Thứ 6, 29/03/2024 07:18:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:25, 23/10/2014 GMT+7

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI BÌNH PHƯỚC

Luật Tổ chức Quốc hội phải khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản dưới luật

Thứ 5, 23/10/2014 | 14:25:00 1,317 lượt xem
BP - Việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này phải góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành luật cũng như khắc phục tình trạng vi hiến của các văn bản hướng dẫn thi hành luật - đó là ý kiến của đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước trong phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng ngày 22-10.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu trong phiên họp toàn thể tại hội trường Diên Hồng ngày 22-10

Theo đại biểu Bùi Mạnh Hùng, trong 15 nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội được quy định tại Điều 70 Hiến pháp thì nhiệm vụ đầu tiên là: “Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật”. Đây là nhiệm vụ đặc biệt, đặc thù của Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cho quyền lực của nhân dân, thể hiện rõ nhất quan điểm “quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân”. Đây cũng là nhiệm vụ nặng nề nhất mà nhân dân giao cho Quốc hội, giao cho từng đại biểu Quốc hội. Thực tế, Quốc hội đã phải dành hầu hết thời gian làm việc cho việc thực hiện nhiệm vụ này.

Thời gian qua, Quốc hội đã cố gắng rất lớn, từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng “Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”. Song tình trạng nợ đọng các văn bản hướng dẫn đã tồn tại khá lâu, khá phổ biến, trở thành căn bệnh khó chữa; làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả của các văn bản luật. Mặt khác, tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của các văn bản hướng dẫn cũng là vấn đề rất đáng quan tâm của Quốc hội. Hiệu lực pháp luật chưa nghiêm, tuổi thọ của văn bản luật ngắn... luôn là những trăn trở của cả xã hội.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị: Việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội lần này phải góp phần khắc phục tình trạng trên bằng cách xác định thật đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về quyền hạn, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, của từng đại biểu Quốc hội trong xây dựng luật và sửa đổi luật. Tuy dự thảo luật đã có nhiều điều cụ thể hóa quy định của Hiến pháp nhưng vẫn chưa có sự đổi mới cần thiết, chưa cụ thể và chưa đủ để khắc phục tình trạng trên.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ thực hiện nhiệm vụ ban hành các hướng dẫn thi hành luật là thực hiện nhiệm vụ với tư cách được ủy nhiệm của Quốc hội chứ không phải thực hiện chức năng hành pháp của mình nên sau khi thực hiện phải báo cáo lại Quốc hội về kết quả thực hiện và chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Trong phiên thảo luận ngày 22-10, một số đại biểu chỉ ra rằng, nhiều quy định trong Hiến pháp rất hay lại chưa được đề cập trong luật như quy định liên quan đến trưng cầu ý dân, đại biểu Quốc hội phải giúp đỡ người dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo...

Dự kiến Luật Tổ chức Quốc hội sẽ được biểu quyết thông qua ngày 20-11 tới.                           

 Trần Thể

  • Từ khóa
11928

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu