Thứ 6, 19/04/2024 21:03:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:34, 04/11/2016 GMT+7

Khai thác cát ở sông Đồng Nai và hệ lụy được báo trước: Bài cuối

Thứ 6, 04/11/2016 | 07:34:00 352 lượt xem

>> Bài 1: Tàu hút và xe tải lộng hành

LIỆU CÓ SỰ TIẾP TAY CHO “CÁT TẶC”?

Nghịch lý là mỗi tỉnh chỉ cấp phép cho một đơn vị khai thác cát ở thượng nguồn sông Đồng Nai với khối lượng hạn chế trong năm. Trong khi trên tuyến đường Sao Bọng - Đăng Hà lại có hàng chục bãi tập kết cát và hằng ngày từng đoàn xe trọng tải lớn vận chuyển đi qua cổng UBND xã Thống Nhất, nhưng chính quyền xã vẫn khẳng định... không phải “cát tặc”.

NỖI LO CỦA NGƯỜI DÂN

Người dân ở hai bên bờ thượng nguồn sông Đồng Nai rất vui khi chúng tôi đến tìm hiểu về “cát tặc”, nhưng họ đều đề nghị giấu tên khi cung cấp thông tin, vì sợ bị trả thù. “Xin các anh đừng nêu tên chúng tôi lên báo. Nguy hiểm lắm! Nếu họ biết chúng tôi phản ánh, sẽ rất khó làm ăn và sinh sống yên ổn” - nhiều người cung cấp thông tin về “cát tặc” nói.

Bãi tập kết cát hoạt động khá nhộn nhịpBãi tập kết cát hoạt động khá nhộn nhịp

Dù chúng tôi đứng cách cả trăm mét vẫn nghe thấy tiếng máy của ghe bơm hút cát, khói đen từ máy nổ bay nghi ngút. Ban đầu, ghe bơm hút trộm cát ở khu vực giữa sông, nhưng không cạnh tranh được với những ghe lớn khác nên tiến sát vào bờ. Với các đối tượng “cát tặc”, hút đoạn gần bờ có nhiều cái lợi, bởi ở đây trữ lượng cát còn nhiều, lại dễ dàng bơm hút trộm. Hậu quả từ việc khai thác cát trái phép đã khiến đất hai bờ sông liên tục sạt lở. Nguy hiểm nhất là đoạn ngay chân cầu Phước Cát đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. “Cứ đà này thì sẽ không còn cây cầu nữa, dòng sông sẽ “nuốt” nó mất” - ông K.K.M ở gần cầu Phước Cát lo sợ nói. Người dân sống hai bên bờ lên tiếng không thấu, khiếu nại tập thể cũng không giải quyết được gì nên ném đá, làm giàn ná bắn đá tấn công bọn khai thác cát trái phép. “Cát tặc” trên ghe “bạch tuộc” đáp trả bằng cách cho ghe ra gần giữa sông rồi nối ống hút xỉa vào gần bờ... Thậm chí chúng còn hăm dọa xử theo kiểu xã hội đen.

“Ngày trước khúc sông này khá hẹp, nhưng những năm gần đây do nạn bơm hút cát trái phép sát bờ dẫn đến sạt lở, lòng sông cứ thế mở rộng ra hai bên khiến nhiều người mất trắng vườn. Chúng tôi rất bức xúc nhưng đành bất lực, cầu cứu chính quyền xã mấy năm rồi mà vẫn vậy. Nhiều hộ đành phải bán đất rẫy chuyển đi nơi khác sinh sống. Bỏ mảnh đất đã gắn bó bao năm họ rất xót xa nhưng vẫn phải rời đi” - ông K.K.M nói như khóc.

VÌ SAO CHÍNH QUYỀN XÃ ĐỨNG NGOÀI CUỘC?

Trước sự bức xúc của người dân, chúng tôi đã đến UBND xã Đăng Hà tìm hiểu. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Võ Ngọc Hoàng Vũ cũng tỏ ra khá bức xúc, nhưng lại khiến chúng tôi bất ngờ, vì chính quyền nơi đây cũng không biết có bao nhiêu đơn vị được cấp phép khai thác cát trên đoạn sông này. Đặt vấn đề tại sao “cát tặc” hoạt động giữa ban ngày, ngay sát UBND xã gây sạt lở đất của người dân rất nghiêm trọng, nhưng chính quyền và cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn? Hai vị lãnh đạo xã Đăng Hà và Thống Nhất cho biết, do thẩm quyền không cho phép, lực lượng của xã quá mỏng, chưa có cơ chế phối hợp giữa các cấp để kiểm tra phương tiện và điều kiện để bắt các đối tượng bơm hút trộm cát.

Tại các kỳ tiếp xúc cử tri ở 2 xã Thống Nhất, Đăng Hà, một trong những vấn đề được cử tri quan tâm là tình trạng khai thác cát bừa bãi ở thượng nguồn sông Đồng Nai tàn phá môi trường. Đại diện ngành chức năng và chính quyền sở tại đã hứa sẽ xử lý nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Mùa khô, ống hút nước của trạm bơm không chạm tới mực nước sông. Hệ lụy là người dân không thể canh tác vào mùa khô và bị sạt lở đất khi mùa mưa.

“Trước phản ánh của người dân, xã Đăng Hà cũng đã phối hợp với 2 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2 của huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) tổ chức truy đuổi “cát tặc” , nhưng đâu lại vào đấy nên chính quyền xã đành bất lực” - ông Vũ nói. Cùng quan điểm, ông Bùi Xuân Thế, Chủ tịch UBND xã Thống Nhất nói thêm: Chúng tôi chỉ được kiểm tra, xử phạt hành chính khi các bãi tập kết cát chảy tràn ra đường, chứ không được quản lý và thu bất cứ khoản phí nào đối với doanh nghiệp kinh doanh cát trong khu vực quản lý. Bởi “họ” nộp thuế, lệ phí trực tiếp lên cấp tỉnh, huyện.

Được biết, từ tháng 7-2015 đến nay, chỉ có Công ty TNHH SX-TM-DV Trường Phát được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát trên 2 đoạn ở thượng nguồn sông Đồng Nai (dài khoảng 14km) phân chia ranh giới các xã Đăng Hà, Thống Nhất và 2 xã Phước Cát 1, Phước Cát 2. Trong giấy phép khai thác quy định rõ, sản lượng 40.000m3/năm; khu vực được quy định cụ thể về khai thác cát phải cách bờ sông 10m; địa điểm tập kết cát; thời hạn khai thác 3,5 năm; số lượng tàu hút; phương pháp khai thác. Phía tỉnh Lâm Đồng cũng chỉ cấp cho 1 đơn vị và 2 tỉnh đều công bố rõ những đoạn sông cấm khai thác cát. Tuy nhiên, lợi dụng giấy phép này, “cát tặc” trà trộn vào những ghe khai thác cát của công ty để hút trộm cát, khiến hoạt động khai thác cát ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở bờ sông và nhà dân.

CHẲNG LẼ BÓ TAY?

Nhiều người dân sống dọc hai bờ sông Đồng Nai cho hay, khoảng 2 năm trước, hoạt động bơm hút trộm cát đã tạm lắng, có thời gian dài không xảy ra. Nhưng gần 2 năm qua, nạn khai thác cát trái phép tái diễn, thậm chí nhộn nhịp hơn trước. “Nhà nước có luật pháp và đầy đủ các cơ quan chức năng giám sát, xử lý mà để tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra thời gian dài là phi lý. Phải chăng “cát tặc” đang được tiếp tay tàn phá môi trường?” - ông M, ấp 3, xã Đăng Hà bức xúc.

Trong vai người mua cát bỏ mối ở các huyện, thị xã trong tỉnh, chúng tôi đến liên hệ kinh doanh, đại diện các chủ bãi tập kết cát đều thừa nhận: Không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh nguồn gốc cát hợp pháp từ đơn vị có thẩm quyền cấp phép. Họ đều cho biết hoạt động kinh doanh theo quy luật “cầu - cung” và sẵn sàng đáp ứng khối lượng mà khách hàng yêu cầu. Mỗi khối cát lên xe có giá 105 ngàn đồng. Với từng đoàn xe chở cát liên tục ra vào các bãi sẽ là những khoản lợi không thể tính đếm. Chúng tôi đến một cửa hàng vật liệu xây dựng trên địa bàn thị xã Đồng Xoài hỏi mua một xe 12 khối cát, chủ cửa hàng cho biết: Không có xe loại 12 khối, nếu mua một xe bằng thùng là 13 khối trở lên thì có giá 310 ngàn đồng/m3, mua lẻ 400 ngàn đồng/m3 cát”. Lợi nhuận từ kinh doanh “cát tặc” rất lớn trong khi không có bất cứ quy chế phối hợp nào để ngăn chặn.

Từ sự lộng hành của “cát tặc” đến những xe tải nặng tung hoành trên cung đường mà tỉnh phải “trầy trật” mới có kinh phí để nâng cấp khiến dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng có ai đó, cơ quan nào đó “chống lưng” bao che cho những kẻ bất chấp luật pháp và công khai hoạt động ầm ầm trên cả một con sông lớn?

Để “cát tặc” không còn cơ hội hoạt động, cần có sự kiểm tra, xử lý kiên quyết và thường xuyên của các cơ quan chức năng, địa phương 2 tỉnh Bình Phước và Lâm Đồng. Bên cạnh đó cần có sự nghiên cứu đánh giá tác động môi trường do khai thác cát trên thượng nguồn sông Đồng Nai để có giải pháp khắc phục kịp thời và phù hợp.

>> Bài 1: Tàu hút và xe tải lộng hành

Mảng Tường

  • Từ khóa
93137

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu