Thứ 3, 23/04/2024 15:58:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:38, 26/06/2018 GMT+7

“Lỗ hổng” trong tiêm chủng trẻ em - Bài 1

Thứ 3, 26/06/2018 | 06:38:00 3,995 lượt xem
BP - Thời gian qua, tuy đã nỗ lực tìm nhiều cách để nâng cao tỷ lệ trẻ em tiêm chủng đầy đủ theo chương trình mục tiêu nhưng ở Bình Phước kết quả vẫn không đạt so chỉ tiêu được giao. Theo dự báo của ngành chức năng, nếu không lấp được những lỗ hổng về nhận thức, sự chủ quan của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn và nâng cao chất lượng công tác theo dõi, quản lý tiêm chủng thì dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra khi thời tiết đang có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

LO NGẠI TRONG PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Trong suy nghĩ của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn, việc đưa con đi tiêm chủng không cấp bách bằng lao động kiếm miếng ăn hằng ngày nên có người luôn tìm lý do để trì hoãn, mặc dù tiêm chủng miễn phí. Đặc biệt trẻ sinh tại nhà hầu như không được tiếp cận với những mũi tiêm quan trọng trong những tháng năm đầu đời.

 Trở lại vùng dịch bạch hầu

Đến nay, người dân thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) vẫn chưa hết bàng hoàng về trận dịch bạch hầu xảy ra tại đây năm 2016. Thế nhưng, đã gần 1 tuổi nhưng cháu Thị Nguyệt (2017) là con chị Thị Ka Nhã (2002) hiện vẫn chưa được tiêm đủ mũi của chương trình tiêm chủng, cụ thể còn sót 2 mũi DPT (vắc-xin 5 trong 1) và 1 mũi sởi. Khi hỏi lý do vì sao không đưa con đi tiêm đúng lịch, chị Ka Nhã nói: “Mỗi lần đến ngày tiêm ngừa là con lại bệnh và sốt”. Dù biết mũi DPT quan trọng vì ngừa cả bệnh bạch hầu, nhưng chị Ka Nhã không có ý định sẽ chủ động cho con đi tiêm ở nơi khác hoặc thời điểm phù hợp để ngừa bệnh cho con.

Nhân viên y tế vận động tiêm chủng đầy đủ tại nhà dân ấp 6, xã Đồng Tiến (Đồng Phú)

Cách nhà chị Ka Nhã không xa, chúng tôi gặp một nhóm trẻ đang đá bóng. Khi cán bộ tiêm chủng vạch áo tìm vết tiêm ngừa lao trên vai thì 3/7 em không có dấu. Chị Thị Thu, một người dân ở tổ 5, thôn Thuận Tiến cho biết: “Trong số trẻ chưa tiêm có con gái tôi là Thị Phương (2012) vì sinh tại nhà nên đến nay chưa tiêm mũi nào. Con trai tôi là Điểu Khương (2006) chỉ tiêm 3 mũi nhưng không nhớ là loại nào”. Bế cháu Điểu Hoàng (2017) trên tay, chị Thị Thu cũng cho biết cháu chưa tiêm mũi sởi và đã nhiều lần được nhắc nhưng vẫn không đi vì “cha gãy chân, mẹ phải đi cạo mủ cao su suốt ngày nên bận”.

5 tháng đầu năm 2018, xã Thuận Lợi có 28% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, xã Đồng Tiến đạt 25%, toàn huyện Đồng Phú đạt 32%... (tỉnh giao là 40% chỉ tiêu).

Ông Lê Trường Chung, nhân viên y tế thôn Thuận Tiến cho biết: Nhận thức của người dân về tiêm chủng đã được nâng cao nên đa số chủ động đưa con đi tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ý thức chưa cao. Bà con viện rất nhiều lý do như không có xe, bận đi làm, con bệnh... để trì hoãn khi đến lịch tiêm. Thậm chí có người còn nói “tự nhiên con đang khỏe đi tiêm về lại bệnh, sốt”, hay “tiêm về sốt, đau, quấy không thể đi làm” nên không đưa con đi tiêm. Gần 20 năm gắn bó với công việc của nhân viên y tế thôn, ông Chung bày tỏ sự lo lắng về dịch bệnh khi trong cộng đồng có người tiêm, người không. Ông nói: “Tôi cố gắng làm tốt công việc của mình, đến tận nhà nhắc nhở nhiều lần nhưng có người vẫn không cho con đi tiêm. Nhắc tới dịch là bà con sợ, lo lắng nhưng vận động tiêm chủng thì không phải ai cũng đi”.

Nỗi lo còn đó

Tại Trạm Y tế xã Đồng Tiến, cán bộ tiêm chủng cũng phát hiện rất nhiều trẻ sót mũi tiêm, thậm chí không tiêm. Trực tiếp thăm gia đình chị Thị Khóc ở ấp 6 mới biết chị đã trải qua 9 lần sinh tại nhà, hiện nuôi 7 con nhưng các con từ lớn đến bé đều không được tiêm chủng. Chị Thị Khóc nói: “Nhà nghèo lắm, có 1 chiếc xe máy để chồng đi làm thuê mà xe cũ, không đảm bảo nên không dám đưa con đi ra xã tiêm sợ công an phạt”. Khi hỏi về dịch bạch hầu năm 2016, chị Thị Khóc nói cũng sợ nhưng không biết phải làm thế nào.

Tiêm ngừa cho trẻ tại Phòng Tiêm chủng vắc-xin Safpo 37 Bình Phước (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Xung quanh khu nhà chị Thị Khóc sinh sống có nhiều trẻ không tiêm chủng đầy đủ. Chị Thị Mai có con là Thị Kim Ngân (2016) hiện chưa tiêm 2 mũi DPT, 2 mũi bại liệt và 1 mũi sởi; Điểu Khang (2014) từ lúc sinh đến 1 tuổi không tiêm mũi nào. Ông Nguyễn Quang Hòa, phụ trách Trạm Y tế xã Đồng Tiến cho biết: Xã có 9 ấp, trong đó các ấp Suối Đôi, Cầu Hai, ấp 4 dân đông, có điều kiện, gần trung tâm thị xã Đồng Xoài nên đa số không tiêm tại trạm. Các ấp 2, 5, 6, một số người dân tộc thiểu số nhận thức về tiêm chủng hạn chế nên hưởng ứng chương trình chưa cao. Bên cạnh đó, công tác rà soát, theo dõi, quản lý đối tượng vẫn còn bất cập nên kết quả tiêm chủng chưa như mong muốn. Vì vậy, xã vẫn còn tình trạng trẻ không được tiêm ngừa, bỏ sót mũi tiêm. Đây là những “mối nguy” mà trạm cần phải có những giải pháp cụ thể để quản lý, hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

Phương Dung

  • Từ khóa
94401

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu