Thứ 6, 29/03/2024 19:56:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:52, 11/08/2016 GMT+7

Giải pháp cho người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước - Bài 1

Thứ 5, 11/08/2016 | 07:52:00 615 lượt xem

BP - Những năm gần đây, nhiều người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam nhưng hầu hết không có giấy tờ tùy thân đã gây khó khăn cho việc nhập quốc tịch và đăng ký hộ tịch, hộ khẩu. Những người di cư tự do về nước cư trú tại các khu vực sông, hồ, đập và chỉ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản nên đời sống không ổn định và gặp rất nhiều khó khăn. Tại Bình Phước, dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ người di cư từ Campuchia về nhưng lại vướng các thủ tục pháp lý, bởi muốn hỗ trợ cấp đất theo các chương trình của Chính phủ thì bắt buộc phải là hộ nghèo hoặc hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, khó khăn về nhà ở. Nhưng vì chưa có quốc tịch nên mọi chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thể đến với họ.

Và hiện đã có tin vui khi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp và UBND các tỉnh, thành đang tổng rà soát và có kế hoạch nhập quốc tịch, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cho người di cư tự do từ Campuchia về nước.

NỖI BUỒN CỦA NGƯỜI DI CƯ TỰ DO TỪ CAMPUCHIA

Hầu hết những người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước kinh tế rất khó khăn. Do trói buộc về mặt pháp lý nên những năm qua, mọi sự hỗ trợ của chính quyền chỉ mang tính tạm thời như tặng quà nhân các ngày lễ, tết. Do đó, người di cư tự do chưa có được những điều kiện sống tối thiểu về văn hóa, y tế, giáo dục…

CHẤP HÀNH NGHIÊM PHÁP LUẬT VIỆT NAM

Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở Tư pháp, hiện trên địa bàn tỉnh có 222 hộ di cư tự do từ Campuchia về, với 1.078 người chưa có quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu. Trong đó, huyện Bù Gia Mập có 111 hộ với 493 người; Bù Đốp 37 hộ với 202 người; Lộc Ninh 22 hộ với 116 người; Bù Đăng 21 hộ với 83 người; Hớn Quản 11 hộ với 78 người...

Những hộ di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên hồ thủy điện Thác Mơ  thuộc địa phận xã Đức HạnhNhững hộ di cư tự do từ Campuchia về sinh sống trên hồ thủy điện Thác Mơ  thuộc địa phận xã Đức Hạnh

Huyện Bù Gia Mập có số dân di cư tự do từ Campuchia về nhiều nhất, hầu hết họ sinh sống trên mặt nước ở các hồ thủy điện Thác Mơ, Cần Đơn thuộc 2 xã Phước Minh và Đức Hạnh. Các hộ dân này chủ yếu làm nghề nuôi cá, đánh bắt thủy sản tại các lòng hồ hoặc làm thuê, thường xuyên di chuyển, không ổn định chỗ ở. Do không có giấy tờ tùy thân, nhà ở hợp pháp nên người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Không có quốc tịch Việt Nam nên các vấn đề an sinh xã hội như đất ở, đất sản xuất, nhà ở, y tế..., người di cư tự do từ Campuchia về không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ. Khi về Bình Phước, tài sản lớn nhất của họ chỉ là một vài bao lưới đánh cá nên sống chủ yếu dựa vào đánh bắt cá ở các sông, hồ. Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm (Hớn Quản) cho biết: Trước đây, khu vực chân cầu Sài Gòn đoạn qua xã Minh Tâm có khoảng 15 hộ sinh sống. Quá trình tách hộ và di cư đi nơi khác sinh sống nên nay còn khoảng 7 hộ. Họ chỉ dựng chòi tạm bợ, mái lợp tôn hoặc thưng bạt để sống. Còn tại thôn Bàu Nghé, xã Phước Tín (Phước Long) có khoảng 30 hộ dân vẫn chưa có quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu. Họ dựng nhà tạm trên đất bán ngập của lòng hồ thủy điện Thác Mơ và sống bằng nghề chài lưới.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Tư pháp vào trung tuần tháng 7-2015, đại diện Công an tỉnh cho biết, hầu hết người di cư tự do sống trên địa bàn tỉnh đã được lập hồ sơ theo dõi. Về cơ bản, những người di cư tự do chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam. Tại các khu dân cư hay làng bè có người di cư sinh sống không tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự.

CHỈ CÓ THỂ HỖ TRỢ TẠM THỜI

Cũng tại buổi làm việc với Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Quang Toản, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh phản ánh: Trong quá trình giám sát các đơn vị lập danh sách cử tri bầu đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, chúng tôi ghi nhận nhiều ý kiến của những người dân từ Campuchia về nước từ năm 1994-1995 kiến nghị, hơn 20 năm sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa được thực hiện quyền công dân vì chưa được cấp quốc tịch. Đây là những công dân sống trên lãnh thổ và có phong tục tập quán của người Việt Nam. Trước đây, họ phải tha phương cầu thực nhưng vì quá khó khăn nên về nước và sống lênh đênh trên các dòng sông, lòng hồ. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, nếu những hộ đủ điều kiện theo quy định thì cấp quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu cho họ. Đừng vì ngại khó khăn, sợ làn sóng di cư mới từ Campuchia về mà làm chậm tiến độ cấp quốc tịch, hộ tịch, hộ khẩu cho số người này theo quy định. Song song với việc cấp quốc tịch, hộ tịch, chúng ta cần quy hoạch đất định cư và hỗ trợ để họ đảm bảo được cuộc sống tối thiểu.

               Những người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản (ảnh chụp trên hồ Phước Hòa, đoạn thuộc địa phận xã Nha Bích, huyện Chơn Thành)Những người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt thủy sản (ảnh chụp trên hồ Phước Hòa, đoạn thuộc địa phận xã Nha Bích, huyện Chơn Thành)

Huyện Bù Đăng có 21 hộ dân di cư tự do từ Campuchia về thì 20 hộ có nhà tạm trên đất lâm phần và đất bán ngập của các hồ thủy điện. Thực hiện chính sách an sinh xã hội, UBND huyện đã cấp đất, giao khoán đất trồng rừng cho 9 hộ đủ điều kiện, trong đó 5 hộ được giao khoán trồng rừng và 4 hộ cấp đất theo Chương trình 134. Như vậy, hiện mới có huyện Bù Đăng linh động giao khoán đất trồng rừng và cấp đất theo Chương trình 134 cho các đối tượng này. Các địa bàn còn lại chỉ mới hỗ trợ tạm thời như tặng quà vào các dịp lễ, tết. Bởi những chính sách lớn như cấp đất định canh, định cư; cấp kinh phí xây dựng nhà ở; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em và người cao tuổi... phải bảo đảm được các điều kiện pháp lý theo quy định. Muốn được cấp đất định canh, định cư, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế... thì phải là hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Để được chứng nhận hộ nghèo thì phải có hộ khẩu thường trú nhưng để có hộ khẩu thường trú lại phải có đất và nhà ở... Chính những quy định bắt buộc và có phần tréo ngoe này mà những người di cư tự do từ Campuchia về tỉnh chưa được hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước.  

Để giải quyết vấn đề thất học của con em người di cư tự do từ Campuchia về Bình Phước, chính quyền các cấp đã có nhiều biện pháp nhưng cũng chỉ mang tính tạm thời. Tại xã Minh Tâm, chính quyền xã đã vận động mở lớp dạy chữ vào ban đêm cho người di cư tự do. Bà Nguyễn Thị Quý, Chủ tịch UBND xã Minh Tâm cho biết: Khi mở lớp, số người đến học tương đối đông nhưng chỉ trong thời gian ngắn là thưa dần. Người lớn phần vì ngại, phần vì phải vật lộn với từng bữa cơm của gia đình. Trẻ em không có người đưa đón nên lớp học phải đóng cửa.

Nhất Sơn

  • Từ khóa
93034

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu