Chủ nhật, 28/04/2024 02:52:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:35, 18/11/2015 GMT+7

Khi lòng tin đặt không đúng chỗ - Bài 1

Thứ 4, 18/11/2015 | 07:35:00 317 lượt xem

CHỌN NHẦM ĐỐI TÁC

BP - Thời gian qua, không ít doanh nghiệp tư nhân lâm vào cảnh khốn đốn và có doanh nghiệp bị phá sản vì trao nhầm lòng tin cho đối tác. Mặc dù được pháp luật bảo vệ nhưng những người lãng phí lòng tin, “giao trứng cho ác”... chờ lấy lại được tài sản của mình thì cũng sức cùng lực kiệt. Mong rằng, những vụ việc được nêu trong loạt bài dưới đây sẽ là bài học hữu ích cho nhiều người về việc chọn và đặt lòng tin, hợp tác đúng chỗ, đừng vì những “chiếc bánh vẽ” rồi phải ôm hận... 

Hai bên đã có hàng chục buổi làm việc nhưng không giải quyết được vấn đềHai bên đã có hàng chục buổi làm việc nhưng không giải quyết được vấn đề

Tin lời đối tác, một doanh nghiệp bỏ vốn hàng chục tỷ đồng để hợp tác làm ăn trên tinh thần “đôi bên cùng có lợi”. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, sự thân thiện ban đầu đã biến mất dành chỗ cho những cuộc họp cãi vã, đổ tội cho nhau vì đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng làm cho doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Công trình hợp tác, liên doanh làm ăn có nguy cơ mất trắng do bị xuống cấp...

MẬT NGỌT CHẾT RUỒI

Ông Nguyễn Viết Lương, trú ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh (Lộc Ninh) mở trang trại cây trồng và chăn nuôi rộng hàng chục ha từ hơn 10 năm nay. Cách đây 5 năm, ông Lương được một nhóm người tự giới thiệu là thành viên của Công ty Ja Pfa lên Lộc Ninh tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn trong việc mở trang trại nuôi heo.

Ông Lương (áo sáng) trong một buổi làm việc với đại diện Công ty Ja PfaÔng Lương (áo sáng) trong một buổi làm việc với đại diện Công ty Ja Pfa

Nhóm người này tư vấn, để sự hợp tác được bình đẳng, ông Lương nên thành lập doanh nghiệp tư nhân. Bởi công ty này chỉ hợp tác, liên kết với tổ chức để nuôi heo nái với quy mô lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi trang trại có sẵn tiềm năng về đất đai nên dễ dàng thu lợi hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Ông Lương cho hay: “Qua tìm hiểu, tôi thấy họ là người của Công ty TNHH Ja Pfa Commefeed Long An, có địa chỉ tại huyện Bến Lức (Long An) cần tìm đối tác thực sự. Vì thế, tôi chấp thuận theo tư vấn của họ để thành lập Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Viết Châu Anh tại xã Lộc Thịnh”. Sau khi thành lập doanh nghiệp và đồng ý hợp tác, Công ty Ja Pfa đặt hàng cho ông Lương xây dựng chuồng trại nuôi heo theo bản vẽ thiết kế, lắp đặt trang thiết bị, nhà kho, giếng nước, nhà ở công nhân, văn phòng điều hành, cây xanh, thảm cỏ... đúng yêu cầu của công ty và chịu sự giám sát thi công của đối tác. Thấy quy trình làm việc rất bài bản, ông Lương dốc vốn hơn 55 tỷ đồng đầu tư xây hệ thống chuồng trại trên diện tích 80.000m2

Sau khi Công ty Ja Pfa nghiệm thu công trình, hai bên ký hợp đồng thuê trang trại trong thời hạn 10 năm với giá 640 triệu đồng/tháng từ tháng 3-2011. Có được trang trại, Công ty Ja Pfa triển khai nuôi 2.400 heo nái để bán heo sữa. Hợp đồng do phía Công ty Ja Pfa soạn thảo ghi rõ, hai bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng sau 3 năm kể từ ngày ký. Tức là trong vòng 3 năm đầu, không ai có quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng. Nếu Công ty Ja Pfa đơn phương chấm dứt hợp đồng thì phải bồi thường cho ông Lương 32 tháng tiền thuê. Ông Lương nói: “Tôi nghĩ đây chỉ là điều khoản để họ ràng buộc mình thực hiện đúng hợp đồng vì công trình làm theo đơn đặt hàng của họ nên Công ty Ja Pfa muốn nắm đằng cán, do vậy tôi yên tâm ký”.

THÀNH... BỊ ĐƠN BẤT ĐẮC DĨ

Năm đầu tiên, sự hợp tác của hai bên hết sức thuận lợi, ông Lương luôn tạo mọi điều kiện để trang trại heo phát triển, nhất là trong mối quan hệ với địa phương hay giải quyết vướng mắc trong quá trình chăn nuôi. Thế nhưng, bước sang năm thứ 2 thì phía Công ty Ja Pfa tìm mọi cách phá vỡ hợp đồng, trong đó có yếu tố thiếu nguồn nước. Ông Lương đã khắc phục bằng việc thuê nhiều đơn vị từ Bình Dương thăm dò và khoan giếng với dung lượng hơn 400m3/ngày đêm nhưng đối tác vẫn không đồng ý. Đúng 3 năm sau kể từ ngày ký, Công ty Ja Pfa gửi công văn cho ông Lương thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ông Lương cho biết: “Hiện Công ty Ja Pfa đang nợ 391 triệu đồng tiền thuê trang trại của doanh nghiệp nên tôi yêu cầu họ phải trả hết tiền. Trong khi chờ đợi Công ty Ja Pfa giải quyết, tôi phát hiện tài sản đã giao cho họ quản lý theo các phụ lục hợp đồng đã ký bị hư hỏng, cạy phá... thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng nên tôi yêu cầu công ty phải bồi hoàn theo đúng thỏa thuận trước đó”. Tuy nhiên, công ty cho rằng số thiệt hại đó là quá cao nên không đồng ý bồi hoàn mà tổ chức gần 30 cuộc họp để hòa giải. Ông Lương nói: “Cứ mỗi cuộc họp, phía Công ty Ja Pfa cử một người làm đại diện. Nếu người đó giải quyết thấu tình đạt lý với chúng tôi thì hôm sau công ty cho họ nghỉ việc. Vì vậy, từ tháng 6-2013 đến nay, họ chỉ cử người họp với chúng tôi theo hình thức mà không có thiện chí giải quyết dứt điểm nên chúng tôi không cho họ xuất heo ra khỏi trại”.

“Sở dĩ có chuyện lật kèo trong hợp đồng thuê trại là do công ty này chưa tìm hiểu thị trường ở Bình Phước. Sau 3 năm thuê trại của tôi, họ đã thông thuộc địa bàn và sang nhượng được đất để mở trại ngay gần trại của tôi. Nếu 2 trại cùng song hành thì họ không đủ tiềm lực nên phải chấm dứt hợp đồng với tôi. Còn trả lại trại cho tôi trong trạng thái nguyên vẹn thì đơn vị khác sẽ thuê lại và họ không cạnh tranh được với các công ty khác. Đây là kiểu làm ăn của họ, mình không tỉnh táo thì chết...”.

Ông Nguyễn Viết Lương, ấp Cần Lê, xã Lộc Thịnh

Tại cuộc họp giữa hai bên vào ngày 16-10 vừa qua, phía Công ty Ja Pfa yêu cầu ông Lương cho xuất heo ra khỏi trại, còn vấn đề tiền bạc, thanh toán, bồi thường giải quyết sau. Nhưng ông Lương không đồng ý và yêu cầu công ty phải làm rõ thiệt hại về tài sản để bồi thường, đồng thời thanh toán hết tiền thuê trại. Cuộc họp thống nhất theo hướng, phía Ja Pfa tự thuê công ty định giá kiểm định lại tài sản bị hư hỏng và có sự giám sát của doanh nghiệp Nguyễn Viết Châu Anh hoặc mỗi bên thuê một công ty thẩm định để tìm tiếng nói chung trong việc bồi hoàn. Nội dung cuộc họp là vậy nhưng ít ngày sau, Công ty Ja Pfa đã tự thuê công ty định giá đến kiểm định lại số tài sản của doanh nghiệp đã bị hư hỏng mà không báo cho ông Lương biết. Ông Lương tố cáo: “Đã vậy họ còn thay đổi toàn bộ bảo vệ của trại và huy động phương tiện tẩu tán heo ngay trong đêm. Nếu tôi không cản lại thì sau khi tẩu tán hết đàn heo, họ sẽ bỏ mặc trang trại như kiểu “đánh bài chuồn”. Như vậy, mọi thiệt hại tôi đều tự gánh chịu”.

Công ty Ja Pfa đã khởi kiện ông Lương đến Tòa án nhân dân huyện Lộc Ninh vì hành vi không cho xuất heo ra khỏi trại và đòi bồi thường hơn 4 tỷ đồng thiệt hại. Còn ông Lương cũng đang dự tính khởi kiện Công ty Ja Pfa vì gây thiệt hại tài sản của trại khoảng 20 tỷ đồng và số tiền thuê mà đơn vị này còn nợ lại. Ông Lương than thở: “Họ đặt hàng cho tôi làm trang trại theo quy chuẩn của họ, nay phải làm gì với đống tài sản bị hư hỏng này? Bởi công ty chăn nuôi nào cũng có quy định kỹ thuật riêng. Đúng là lòng tin đặt không đúng chỗ dẫn đến vừa bị thiệt hại vừa thành bị đơn bất đắc dĩ”.

PV Nội chính

  • Từ khóa
92774

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu