Thứ 7, 04/05/2024 17:30:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:59, 06/01/2019 GMT+7

KỶ NIỆM 40 NĂM CHIẾN THẮNG CHIẾN TRANH BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ CÙNG NHÂN DÂN CAMPUCHIA CHIẾN THẮNG CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG (7-1-1979 - 7-1-2019)

Giúp đất nước Campuchia hồi sinh - Bài 2

Chủ nhật, 06/01/2019 | 06:59:00 2,327 lượt xem

>> Những ngày tháng không quên - Bài 1

BP - Tiêu diệt và làm tan rã chính quyền, quân đội của Pol Pot đã khó, nhưng giúp bạn giữ vững để xây dựng lại đất nước Campuchia còn khó khăn hơn rất nhiều. Tất cả đơn vị bộ đội Việt Nam trước khi sang Campuchia đều quán triệt không được đụng đến bất cứ thứ gì của bạn, trừ củi và nước để nấu ăn. Tất cả phương tiện, vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm đều vận chuyển từ Việt Nam sang. Mỗi người lính sang Campuchia đều phải viết đơn tình nguyện; những chiến sĩ sức khỏe yếu không được tham gia, mà ở lại căn cứ của đơn vị. Kỷ luật của quân đội về dân vận nghiêm ngặt nhất được đưa lên hàng đầu.

MỘT ĐẤT NƯỚC TAN HOANG

Sau ngày giải phóng Campuchia (17-4-1975), bè lũ Pol Pot - Ieng Sary đã thực hiện ở đất nước này một xã hội kỳ quái: Không có thành thị, chùa chiền mà chỉ có những trại tập trung mang tên “công xã”. Một đất nước mà nhân dân phải lao động khổ sai dưới roi vọt của Ăng Ca và binh lính. Trong công xã, từ cụ già đến em nhỏ đều phải lao động như nô lệ, bị đánh đập như súc vật; nhiều phụ nữ bị tuyệt đường sinh đẻ; con người bị đập chết bằng cuốc xẻng, báng súng bất cứ lúc nào... Trong xã hội quái gở này, những người yêu nước, yêu tự do, công lý, có văn hóa, tri thức đều “đáng tội chết”. Ngay cả những sĩ quan, binh lính trong quân đội của chúng, chỉ cần cấp trên nghi ngờ là lập tức bị thủ tiêu. Hàng chục vạn Việt kiều và cả Hoa kiều cũng không thoát khỏi cảnh đày ải, khủng bố, sát hại.

Những ngày đầu tại Campuchia, chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi đó là một đất nước vắng tanh như chốn không người, đồng ruộng không một cây lúa. Chế độ Pol Pot thực hiện triệt để “5 không”: không bệnh viện, không trường học, không chợ búa, không tiền bạc, không chùa chiền. Dưới sự cầm quyền của Pol Pot - Ieng Sary nhân dân Campuchia phải chịu đựng muôn vàn thống khổ, bị cấm đoán quyền tự do và bị giết hại không cần lý do. Vì vậy, chế độ diệt chủng Pol Pot là chế độ tàn bạo chưa từng có trên thế giới. Trong 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền của chúng, có hơn 2 triệu người dân vô tội của đất nước Campuchia bị giết. Khi chính quyền và quân đội của  Pol Pot - Ieng Sary sụp đổ, từng đoàn người dân với một màu áo đen, cơ thể còm cõi, trên đầu họ chỉ có chiếc khăn rằn nối nhau lếch thếch, lầm lũi bước trên đường trong cái nắng chói chang giữa mùa khô, bắt đầu trở về quê.

Bộ đội Việt Nam và người dân Campuchia ngày đầu giải phóng - Ảnh tư liệu

Một đất nước sau ngày được giải phóng như vậy, trong khi đó chính quyền và quân đội của cách mạng Campuchia còn rất non trẻ, chưa đủ sức quét sạch tàn quân và gìn giữ đất nước. Do đó, quân đội Việt Nam được lệnh ở lại giúp bạn xây dựng chính quyền, huấn luyện quân cho bạn, giúp dân trở về phum, sóc cũ sinh sống. Mặc dù lúc bấy giờ đất nước ta vừa trải qua chiến tranh chống Mỹ, nhân dân còn nghèo khó nhưng Việt Nam vẫn chia sẻ với Campuchia cả về vật chất và tinh thần. Cùng với bộ đội, nhiều nhân lực cấp cao là các đoàn chuyên gia về y tế, giáo dục, kinh tế đã lần lượt sang làm nghĩa vụ trên đất bạn, giúp Campuchia khôi phục phần nào đất nước sau thảm họa diệt chủng.

GIÚP BẠN LÀ GIÚP MÌNH

Để giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, quân tình nguyện Việt Nam đã làm chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác trên quy mô cả nước Campuchia trong một thời gian dài. Những người lính tình nguyện đã giúp nhân dân Campuchia thực hiện một cuộc hồi sinh dân tộc vĩ đại sau những hậu quả khủng khiếp, những tàn phá đảo lộn xã hội mà chế độ Pol Pot đã gây ra cho đất nước, môi trường sống và con người nơi đây. Bộ đội và các chuyên gia Việt Nam cùng quân đội, chính quyền Campuchia đã giúp hàng chục vạn gia đình, hàng triệu người dân tiều tụy đói khát trở về quê, khôi phục sản xuất, làm lại nhà cửa, trường học, chùa chiền. Nhân dân Campuchia đã dấy lên một cao trào quần chúng hồi sinh trong từng người, từng gia đình, từng thôn, ấp và toàn dân tộc. Trên mọi miền đất nước Campuchia, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hòa mình, gắn bó với dân, cứu giúp dân, bảo vệ dân và cũng được nhân dân Campuchia yêu mến, tin cậy. Với sự gắn bó mật thiết, sự giúp đỡ người dân một cách vô tư, trong sáng nên quân đội Việt Nam được nhân dân Campuchia gọi là “Bộ đội nhà Phật”.

Từ 23 tiểu đoàn được xây dựng ban đầu, với sự giúp đỡ của Việt Nam, trên cơ sở phong trào quần chúng, Campuchia đã nhanh chóng xây dựng được lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân, với hệ thống cơ quan chỉ huy lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở. Lực lượng quân đội của bạn từng bước trưởng thành, tự đảm đương nhiệm vụ nên quân tình nguyện Việt Nam hằng năm rút một bộ phận về nước. Sau 10 năm hồi sinh, phát triển (1979-1989), lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia đã hoàn toàn có thể tự đảm đương toàn bộ nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Vì vậy, quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ, đến ngày 29-6-1989, những đơn vị cuối cùng của bộ đội ta đã rút hết về nước. Ở thủ đô Phnom Penh và nhiều nơi khác, Nhà nước và nhân dân Campuchia đã tổ chức những buổi lễ, tiễn quân tình nguyện Việt Nam hết sức trọng thể và thắm tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia.

Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam rút về nước với tư thế hoàn thành nhiệm vụ giúp bạn, sáng ngời chính nghĩa. Lực lượng yêu nước và tiến bộ Campuchia đã tự mình đứng vững và có thể đương đầu với mọi sự tiến công của các thế lực thù địch. Đó là biểu hiện nổi bật của thắng lợi cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và những năm tháng giúp bạn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngồi trên những chiếc xe giải phóng đã cũ kỹ, những người lính chúng tôi không khỏi bồi hồi, xúc động trước cảnh tượng các mẹ, các anh chị, các bạn Campuchia ra tận xe trao những món quà quê đầy tình thân thiết. Nhiều người dân đã không cầm được nước mắt khi chia tay “coong tóp Việt Nam - bộ đội nhà Phật”.

Tiến Bình

  • Từ khóa
25433

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu