Thứ 6, 29/03/2024 21:13:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:12, 24/07/2019 GMT+7

Hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử

Thứ 4, 24/07/2019 | 10:12:00 270 lượt xem
BP - Sáng 23-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử các bộ, ngành, địa phương. Tại điểm cầu Bình Phước, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; huyện, thị xã, thành phố dự hội nghị.

Trình bày tóm tắt báo cáo tình hình triển khai xây dựng chính phủ điện tử và hoạt động của Ủy ban, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổng thư ký Ủy ban cho biết, đến nay đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai chính phủ điện tử như: Trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng dịch vụ công quốc gia... Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đang tích cực phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) triển khai hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước

Hiện 100% bộ, cơ quan ngang bộ và 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trừ TP. Hồ Chí Minh) đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; 100% bộ và 32/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17 của Chính phủ. Cùng với việc ban hành thể chế, việc xây dựng nền tảng công nghệ phát triển chính phủ điện tử cũng được thực hiện. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia được ưu tiên triển khai, như cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, đất đai quốc gia, dân cư, tài chính...

Tuy nhiên, một số nội dung triển khai chưa đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo, còn tình trạng lùi thời hạn, chưa chủ động trong thực hiện; tiến độ xây dựng một số cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin còn chậm hoặc gặp khó khăn trong bố trí kinh phí; kết nối, chia sẻ dữ liệu rất hạn chế. Mặc dù gửi, nhận văn bản điện tử đã được triển khai rộng khắp nhưng việc đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử chưa đồng bộ; thể thức, hình thức chữ ký số văn bản của các bộ, ngành và địa phương chưa thống nhất. Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử tại một số địa phương chưa đảm bảo chức năng; số lượng dịch vụ công trực tuyến nhiều nhưng tỷ lệ phát sinh hồ sơ thấp, kém hiệu quả, có dịch vụ không phát sinh hồ sơ, gây lãng phí.

Về phương hướng những tháng cuối năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung kết nối liên thông gửi, nhận văn bản điện tử theo Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành, cơ sở dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo danh mục Thủ tướng đã ban hành và khả năng sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia...

N.T

  • Từ khóa
29139

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu