Thứ 7, 20/04/2024 17:18:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:56, 19/12/2014 GMT+7

Làng vó trên sông Sài Gòn

Thứ 6, 19/12/2014 | 06:56:00 412 lượt xem
BP - Những người hành nghề chài lưới, quay vó trên sông Sài Gòn, đoạn qua ấp 9, xã Tân Hiệp (Hớn Quản), tuy vất vả nhưng có mức thu nhập khá ổn định. Phía sau làng nghề quay vó trên sông có nhiều câu chuyện thú vị.

Bài 1: Khám phá nghề quay vó

Khi hồ thủy lợi Dầu Tiếng (Bình Dương) xây dựng, là lúc nghề quay vó trên lòng hồ ở xã Tân Hiệp (Hớn Quản) hình thành. Nơi đây có hàng chục gia đình nhiều năm sống bằng nghề quay vó, đánh bắt cá. Tuy chưa giàu nhưng nhờ chịu thương chịu khó nên cuộc sống ngư dân khá ổn định.

DỌN ĐẤT ĐẶT VÓ

Ngày hồ Dầu Tiếng ngăn dòng, nước dâng lên làm ngập diện tích rừng khu vực thượng nguồn sông Sài Gòn, trong đó có phần diện tích của xã Tân Hiệp (Hớn Quản) và phía bên kia xã Tân Hòa (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Lợi dụng con nước nổi, người dân đến đây định cư và mưu sinh bằng nghề chài lưới, đặt lờ, đặt nơm đánh bắt cá. Lâu ngày, nguồn thủy sản bị cạn kiệt, người dân chuyển sang nghề quay vó.

Anh Nguyễn Bảo Dương thu hoạch cá

Người dân nơi đây cho biết: Đóng một chiếc vó cố định trên lòng hồ cũng giống như cất một căn nhà. Người chủ vó phải chuẩn bị bãi đất dưới lòng hồ, các vật liệu dựng trụ vó... Quan trọng nhất là vị trí đặt vó, nơi có luồng tôm cá đi qua. Vì vậy, người làm nghề quay vó phải có kinh nghiệm sông nước, tính toán được quy luật con nước lên xuống, quy trình dòng chảy và việc xả nước của hồ Dầu Tiếng. Nếu chọn vị trí nước chảy xiết để đặt vó thì tôm cá ít di chuyển qua; nước chảy mạnh làm trụ vó dễ bị gãy đổ. Nếu chọn những vị trí nước nông hoặc sâu quá thì sẽ bị nước dâng ngập chòi không quay được hoặc bị khô cạn vó phơi rìa bờ.

Anh Nguyễn Văn Hải (ấp 9, xã Tân Hiệp) chia sẻ: “Để đặt vó, phải dọn sạch những gốc, cành cây còn sót lại dưới đáy hồ, tránh làm rách vó và tạo chỗ trống cá thoát ra”. Anh Hải cho biết thêm: “Để dọn một vị trí đặt vó, một người thợ giỏi phải lặn liên tục trong 10 ngày đến nửa tháng mới làm xong. Cách đây 10 năm, chi phí thuê dọn một vị trí đặt vó từ 1 đến 2 triệu đồng thì nay gấp 10 lần. Những người này phải ngâm mình dưới lòng hồ để thu gom các chướng ngại vật”.

KỲ CÔNG THẢ TRỤ KÉO VÓ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người dân mưu sinh trên sông Sài Gòn sử dụng loại vó đơn (1 lớp lưới) và vó đôi (2 lớp lưới) để đánh bắt tôm cá. Sau khi có mặt bằng dưới đáy hồ (khoảng 1.000m2), người dân dựng trụ. Đây là công đoạn vất vả và cần có độ chính xác cao. Trụ vó được dùng bằng cây luồng già (họ tre). Thông thường, phần gốc dùng 3 đến 4 cây luồng buộc thành bó với nhau để tạo sự chắc chắn. Phần trên của trụ vó được thiết kế khá phức tạp, trên đỉnh được gắn các bánh ròng rọc để khi kéo vó không bị ma sát làm dây căng lưới nhanh hư.

Sau khi cố định được các trụ xuống lòng hồ là phần kết lưới (vó). Công đoạn này cần sự khéo léo và độ chính xác cao để khi kéo vó không bị xô lệch về một góc dẫn đến trụ bị gãy hoặc lật. Trước đây, việc quay vó đều bằng sức người. Hệ thống quay được làm bằng một khúc gỗ tròn có đường kính khoảng 40cm, dài 1,2m, hai đầu được đặt trên 2 giá cố định. Mỗi khi nhấc vó lên phải dùng bàn chân tời 30-45 phút. Nay để giảm sức người, các chủ vó đầu tư quay tời bằng máy nổ hoặc bằng mô tơ điện. Anh Nguyễn Bảo Dương, một chủ vó ở (ấp 9, xã Tân Hiệp), cho biết: “Quay vó bằng môtơ điện vừa nhanh vừa giảm sức, mỗi lần cất vó lên chỉ mất 5 phút. Công việc điều khiển cất vó cũng nhẹ nhàng và an toàn hơn trước”.

Nhất Sơn

 

  • Từ khóa
92530

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu