Chủ nhật, 28/04/2024 06:06:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:31, 16/06/2016 GMT+7

Lấy ý kiến nhân dân về Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài

Thứ 5, 16/06/2016 | 09:31:00 6,817 lượt xem
BP - Sáng 15-6, tại hội trường UBND phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, UBMTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài từ đường Lê Duẩn đến đường Hai Bà Trưng (thuộc địa phận phường Tân Phú). Ông Đinh Văn Tiếng, Phó chủ tịch UBMTTQVN tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị còn có Phó ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Minh Nhâm; lãnh đạo các đơn vị liên quan, đại diện chủ đầu tư và hơn 100 hộ dân.

CHỦ TRƯƠNG ĐƯỢC NGƯỜI DÂN ĐỒNG TÌNH

Đường Trần Hưng Đạo hiện nay được đầu tư thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 đã hoàn thành việc xây dựng hoàn chỉnh với kết cấu mặt đường bê tông nhựa nóng, hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh đoạn từ đường Nguyễn Bình đến đường Lê Duẩn và đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến đường Phú Riềng Đỏ (phường Tân Phú). Đoạn giữa từ đường Lê Duẩn đến đường Hai Bà Trưng chưa được thông tuyến, gồm 2 đoạn ngắn là từ đường Lê Duẩn đến đường Trần Phú và đoạn từ Trần Phú đến đường Hai Bà Trưng hiện đã rải sỏi đỏ. Để chỉnh trang đô thị cũng như tạo điều kiện phát triển kinh tế, giảm thiểu lưu lượng giao thông trên quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Đồng Xoài, Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11-12-2015 của Tỉnh ủy thuận chủ trương và Công văn số 2149/UBND-KTTH ngày 9-7-2015 của UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng triển khai Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài. Sở Xây dựng đã xây dựng phương án đầu tư, quy hoạch tổng thể mặt bằng... và được UBND tỉnh phê duyệt.

Lãnh đạo tỉnh, thị xã Đồng Xoài và đông đảo người dân dự hội nghị lấy ý kiến của nhân dân về Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài

Theo đó, tổng chiều dài toàn tuyến giai đoạn 2 là 1.171m được chia thành 3 đoạn với chiều rộng mặt đường và vỉa hè khác nhau. Đoạn từ Km0+00 đến Km0+590 mặt đường rộng 48m, chiều rộng vỉa hè 2 bên 6m; đoạn từ Km0+590 đến Km0+754 chiều rộng mặt đường 34m, vỉa hè 2 bên 6m; đoạn còn lại có chiều rộng mặt đường 20m và vỉa hè 2 bên 4m. Mặt đường được thảm bê tông nhựa nóng, vỉa hè lát gạch và trồng cây xanh hai bên; hệ thống cống thoát nước, điện chiếu sáng và điện sinh hoạt được bố trí ngầm. Tổng mức đầu tư của dự án 316,81 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho những hộ bị ảnh hưởng trên diện tích 14,402 ha với 49,984 tỷ đồng, vốn của nhà đầu tư 266,826 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng 124,691 tỷ đồng). Thời gian thi công từ năm 2016-2019 hoàn thành. Dự án được triển khai theo hình thức xây dựng - chuyển giao (nhà đầu tư được nhà nước giao đất hai bên đường của dự án và một phần đất ở nơi khác để bán đấu giá thu hồi vốn).

Bà Trần Thị Kim Phúc phát biểu ý kiến về dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài

Phần đất thực hiện dự án là đất và nhà ở của 292 hộ dân (đa số có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), trong đó 220 hộ thuộc diện được bố trí tái định cư. Những hộ dân có đất bị thu hồi để thực hiện dự án được bồi thường theo đơn giá tạm tính như sau: Các thửa đất tiếp giáp với đường Lê Duẩn được bồi thường 7.414.000 đồng/m2, đất nông nghiệp 744.000 đồng/m2; các thửa đất tiếp giáp đường Trần Phú được bồi thường 4.442.000 đồng/m2 đối với đất ở và 613.000 đồng/m2 đối với đất nông nghiệp; đất tiếp giáp đường nhựa, đường bê tông được bồi thường lần lượt từ 2.034.000 đồng/m2 đến 1.578.000 đồng/m2 đối với đất ở; các loại đất ở khác được đền bù 1.252.000 đồng/m2.

Sau khi nghe Sở Xây dựng trình bày mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết và tổng quan dự án, hầu hết người dân đồng tình ủng hộ.

NHƯNG GIẢI TỎA ĐỀN BÙ VẪN CHƯA “THÔNG”

Ghi nhận tại hội nghị, hầu hết những hộ dân thuộc diện giải tỏa đều sinh sống từ khi tái lập tỉnh đến nay. Nhiều năm qua, họ trông chờ Dự án đường Trần Hưng Đạo nối dài thực hiện để được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, các hộ dân thuộc diện giải tỏa lại phải chuyển đi nơi khác. Do đó, họ mong muốn nhà nước có chính sách tái định cư tại chỗ và xem lại giá đền bù.

Theo phương án tái định cư: Những hộ dân bị giải tỏa để thực hiện dự án có mặt tiền đường Lê Duẩn và đường Trần Phú được bố trí tái định cư tại khu vực gần Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (hiện còn 11 nền), các hộ còn lại bố trí tại khu dân cư Phú Thịnh (phía sau trung tâm hành chính thị xã Đồng Xoài).

Bà Trần Thị Kim Phúc ở tổ 1, khu phố Phú Thịnh có hơn 1 ha đất giải tỏa để thực hiện dự án, nêu ý kiến: Triển khai xây dựng đường Trần Hưng Đạo nối dài nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng của thị xã, tôi hoàn toàn ủng hộ. Tuy nhiên, phần lớn hộ dân phải di dời đến nơi ở khác mà không được hưởng lợi từ dự án này thì quá thiệt thòi.

Ông Nguyễn Ngọc Hân ở tổ 2, khu phố Phú Lộc nêu ý kiến: Các cấp, ngành nên xem xét việc tái định cư tại chỗ. Theo quy hoạch, những hộ dân sau khi bị giải tỏa vẫn còn đất, nếu xây nhà sẽ không có lối đi vì phía trước đất bị thu hồi và bán đấu giá để nhà đầu tư thu hồi vốn. Vì vậy, tôi đề nghị có phương án giải quyết vấn đề này.

Bà Lê Thị Sát ở tổ 3, khu phố Phú Lộc cho biết: Theo thiết kế, nhà tôi bị ảnh hưởng khoảng 1.000m2. Nhà nước thu hồi đất làm đường, tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên thu hồi thêm một phần đất của tôi để cấp cho đơn vị làm đường bán thu hồi vốn, tôi không đồng ý.

Ông Nguyễn Mai Thương ở khu phố Phú Lộc cho rằng: Giá đất tạm tính quá thấp so với thị trường. Đất mặt tiền đường Lê Duẩn giá thị trường hiện khoảng 20 triệu đồng/m2 mà nhà nước đền bù chỉ bằng 1/3, chúng tôi khó chấp nhận. Nếu nhận tiền đền bù như giá tạm tính hiện nay, tôi muốn mua một miếng đất khác tại hẻm cũng khó. Mặt khác, rất nhiều hộ dân trong diện giải tỏa có đất thổ cư chỉ 50 đến 100m2, trong khi diện tích đất lên đến 200m2, nên đền bù không được bao nhiêu tiền.

Bà Nguyễn Thị Bông ở tổ 3, khu phố Phú Lộc cho biết: Gia đình tôi có 7 miếng đất chia cho 6 chị em ở và một phần đất là nhà thờ. Chúng tôi ở đây từ năm 1978, nếu giải tỏa phải chuyển khỏi mảnh đất đã gắn bó từ lâu. Sau này bán đấu giá, tôi có thể mua lại được nhưng những người nghèo lấy đâu ra tiền để mua? Vì vậy, tôi đề nghị đơn vị thực hiện dự án phải xem xét phương án tái định cư tại chỗ cho những người đã gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
7436

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu