình Phước chuyển mình theo Nghị quyết số 21-NQ/TW - Bài 1

Thứ 7, 24/11/2018 | 08:06:00 1,825 lượt xem
BP - Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới” (Nghị quyết số 21-NQ/TW) với định hướng chuyển công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) sang dân số và phát triển, chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số. Tuy nhiên, công tác dân số ở Bình Phước đang đối mặt với nhiều thách thức, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để đạt các mục tiêu Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 đề ra.

NHỮNG THÁCH THỨC TRONG CÔNG TÁC DÂN SỐ Ở BÌNH PHƯỚC

Bình Phước đang trong giai đoạn dân số trẻ, hằng năm số người đến độ tuổi sinh đẻ ngày càng gia tăng. Do đó nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới là cần phải nắm bắt và kiểm soát tốt số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phân loại nhóm đối tượng để tư vấn, vận động. Mặt khác, đến tháng 7-2018, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh đã tăng lên 112,4 bé trai/100 bé gái. Đây là vấn đề cần chú trọng rà soát, khống chế; đồng thời xử lý đơn vị y tế có dấu hiệu vi phạm trong việc siêu âm, chẩn đoán và sàng lọc giới tính trước sinh.

khó cấm Lựa chọn giới tính thai nhi

Sau nhiều năm cố gắng phát triển kinh tế, khi ổn định để sinh thêm con thì chị L.T.T ở thị xã Phước Long được bác sĩ thông báo vợ chồng chị bị vô sinh thứ phát. Quá trình chạy chữa để có con, được gặp gỡ nhiều cặp vợ chồng cùng cảnh, chị T bàn với chồng: “Đằng nào cũng tốn tiền, một lần sinh một lần khó, thôi thì bỏ tiền ra kiếm thằng cu luôn”. Nghe vợ rỉ tai có lý, cùng với áp lực gia đình có con trai nối dõi nên chồng chị T đồng ý. Sau 1 năm đi về giữa Việt Nam và Thái Lan, vợ chồng chị T giờ đây đã mãn nguyện. Bế thằng cu trên tay, chị T khoe: “Giờ y học phát triển, có tiền là người ta làm hết à, trai hay gái như ý muốn. Muốn sinh con theo mong cầu cứ ra nước ngoài là “ok”. Luật ở Việt Nam cấm lựa chọn giới tính nên dân mình ra nước ngoài làm”.

Truyền thông về sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Lộc Ninh

Y học phát triển chỉ là một nguyên nhân khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng nhiều, tinh vi dưới nhiều hình thức như siêu âm, soi trứng, kiểm tra sức khỏe sinh sản... Và thực tế, nếu muốn biết giới tính thai nhi sớm thì chỉ cần chi 70 ngàn đồng ra phòng khám sản tư nhân sẽ được như ý. Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cho biết: Những năm gần đây, mất cân bằng giới tính khi sinh trên cả nước đang là vấn đề nóng, diễn biến phức tạp, hầu hết các giải pháp nêu ra để giải quyết tình trạng này đến nay vẫn chưa khả thi. Tại Bình Phước, trước năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh vẫn trong giới hạn là 112 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, đến tháng 7-2018, tỷ số này đã gia tăng lên 112,4 bé trai/100 bé gái. Điều này cho thấy, Bình Phước đang đứng trước tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Nếu không được quan tâm, có giải pháp thích hợp thì trong tương lai sẽ là gánh nặng, một vấn đề xã hội lớn không dễ gì giải quyết.

Tổ chức bộ máy chưa thống nhất

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ các cấp tuy được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn còn nhiều bất cập; đội ngũ cộng tác viên dân số thay đổi thường xuyên gây nhiều khó khăn trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chi cục DS-KHHGĐ Bình Phước từ khi thành lập đến nay thực hiện đúng theo Thông tư số 5 của Bộ Y tế, hiện hoạt động bình thường, không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên từ năm 2010, tất cả trung tâm dân số (cấp huyện) đều chuyển về UBND huyện, thị trực tiếp quản lý, điều hành về mặt tổ chức và nhân sự, chi cục chỉ phụ trách chuyên môn. Tuy nhiên, đến nay các trung tâm DS-KHHGĐ đã sáp nhập vào trung tâm y tế huyện, thị. Về tổ chức bộ máy tuyến xã, phường, thị trấn sau khi có quyết định giao chỉ tiêu biên chế thì hầu hết lực lượng cán bộ chuyên trách dân số xã, phường, thị trấn được tuyển dụng. Hiện cán bộ dân số xã, một số được bố trí làm việc tại UBND xã, một số làm việc tại trạm y tế xã, một số nơi cùng tồn tại song song vừa làm việc tại UBND vừa làm việc tại trạm y tế xã. Hiện toàn tỉnh có 1.658 cộng tác viên đang tham gia công tác DS-KHHGĐ tại thôn, ấp, sóc. Mức thù lao cho cộng tác viên hiện hưởng là 150 ngàn đồng/người/tháng, quá thấp nên đội ngũ thay đổi thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn đến việc cập nhật thông tin biến động và tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ. Chị Lê Thị Mai Thảo, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cho biết: Mấy năm nay, đội ngũ cộng tác viên dân số của xã thay đổi liên tục nên hiệu quả công việc không đạt. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ về rất chậm, thường vào cuối năm mới được nhận phụ cấp nên cộng tác viên không nhiệt tình với công việc. Việc thay đổi bộ máy cũng làm một số cộng tác viên hoang mang vì cho rằng sẽ xóa bỏ hệ thống “chân rết” này. Để nâng cao năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ dân số các cấp, hằng năm Chi cục DS-KHHGĐ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ dân số cấp xã và đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, ấp nhưng chất lượng công việc vẫn chưa có chuyển biến tích cực.  

Cộng tác viên dân số Thị Cách, thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) đến nhà dân vận động kế hoạch hóa gia đình

P.Dung

  • Từ khóa
1476

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu