Thứ 7, 20/04/2024 16:29:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 16:42, 04/10/2013 GMT+7

“Mặt trời trong lòng núi” và những hạt sạn

Thứ 6, 04/10/2013 | 16:42:00 799 lượt xem

LTS: Truyện ký “Mặt trời trong lòng núi” của tác giả Nguyễn Xuân Châu, do nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh phát hành tháng 10-2011, viết về đội vũ trang tuyên truyền (VTTT) núi Bà Rá - Phước Long (không phải là đội biệt động - như tác giả đã viết). Đội VTTT núi Bà Rá đã ghi vào truyền thống đấu tranh chống Mỹ của quân và dân Phước Long những trang sử vô giá. Tiếc rằng những sự kiện oai hùng được làm nên bởi những con người dũng cảm, kiên cường trong đội VTTT và những quần chúng một lòng theo cách mạng ở Phước Long đã được tác giả khắc họa một cách mờ nhạt, thậm chí thiếu cả tên người, tên đất và các sự kiện. Đây chính là những hạt sạn, đám rong rêu bám trên vách núi, làm cản trở dòng chảy của con suối Dung dưới chân núi Bà Rá. Bài viết dưới đây của một người trong cuộc không nhằm ngoài mục đích giúp người viết loại bỏ hạt sạn và đám rong rêu ấy. 


VÙNG PHƯỚC LONG CÓ BAO NHIÊU ĐỘI VTTT?

Theo 2 cuốn lịch sử của Phước Long đã ghi tỉnh Phước Long được thành lập tháng 6-1960, sau đó các K (huyện) lần lượt ra đời. Mỗi K xây dựng đội VTTT (thường gọi là đội mũi công tác). Đội VTTT có chức năng thâm nhập vào nhân dân trong vùng địch chiếm để tuyên truyền vận động nhân dân giác ngộ và xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể, nắm tình hình địch, kêu gọi thanh niên nhập ngũ tham gia cách mạng, tổ chức cho nhân dân nổi dậy diệt ác, phá kìm bung ra sản xuất, trở về vùng giải phóng... Khi cần thiết, đội VTTT còn chiến đấu với địch để bảo vệ nhân dân, tiêu hao sinh lực địch và bảo tồn lực lượng. Vì tính chất quan trọng, nên người được giao giữ chức vụ đội trưởng ít nhất là ủy viên ban thường vụ, hoặc cấp ủy viên cấp K. Do vậy, nhiệm vụ và phương thức hoạt động của đội VTTT rộng và sâu hơn “đội biệt động” (mà vùng Phước Long không có “đội biệt động”. Nhưng từ lâu mọi người quen gọi là “Đội biệt động núi Bà Rá”).


Đền tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng núi Bà Rá đã hy sinh trong công cuộc giữ nước, giành độc lập tự do - Ảnh: B.L

Đội VTTT Thuận Lợi (nay thuộc xã Thuận Phú, Đồng Phú) ra đời đầu tiên (1961) và trực thuộc tỉnh Phước Long. Sau khi đồng chí Chín Hằng hy sinh, đồng chí Trịnh Trung Thu (Hai Thu) làm đội trưởng. Đội VTTT vùng dân tộc (nay là Bù Gia Mập, Bù Đăng) do đồng chí Ba Phú (Phó bí thư tỉnh ủy Phước Long) phụ trách. Các đội đã phát động tốt phong trào thanh niên nhập ngũ đông đảo để bổ sung quân số cho các đơn vị vũ trang. Sau chiến thắng Phước Long - Đồng Xoài (tháng 7-1965), đội VTTT núi Bà Rá ra đời (còn gọi là đội N) do đồng chí Nguyễn Tấn Lực, Bí thư K 11 chỉ đạo chung, đồng chí Phạm Văn Quý là đội trưởng, sau đó là đồng chí Huỳnh Thị Minh Tuyết và sau cùng là đồng chí Nguyễn Văn Thỏa (cho đến năm 1975). Địa hình núi Bà Rá phức tạp, hiểm trở, là chiến trường rất ác liệt, nên đội VTTT núi Bà Rá lập ra 2 mũi công tác do 2 đồng chí K ủy viên phụ trách.

 Giai đoạn 1968-1975, vùng Phước Long vô cùng khó khăn, ác liệt, địch càn quét, đánh bom sâu vào vùng căn cứ, gom dân vào ấp chiến lược. Chủ trương của Tỉnh ủy Phước Long là tách lập mới các K để chia nhỏ lực lượng nhằm bám trụ đánh địch, mỗi K lập một đội VTTT. Rút kinh nghiệm từ đội VTTT núi Bà Rá, các đội VTTT tiếp tục ra đời. Đội Phước Bình (nay là phường Phước Bình, TX. Phước Long) do đồng chí Ba Cấp làm đội trưởng. Đội đường số 2 (Bù Nho) do đồng chí Văn Tấn Sắc làm đội trưởng. Đội Phước Quả (nay là xã Phước Tín, TX. Phước Long) do đồng chí Khúc Chí Thành làm đội trưởng. Đội Nhơn Hòa, An Lương (nay là xã Long Giang, TX. Phước Long) do đồng chí Nguyễn Ngọc Siêng làm đội trưởng. Đội C2 Hòa Đồng (nay là huyện Bù Đăng) do đồng chí Lê Quang Giang (Năm Giang) làm đội trưởng. Đội C1 Đắk Son (nay là xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập) do đồng chí Sáu Non làm đội trưởng, nhưng sau đó hy sinh và đồng chí Phạm Văn Lòng (Mười Lòng) được giao làm đội trưởng. 

Như vậy tính từ năm 1961 đến 1975, vùng Phước Long có 9 đội VTTT (và có thể nhiều hơn 8, mà người viết bài này chưa biết hết), nhưng đội VTTT núi Bà Rá thành tích nổi bật hơn, do hoạt động ở địa hình hiểm trở, trên đỉnh núi địch đóng quân và trạm truyền tin, có sân bay trực thăng. Dưới chân núi địch luôn tuần tra vây bắt, kiểm soát dân rất chặt. Anh em của đội đứng trong hang núi có thể nhìn thấy địch, nên rất ác liệt nhưng lại lập nhiều thành tích. Anh chị em hy sinh rất nhiều, nhưng đội vẫn bám trụ cho đến năm 1975. Thành tích ấy là sự chỉ đạo sâu sát của K ủy K 11 (nay là TX. Phước Long), là sự kiên cường của toàn đội VTTT núi Bà Rá, trong đó có các đồng chí: Nguyễn Tấn Lực, Phạm Văn Quý, Huỳnh Thị Minh Tuyết, Nguyễn Văn Thỏa. Vì thực tế có đội phải giải thể trước năm 1975, bởi anh em hy sinh gần hết và vì những nguyên nhân khác.


XIN TRÌNH CÁC VỊ “TIỀN BỐI”

Cuốn “Mặt trời trong lòng núi” đã ghi lại giai đoạn lịch sử oai hùng của đội VTTT núi Bà Rá, với những chiến sĩ vô cùng kiên trung bám trụ vùng ven tỉnh lỵ Phước Long. Dù đồn bót địch dày đặc, có lúc bị đói rét vì dân không thể ra tiếp tế được, nhưng các chiến sĩ đội VTTT núi Bà Rá vẫn bám trụ. Đọc cuốn sách ai cũng nghèn nghẹn... ứa lệ... vì cuốn sách đã góp phần quý giá vào kho tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, của nhà truyền thống thị xã Phước Long.

Những ai từng hoạt động kháng chiến ở Phước Long đều rất quý những cuốn sách như thế. Nhưng tiếc rằng đọc từ đầu đến hết trang cuối (trang 126) người đọc, nhất là những người trong cuộc và người dân trong vùng sống vào thời gian ấy cảm thấy bị hụt hẫng. Vì tác giả của cuốn “Mặt trời trong lòng núi” chưa nói hết tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và ý chí vượt mọi khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh của đội VTTT núi Bà Rá, cũng như tấm lòng của nhân dân đã từng ủng hộ cách mạng, mà lại đi quá sâu vào những “chuyện” nhàn nhạt. Hơn nữa, cách trình bày của tác giả làm cho người đọc dễ lầm tưởng vùng Phước Long duy nhất chỉ có 1 đội VTTT núi Bà Rá. Nếu như tác giả dành vài dòng nhắc đến các đội khác thì nội dung sách sẽ sinh động hơn, chân thật hơn và giá trị cuốn sách sẽ cao hơn. Vì trong chiến tranh, sự phối hợp giữa các đội VTTT là cốt lõi để hoạt động. Những hạt sạn trong cuốn “Mặt trời trong lòng núi” làm giảm giá trị lịch sử của cuốn sách mang tính giáo dục truyền thống cao. Nguyên nhân dẫn đến những hạt sạn không đáng có này là do tác giả thiếu kiến thức thực tế, ít tìm hiểu ở những nhân chứng. Và trong bài viết này, với tư cách là người trong cuộc, tôi chỉ xin góp ý với tác giả về vấn đề tính lịch sử, tính nhân dân của tác phẩm, chứ không đề cập đến nghệ thuật của truyện ký.

Tác giả nêu tên, chức vụ của các nhân chứng lịch sử sai: Cố Bí thư Huyện ủy Phước Long Nguyễn Đình Kính, từng làm Trưởng ban Binh vận của tỉnh Phước Long, sách viết trưởng ban Binh viện là sai. Cố Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Võ Đình Tuyến (là thân phụ của đồng chí Võ Đình Tuyến - hiện là Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Phước) chức vụ là Bí thư Huyện ủy Bù Đăng, nhưng sách chỉ ghi Chủ tịch UBND huyện Phước Long là chưa đủ. Đồng chí Nguyễn Minh Phụng, nguyên Phó bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phước Long, nhưng sách ghi là Nguyễn Văn Phụng, Bí thư Huyện ủy Phước Long là sai. Đồng chí Phan Bình Minh, nguyên Chủ tịch UBND huyện Phước Long và Bí thư Huyện ủy Bù Đăng nhưng sách chỉ ghi Chủ tịch UBND huyện Phước Long là chưa đủ - trang 8.

Sau năm 1975, đồng chí Nguyễn Văn Thỏa từng là Huyện ủy viên, Bí thư xã, Bí thư Huyện đoàn Phước Long, sau đó đồng chí chuyển công tác về tỉnh Sông Bé, trong khi sách ghi đồng chí từng giữ chức Ủy viên Thường vụ huyện ủy Phước Long là sai - trang 117. Đồng chí Nguyễn Tấn Lực (thường gọi là Tám Lực), nhưng từ trang 14 đến hết cuốn sách tác giả vẫn ghi là Chín Lực là sai. Đồng chí Phạm Văn Khiêng (liệt sĩ), nhưng sách ghi là Khiêm - trang 76. Đồng chí Nguyễn Thị Phương (Tư Phương - vợ đồng chí Bảy Thỏa), quê ở Quảng Ngãi, sách ghi quê Quảng Nam là sai - trang 61. Đồng chí Nguyễn Tấn Lực (anh ruột đồng chí Nguyễn Văn Phấn - nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Phước Long) ở Tiểu đoàn 168 nghe tin vợ là Nguyễn Thị Liên hy sinh dưới chân núi Bà Rá, liền ra trận địa để ôm thi thể vợ về chôn cất, nhưng chưa chạm tay được vào thi thể vợ thì đồng chí Lực đã hy sinh. Vậy mà sách ghi là đồng chí Thời chồng của chị Liên là sai - trang 91. Liệt sĩ Nguyễn Tấn Lực - Nguyễn Thị Liên đã được ghi vào bia đá trong nhà tưởng niệm trên đồi Bằng Lăng, núi Bà Rá.

Phụ nữ người dân tộc Xêtiêng luôn mang họ Thị, vậy nhưng sách viết về chị Thị Hin lại ghi Điểu Hin - trang 72 và ở trang 107 tác giả viết Điểu Gắt (đúng ra là Thị Gắt). Tên đại tá ngụy quyền Lưu Yểm, Tỉnh trưởng Phước Long cũ, sách ghi tên là Lực Yểu - trang 89. Phước Long có dinh điền ở Thuận Kiệm (nay thuộc xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập), nhưng sách ghi là Thuận Kiều - trang 52. Dinh điền Hiếu Phong (nay thuộc xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập), nhưng sách ghi là Hiểu Phong - trang 90... Và còn nhiều sự kiện mà tác giả viết chưa chính xác về tính lịch sử, tính giáo dục truyền thống không sâu, nhưng bài viết này chưa thể nêu hết được. Xin kính trình các vị tiền bối nhìn nhận những vấn đề sách đã viết.              

(Còn nữa)

Cỏ May

  • Từ khóa
90627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu