Thứ 3, 19/03/2024 17:38:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:11, 28/02/2015 GMT+7

Khổ vì sống gần mỏ đá (Bài 1)

Thứ 7, 28/02/2015 | 06:11:00 900 lượt xem

CHÌM TRONG KHÓI BỤI, TIẾNG ỒN VÀ LO SỢ

BP - Hiện trên địa bàn tỉnh có 15 mỏ đá nằm rải rác ở các huyện, thị xã, trong đó không ít mỏ nằm sát khu dân cư nên người dân phải sống chung với ô nhiễm môi trường. Vì ô nhiễm nặng, một số gia đình phải chuyển đi nơi khác sinh sống, làm ăn.

NHỮNG THÁNG NGÀY BẤT AN

Mỏ đá ở ấp Núi Gió, xã Tân Lợi (Hớn Quản) hoạt động ổn định từ năm 2000. Suốt nhiều năm qua, mỏ đá này đã ảnh hưởng xấu đến đời sống khu dân cư trong ấp. Ở gần mỏ đá nên ông Mai Hồng Cẩn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi tiếng mìn nổ.

Tường nhà ông Hùng bị nứt nhiều chỗ do tác động từ nổ mìn

“Thực hư ở gần mỏ đá, chỉ có người dân “cắm chốt” mới thấu hiểu rõ nhất. Ai cũng nơm nớp lo sợ đá văng vào người, sợ nứt tường... và sợ đến “rụng” tim mỗi khi giật mình nghe tiếng mìn nổ. Thời gian nổ mìn không cố định và không được thông báo trước nên sống lâu mới biết. Họ thường cho nổ mìn vào buổi trưa. Vì thế, cứ đến giữa, chuẩn bị “đùng đoàng”, vợ chồng con cái tôi lại co cụm trong nhà. Chỉ tội thằng nhỏ vừa run bần bật vừa ghì sát người vào lòng cha mẹ để tìm chỗ ẩn nấp. Thay vì vui vẻ, hồn nhiên như đám bạn cùng trang lứa thì tuổi thơ của con tôi đã bị hằn sâu âm thanh như xé óc. Có lần con tôi nói tan học theo chúng bạn đi chơi, không dám về nhà không phải vì sợ đòn roi của cha mẹ mà vì ám ảnh tiếng nổ mìn. Đắng lòng nhất là đêm ngủ nó thường bị giật mình, có khi khóc thét vì tưởng đá văng vào người”, ông Cẩn thật thà kể.

Mỏ thường cho nổ mìn khoảng 1 tuần/lần vào giữa trưa. Lúc mìn nổ thường có những cục đá to bằng đầu ngón tay cái người lớn văng rất xa, mọi người phải ở trong nhà để tránh bị sát thương. Ai cũng gọi là xóm giật mình bởi cả người lớn và trẻ nhỏ đều giật thót mỗi khi nghe tiếng mìn, mìn nổ cũng làm nhà rung lắc mạnh.

Ông Mai Hồng Cẩn, ấp Núi Gió, xã Tân Lợi

Ông Cẩn than phiền: “Do tác động từ nổ mìn nên năm ngoái, căn nhà của gia đình tôi xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, thậm chí có viên gạch bị xé ngang. Ngoài ra, xe chở đá qua lại nhiều nên đường dân sinh của ấp xuống cấp rất nhanh, bụi đá bay mù mịt vào nhà các hộ dân sống hai bên. Tôi lo sợ nhất là sức khỏe và việc học tập của các con nhưng muốn chuyển nhà đi nơi khác đâu dễ”.

Phải chung sống với khói bụi, tiếng ồn, người dân nơi đây đang hàng ngày đối mặt với khốn khó. Cái khổ của mưu sinh vì miếng cơm manh áo đã thấm cực nhọc, trong khi tinh thần của họ cũng đang bị tác động không nhỏ. Ông Phạm Văn Hùng ở cùng ấp cũng bức xúc: “Gia đình tôi trong diện hộ nghèo, cả đất ở và đất vườn được 2 sào. Tôi rất lo sống lâu năm ở gần mỏ đá, các con sẽ bị bệnh. Nhất là khoảng thời gian từ tháng 9 năm trước đến tháng 1 năm sau, gió bấc thổi mạnh nên bụi càng nhiều. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị họp dân và mời đại diện mỏ đá để phản ánh, kiến nghị nhưng họ không đến”.

Tường gạch nhà ông Cẩn bị hư hỏng do tác động từ nổ mìn khai thác đá

Chỉ tay về phía bức tường, góc nhà bị nứt, ông Hùng buông tiếng thở dài: Sống trong tình cảnh đe dọa như thế này, ấm ức lắm mà không biết làm sao?! Bao nhiêu năm bám đất bám vườn, cái ăn còn chưa đủ, làm sao chuyển nhà đi. Cũng vì nghèo đói mà cả nhà phải chấp nhận đối diện với môi trường sống ô nhiễm.

HƯỚNG XỬ LÝ CỦA CHÍNH QUYỀN VÀ NGÀNH CHỨC NĂNG

Thông báo số 16/TB-UBND ngày 20-6-2014 của UBND xã Tân Lợi về nội dung buổi làm việc với 2 đơn vị khai thác đá (Chi nhánh Công ty cổ phần Hóa An và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Bình Long) ở mỏ đá Núi Gió nêu rõ: Ngày 27-5-2014, UBND xã nhận đơn kiến nghị của 20 hộ dân ở tổ 4, ấp Núi Gió phản ánh về việc hoạt động của mỏ đá gây ô nhiễm môi trường, làm nứt nhà dân... Sau khi xem xét nội dung đơn và kiểm tra thực tế cho thấy sự việc gây nứt nhà dân là có thật. Xe vận chuyển đá quá tải trọng, chạy quá tốc độ, gây bức xúc và người dân trên địa bàn đã tổ chức chặn xe, không cho lưu thông.

Không chỉ người dân ở ấp Núi Gió mà cả ở thôn 1, xã Minh Hưng (Bù Đăng) thời gian qua cũng chịu cảnh tương tự. Bà Nguyễn Thị Siu ở gần mỏ cho biết: Các máy xay, nghiền đá của Công ty cổ phần Khánh Bình hoạt động liên tục, gây ra tiếng ồn lớn, còn mìn thì 4-7 ngày nổ một lần, tùy vào lượng đá có được nhiều hay ít. Gia đình tôi lúc nào cũng phải cửa đóng then cài nhưng bụi bẩn vẫn bay vào bám đầy nhà, chưa kể xe đá qua lại hằng ngày gây bụi, làm hư đường và khó khăn cho người dân khi lưu thông.

Ngày 2-10-2014, Sở Tài nguyên và môi trường đã kết hợp Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Hớn Quản, chính quyền địa phương kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với đơn vị khai thác đá tại xã Tân Lợi. Tại thời điểm kiểm tra thực tế công ty đang hoạt động xay đá và có phát sinh bụi. Công ty xử lý bằng cách thường xuyên phun nước tại vị trí phát sinh bụi. Tuy nhiên việc xử lý chưa triệt để. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty thường xuyên tưới nước, bố trí thêm vòi phun nước tại các vị trí phát sinh bụi trong quá trình xay đá, hạn chế việc xay đá và vận chuyển đá vào giờ nghỉ trưa và buổi tối, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến khu vực dân cư.

Ông Lê Huy Mai, Chủ tịch UBND xã Tân Lợi cho biết: Việc mỏ đá gây tiếng ồn, bụi bặm, ảnh hưởng đến người dân ấp Núi Gió là có. UBND xã đã làm việc với doanh nghiệp, đồng thời đi kiểm tra thực tế ở khu dân cư và kiến nghị UBND huyện bố trí sắp xếp, quy hoạch lại dân cư để cách xa mỏ đá. Xã đã tổ chức đối thoại giữa dân và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn. Về việc gây bụi, đá rơi xuống đường, gây khó khăn đi lại, xã đã vận động doanh nghiệp áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến đời sống người dân. Doanh nghiệp đã thuê người quét đá rơi vãi và hỗ trợ đá lấp ổ gà trên đường.

Hải Châu

  • Từ khóa
92583

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu