Thứ 3, 19/03/2024 12:37:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 10:07, 17/04/2019 GMT+7

Hoàn cảnh rất cần trợ giúp

Thứ 4, 17/04/2019 | 10:07:00 746 lượt xem

BP - Hôm vừa rồi, nhiệt độ ngoài trời tại thành phố Đồng Xoài ở ngưỡng 370C, đang bị cảm nên bà Nguyễn Thị Hồng phải ở nhà. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ là 4 bức tường xây bằng gạch, mái lợp tôn ẩm thấp, nóng ngột ngạt đón đầu dự án và đã mục nát từ lâu. Căn nhà nằm trong khu vực dự án đường 30, thuộc khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài). Tài sản trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường sắt xập xệ, hoen rỉ và chiếc xe đạp cà tàng là phương tiện đi kiếm sống hằng ngày của bà Hồng. Căn nhà này của ai bà Hồng cũng không biết. Bà đã sống trong đó trọn 25 năm. Chủ của căn nhà thỉnh thoảng có đến thăm khu đất và thấy hoàn cảnh của bà quá khó khăn nên để bà ở tạm bợ qua ngày cho đến khi bị giải tỏa.

Bà Nguyễn Thị Hồng sống tạm bợ trong căn nhà đón đầu dự án đường 30, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài)Bà Nguyễn Thị Hồng sống tạm bợ trong căn nhà đón đầu dự án đường 30, khu phố Thanh Bình, phường Tân Bình (Đồng Xoài)

Bên bếp lửa kê tạm ngoài hiên, bà Hồng bắc vội ấm nước sôi để pha gói cháo ăn liền cho bữa trưa. Bà Hồng kể: Tôi năm nay đã 65 tuổi, từ Bình Thuận vào đây lập nghiệp năm 1994. Vào vùng đất mới không vốn, lại không có phương tiện sản xuất nên tôi đi làm thuê. Sau ngày Bình Phước tái lập tỉnh, các vườn rẫy của người dân ở khu vực này biến thành khu dân cư, đô thị nên công việc nhặt điều, cuốc cỏ của tôi cũng ít đi nên phải chọn nghề nhặt ve chai kiếm sống từ đó đến nay. Hỏi chuyện chồng con, bà Hồng buồn nói: “Ở quê năm tôi 40 tuổi vẫn sống độc thân nên mới vào đất này lập nghiệp. Bây giờ ở tuổi này, người ta có cháu bồng và vui tuổi già bên gia đình... còn tôi vẫn một mình bươn chải kiếm sống”. Thấy hoàn cảnh bà Hồng quá khó khăn, mới đây một người hàng xóm thương tình đã kéo cho bà đường dây điện nhưng chỉ thắp sáng vào ban đêm. Nước ăn uống, bà cũng phải sang hàng xóm xách từng xô nhỏ về sử dụng.

Một ngày làm việc của bà Hồng bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Sáng sớm bà nấu cơm rồi để vào chiếc cà mèn cũ mang theo để ăn trưa rồi dắt chiếc xe đạp đi khắp hang cùng ngõ hẻm nhặt rác mưu sinh. Trưa đến, bà tìm gốc cây xanh bên vệ đường để nghỉ và ăn cơm rồi đội chiếc nón lá rách lỗ chỗ tiếp tục cuộc mưu sinh. Tối bà ghé các vựa ve chai để bán những thứ nhặt được trong ngày rồi trở về nghỉ ngơi. Làm bạn với bà trong những đêm khuya vắng là chiếc radio cũ kỹ, thường xuyên bị mất tín hiệu. Cuộc sống vất vả, thiếu thốn với những bữa cơm trưa vội vàng, những chặng đường nhặt rác đã làm cho bà như một bà cụ trên 80 tuổi. Khi trò chuyện với chúng tôi, bà Hồng chỉ cầu mong có sức khỏe để lao động nuôi sống bản thân. Hỏi về chuyện thu nhập, bà bảo cũng tùy thuộc mưa, nắng, ngày khỏe hay đau ốm nhưng cũng đủ tiền đong gạo hay mua thuốc khi bị bệnh đột xuất. Bà rất lo lắng vì đến ngày nào đó, dự án đường 30 tiếp tục thi công thì căn nhà đang tá túc sẽ bị giải tỏa. Khi đó bà sẽ không còn chỗ để nương thân.

Rất mong các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện xã hội tạo điều kiện đưa bà Hồng vào trại dưỡng lão để an dưỡng tuổi già, sống vui vầy trong những năm còn lại của cuộc đời.

Tấn Phong

  • Từ khóa
91430

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu