Thứ 6, 19/04/2024 00:07:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:09, 12/05/2017 GMT+7

Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy khó lường - Bài 1

Thứ 6, 12/05/2017 | 07:09:00 326 lượt xem

BP - Năm 2016, tỷ số giới tính khi sinh của tỉnh Bình Phước là 112 nam/100 nữ. Mặc dù thời gian qua, ngành dân số đã triển khai một số biện pháp kiểm soát song vẫn chưa đem lại hiệu quả thiết thực. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng vẫn xoay quanh những lý do chính, đó là: tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; chế độ an sinh xã hội chưa bảo đảm và sự lạm dụng khoa học trong việc can thiệp, loại bỏ giới tính thai nhi.

MUỐN CÓ CON TRAI ĐỂ “NỐI DÕI TÔNG ĐƯỜNG”

Một nguyên nhân cơ bản dẫn đến lựa chọn giới tính thai nhi là tâm lý ưa thích con trai. Trong mô hình gia đình truyền thống, từ xưa đến nay luôn quan niệm phải có con trai để “nối dõi tông đường”, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Quan niệm đó hiện vẫn tồn tại trong suy nghĩ của không ít người trong xã hội hiện đại. Họ cho rằng có con trai mới được xem là “có con”, bởi “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; không có con trai coi như tuyệt tự.

Sao bắt được mà cấm?

Mặc dù Bộ Y tế cấm các cơ sở y tế công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhưng hiện nay lệnh cấm này dường như không có tác dụng. Chị V.T.T ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) cho biết: Tôi mang thai được 12 tuần, đi khám bác sĩ nói “giống bố” nhưng chưa rõ. Đến lúc thai 16 tuần, bác sĩ khẳng định lại lần nữa là “tương lai được làm bà nội”, thế là rõ ràng con trai chứ gì? Chưa kể, có phòng khám còn bảo nhìn vào màn hình và nói “đấy nhé, rõ rồi nhé”. Như thế thì cấm sao được, mà cấm thì ai tới phòng khám đó nữa?

Trẻ sơ sinh chờ khám, chữa bệnh tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh - Ảnh: S.H

Tiếp xúc với các sản phụ tại Khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh, khi chúng tôi hỏi: “Chị có ngạc nhiên khi sinh con trai/gái hay không?”. Sản phụ và người nhà đều nói đã biết giới tính khi con còn trong bụng mẹ. Hầu hết sản phụ trong thời gian mang thai đều đi siêu âm để biết giới tính con là trai hay gái và coi đó là “chuyện nhỏ”. Họ nói nếu cơ sở y tế nhà nước không công bố thì ra phòng khám tư nhân, “cứ 80.000 đồng và đúng thời điểm thì siêu âm đúng với xác suất rất cao”.

Bác sĩ Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: Từ trước đến nay, cả nước nói chung và tỉnh Bình Phước nói riêng, mỗi năm vẫn tổ chức thanh - kiểm tra nhưng chưa bắt và xử phạt được trường hợp nào liên quan đến việc siêu âm lựa chọn và công bố giới tính thai nhi. Bởi những hành vi này luôn diễn ra trong phòng kín chỉ có ít người biết và họ giao tiếp với nhau bằng hành vi, ngôn từ kín đáo mà cán bộ thanh tra không thể xâm nhập hay bắt bẻ. Hơn nữa, trong phiếu kết quả siêu âm chẩn đoán không thể hiện điều này, mà người muốn biết giới tính thai nhi thì không ai đi “tố cáo” bác sĩ. Vì vậy, dù đã cấm nhưng thực tế khó có thể bắt được để xử phạt, răn đe.

Con trai là “bảo hiểm tuổi già”

Sinh con thứ 3 nên lần này chị T.T.H ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) đã chuẩn bị kỹ để “quyết tâm có thằng cu”. Chị H nói những năm trước, do chị sinh 2 con gái nên chồng luôn buồn rầu cứ “rượu vào lời ra” rất khó chịu. Vì vậy, vợ chồng chị đã lên kế hoạch cho lần sinh này và thỏa ước nguyện. Chị H cho biết: “Vợ chồng tôi lúc trước kinh tế khó khăn nên không muốn sinh thêm con vì sợ không nuôi nổi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng không ổn. 2 đứa con gái lớn lên rồi đi lấy chồng, khi chúng tôi già sẽ không có chỗ nương tựa. Cho dù con gái có hiếu thì cũng hiếm khi cha mẹ vợ sống chung với con rể. Chưa kể khi chết không có ai thờ cúng, có khi đến họ cũng mất vì con gái lấy chồng sinh con đều phải mang họ nhà người ta”. Áp lực con trai là “bảo hiểm tuổi già” và duy trì nòi giống của vợ chồng chị H ngày càng cao khi cả gia đình 2 bên đều thúc giục “phải sinh con trai”. Chị H cho rằng may mắn lần này sinh được con trai nên chị coi như hoàn thành nghĩa vụ chứ không cũng phải sinh tiếp.

Nhân viên Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm hỏi sản phụ sau sinh

Một tỉnh được xem là cân bằng giới tính khi sinh khi tỷ số giới tính đạt 103-107 nam/100 nữ. Theo thống kê của ngành dân số tỉnh, bình quân năm 2006, tỷ lệ mới có 106 nam/100 nữ, nhưng năm 2009 đã là 111 nam/100 nữ, năm 2014 tăng lên 112 nam/100 nữ và năm 2015 là 111 nam/100 nữ. Vì vậy, Bình Phước đang đối mặt với vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh.

Bác sĩ Đặng Văn Luận, Trưởng Khoa sản Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Cách lựa chọn giới tính thai nhi phổ biến nhất hiện nay vẫn là siêu âm tính ngày rụng trứng. Tuy nhiên, xác suất như ý muốn chỉ khoảng 60-70% và tùy thuộc tay nghề của từng bác sĩ. Do Việt Nam chưa cho phép lựa chọn giới tính thai nhi nên cách này đang được các phòng khám tư nhân thực hiện “lậu” cho khách hàng nên rất khó phát hiện để xử phạt. Còn trên thế giới để có được con trai/gái theo mong muốn, người ta sử dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo hoặc công nghệ gen rất chuẩn xác. Qua thống kê tại Khoa Sản, năm 2016 có 3.717 sản phụ sinh con thì 1.756 là gái; 4 tháng đầu năm 2017 có 1.299 trường hợp sinh con tại đây thì có 615 là gái. Con số này phần nào cho thấy có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh. 20 năm công tác sản khoa, bác sĩ Luận cho rằng tuy chỉ làm chuyên môn, kỹ thuật nhưng bản thân hay lấy niềm vui của bệnh nhân làm niềm vui của mình. Có nhiều người đến Khoa Sản rất vui mừng vì sinh con theo ý nguyện, nhất là con trai. Tuy nhiên, cùng với hiện tượng này là tình trạng nạo phá thai ngoài ý muốn ngày càng tăng, trong đó phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi không nhiều nhưng không thể nói không có.

P. Dung

  • Từ khóa
93275

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu