Thứ 7, 04/05/2024 11:42:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:08, 06/04/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 47 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG LỘC NINH (7-4-1972 - 7-4-2019)

Lộc Ninh hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

Thứ 7, 06/04/2019 | 08:08:00 4,203 lượt xem
BP - “Những thành quả Lộc Ninh đạt được như hôm nay, tuy đáng khích lệ nhưng nhìn chung còn khiêm tốn, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng vốn có. Tôi nhận thấy, phải cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa mới xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh đi trước đã dành cho Lộc Ninh. Lộc Ninh sẽ tiếp tục phát triển không ngừng, xứng đáng với lời thơ Tố Hữu đã viết trong bài Nước non ngàn dặm: Lộc Ninh xinh một cụm hồng/ Ai hay đất lửa, máu nồng đơm hoa!” - Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hoàng Nhật Tân nói.

Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Lộc Ninh tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn, phức tạp do thời tiết diễn biến thất thường, mưa lớn kèm theo lốc xoáy làm gãy đổ cây trồng của nhân dân. Trong khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như cao su, tiêu có chiều hướng giảm sâu; một số doanh nghiệp hoạt động khó khăn, dẫn đến nguồn thu ngân sách giảm. Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nghị quyết năm 2018 của Huyện ủy và tình hình thực tế địa phương, huyện đã xây dựng nhiều giải pháp khắc phục tác động tiêu cực, đồng thời quyết liệt, chủ động trong chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các mục tiêu đề ra. Nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Lộc Ninh (7-4-1972 - 7-4-2019), phóng viên Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với đồng chí Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Nhật Tân để làm rõ hơn những thành quả cũng như định hướng của huyện trong thời gian tới.

PV: Những thành tích nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của huyện trong năm 2018 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Nhật Tân: Năm qua, huyện có 4/4 chỉ tiêu về kinh tế đạt và vượt so với nghị quyết năm 2018 đề ra. Trong đó, ngành nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, nông dân từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, có nhiều mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng tham gia chuỗi liên kết giá trị. Huyện còn xây dựng một số mô hình hợp tác xã kiểu mới, mô hình sản xuất công nghệ cao, góp phần tạo chuỗi giá trị và nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, toàn huyện có 57 trang trại và 15.100 hộ chăn nuôi các loại với tổng đàn trên 628.000 con cùng 18 hợp tác xã. Riêng năm 2018, huyện thành lập mới 4 hợp tác xã, trong đó có 3 hợp tác xã nông nghiệp và 1 hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

Một góc trung tâm thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh ngày nay

Tỉnh cũng đã công nhận 2 xã Lộc Tấn, Lộc Thạnh về đích nông thôn mới trong năm 2018. Các xã còn lại đạt từ 9-15 tiêu chí. Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ làm đường giao thông nông thôn theo quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh đạt 32,7 tỷ đồng, bằng 103,91% kế hoạch. Điện lực tiếp tục được đầu tư nâng cấp, đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt trên 96%...

Huyện đã đầu tư xây dựng cơ bản, phát triển kết cấu hạ tầng với tổng vốn 113,17 tỷ đồng cho 56 công trình; giải ngân vốn ước thực hiện 95,772/113,17 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn huyện giao. Đồng thời tập trung chỉ đạo xử lý, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình trọng điểm, nhất là các dự án mở rộng quốc lộ 13, giai đoạn 2 và dự án Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện trên 190 tỷ đồng, đạt 117% dự toán điều chỉnh; tổng thu ngân sách địa phương hơn 769 tỷ đồng, đạt 111% dự toán điều chỉnh được HĐND huyện thông qua; tổng chi ngân sách nhà nước thực hiện gần 728,5 tỷ đồng, đạt 100% dự toán HĐND huyện thông qua...

Về văn hóa, xã hội có 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, truyền thanh, tuyên truyền các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn và nhiệm vụ của địa phương được thực hiện đạt hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95,44%. Thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở tất cả cấp học, bậc học và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý và dạy học; công tác sáp nhập, tinh giản bộ máy các trường theo Đề án 343 của Huyện ủy đạt kết quả cao... Các chính sách, giải pháp đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh, góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng chính sách và người có công. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,12% (337 hộ) nên toàn huyện còn 1.658 hộ nghèo, chiếm 5,57% tổng số hộ trong huyện...

PV: Thưa đồng chí, Lộc Ninh đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gì trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương?

Đồng chí Hoàng Nhật Tân: Lộc Ninh là huyện miền núi, biên giới và kinh tế nông nghiệp giữ vai trò chủ lực, dẫn đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp đa phần là nhỏ và siêu nhỏ hoạt động không ổn định. Một số hợp tác xã hoạt động còn khó khăn, lúng túng. Công tác giải phóng mặt bằng thi công một số công trình trọng điểm gặp rất nhiều khó khăn và tiến độ thi công một số dự án chưa đảm bảo kế hoạch đề ra...

Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, nhu cầu rất lớn song nguồn lực của huyện lại hạn hẹp... dẫn đến việc đầu tư xây dựng cơ sở nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, huyện có khoảng 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại chiếm trên 50% số hộ nghèo trong huyện. Do vậy, vấn đề làm gì để đồng bào thoát nghèo bền vững, đời sống vật chất, đời sống văn hóa không ngừng được nâng cao luôn là trăn trở của Đảng bộ, chính quyền địa phương.

Lộc Ninh đang hướng tới là vùng nông nghiệp công nghệ cao. Trong ảnh: Vườn bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP của hộ ông Nguyễn Văn Phúc ở ấp 8, xã Lộc An

PV: Đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành những chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra trong năm 2019, huyện có những giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Hoàng Nhật Tân: Ngoài quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, huyện cũng đề ra nhiều mục tiêu phấn đấu cụ thể, như: Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 693 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước 196,1 tỷ đồng; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5% so với tổng số hộ nghèo đầu năm; bao phủ bảo hiểm y tế đạt 85%; hộ dân sử dụng điện đạt 97%; hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,35%...

Để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là xây dựng và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh, vùng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển kinh tế tập thể liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích hợp tác xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, kết hợp phát triển lâm nghiệp với nông nghiệp và các ngành nghề nông thôn tăng thu nhập cho nông dân.

Huyện cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện các tiêu chí đối với từng xã, nhất là 3 xã phấn đấu về đích năm 2019 (Lộc Thuận, Lộc Thịnh, Lộc Điền). Khuyến khích đầu tư phát triển mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách địa phương.

Song song đó, huyện cũng sẽ thực hiện tốt công tác quản lý ngân sách, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quản lý thu thuế, chống thất thu thuế; khai thác tốt các nguồn thu, kích thích tạo nguồn thu mới, chống thất thu; thực hiện nghiêm công tác kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách huyện. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại - dịch vụ, phát triển du lịch gắn với Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Tà Thiết. Đầu tư cho sự nghiệp phát triển văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các tỉnh, huyện của Vương quốc Campuchia giáp ranh...

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Lâm Phương (thực hiện)

  • Từ khóa
26910

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu