Thứ 6, 19/04/2024 06:08:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 03:25, 08/04/2015 GMT+7

Dự án sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn: Nông dân Bù Đốp còn khát đến bao giờ?

Thứ 4, 08/04/2015 | 03:25:00 917 lượt xem

>> Lộc Khánh bao giờ hết khát?

BP - “Bù Đốp là một huyện biên giới, thuần nông. Nhưng nhìn những cánh đồng hoang hóa như sa mạc vào mùa khô thương lắm. Làm nông mà không có nước sao chuyển đổi được cây trồng để nâng cao thu nhập cho người dân. Mình nóng lòng, người dân cũng nóng lòng trông chờ dự án dữ lắm. Nếu công trình hoàn thành đưa vào sử dụng thì tốt cho Bù Đốp biết mấy” - Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng nói như than thở.

8 NĂM CHỜ DỰ ÁN

5 sào ruộng lúa của gia đình ông Nông Văn Cánh ở ấp Tân Thuận, xã Tân Thành ngay bên cạnh kênh tưới cấp I của công trình sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Thế nhưng, mỗi năm ruộng của ông Cánh chỉ làm được một vụ lúa nhờ nguồn nước trời. Cùng với 5 sào lúa, 1 ha cà phê của gia đình ông trong những ngày này cũng đã cạn kiệt nước tưới. Vào mùa khô, cánh đồng rộng lớn ước chừng cả trăm hécta trước nhà ông bao năm nay đều bỏ hoang. Người dân không thể trồng bất kỳ loại cây gì trên vùng đất ruộng này, đơn giản là không có nước tưới. Ông Cánh cho biết, kênh dẫn nước tưới đi qua ngõ nhà ông đã hoàn thành cách đây 2 năm. Ông cũng như mọi người dân trong ấp không hiểu sao nó không có nước. Nhà nông một nắng hai sương nhưng chỉ biết được chừng ấy.

Hàng trăm hécta ruộng lúa của xã Tân Thành chờ nước của dự án để sản xuất vụ 2

Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Bù Đốp Huỳnh Thanh Vũ cho biết: Tổng diện tích gieo trồng của các xã Thanh Hòa, Tân Thành, Tân Tiến và thị trấn Thanh Bình khoảng 1.200 ha. Toàn bộ diện tích này chỉ làm được một vụ lúa trong năm. Nếu có được nguồn nước của công trình sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn thì ít nhất cũng có 1.000 ha làm được 2 vụ. Năng suất bình quân mỗi hécta lúa thấp nhất cũng được 3 tấn. Nếu đem năng suất này nhân với cả ngàn hécta thì mỗi năm Bù Đốp mất không 3.000 tấn lúa. Cả huyện Bù Đốp cho đến nay vẫn chưa có mét kênh nội đồng kiên cố nào được đưa vào sử dụng. Tất cả diện tích cây trồng từ lâu năm đến hàng năm đều trông chờ vào công trình sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn. Với một huyện nghèo, thuần nông như Bù Đốp mà mất không ngần ấy tấn lúa quả là chuyện không đơn giản chút nào!?

NƯỚC MẮT NGƯỜI DÂN ĐÃ CHẢY

Dù muốn hay không, năm 2015 chúng tôi cũng phải hoàn thành xong dự án. Nếu không thì Chính phủ sẽ rút vốn, không còn tiền để làm. Tuy nhiên, muốn hoàn thành trong năm nay thì UBND tỉnh phải sớm ban hành chính sách đền bù mới trong tháng 4 để chúng tôi làm căn cứ thực hiện.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Tới

Ông Nguyễn Quý Toản, người dân thuộc khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thanh Bình hớn hở nói: “Tôi mừng lắm các anh ơi! Cây cầu thủy lợi gì đó họ làm cao hơn cả mái nhà của tôi. Gần 8 năm thi công mà công trình cứ dang dở hoài. Bê tông, sắt thép chất cả đống mặc nắng mưa bào mòn. Người dân chúng tôi đi lại hết sức khó khăn. Cũng may năm vừa rồi họ dỡ cây cầu ấy xuống làm thành cái cống. Tôi kéo điện, kéo máy bơm để giúp họ sớm hoàn thành cái cống ấy. Công nhận đơn vị thi công lần này làm nhanh mà chất lượng hơn đợt trước nhiều. Con đường trước nhà tôi bây giờ đã ổn rồi, tốt rồi”.

Cạnh nhà ông Toản là khuôn viên của gia đình ông Nguyễn Văn Tâm tổng diện tích gần 3.000m2. 8 năm trước, hội đồng giải phóng mặt bằng của công trình dự án sử dụng nước sau hồ thủy lợi Cần Đơn đến đo đạc để giải phóng mặt bằng làm kênh chính cho công trình. Thế nhưng 8 năm qua, điểm thắt tại gia đình ông Tâm vẫn chưa giải quyết xong do hai bên không thống nhất được mức đền bù.

Đất vườn nhà ông Nguyễn Văn Tâm bỏ hoang đã 8 năm vì dự án

8 năm trước, cả gia đình ông Nguyễn Văn Tâm có 6 người. Cuộc sống của gia đình đầm ấm trong hạnh phúc với việc chồng làm thợ sửa máy, vợ mua bán nhỏ, các con làm nghề hàn. Thế nhưng, từ ngày có dự án đi qua khuôn viên thì hạnh phúc gia đình bắt đầu đảo lộn. Ông Tâm nhớ lại: “Tôi một thời làm ở Ty Nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long nên cũng muốn tạo điều kiện thuận lợi cho dự án sớm hoàn thành đúng tiến độ. Do vậy tôi giao mặt bằng để đi thuê phòng trọ mỗi tháng hết 600 ngàn đồng. Các con tôi cũng phải đi thuê mặt bằng làm nghề với mức 800 ngàn đồng/tháng. Cả 2 năm trời như thế mà công tác áp giá đền bù không làm xong. 400 nọc tiêu của tôi chỉ thẩm định còn 100. 2 giếng nước chỉ tính 1 cái. Công trình nhà tắm đổ bằng bê tông kiên cố để chứa nước tắm cuối cùng lại tính vật liệu bằng nhựa... Tôi không đồng ý từ đó đến giờ. Đất thì bỏ hoang đâu dám trồng cây gì. Bây giờ tôi cũng không biết họ lấy bao nhiêu đất, rồi chuyện đền bù như thế nào. 2 năm trước, vợ tôi đã bỏ nhà ra đi vì làm ăn khó khăn. Ngay cả chỗ ở cũng khó. Năm ngoái tôi cố xây lại căn nhà này để đón vợ về nhưng cô ấy cũng bỏ đi vì ở đây không có việc làm. Tôi bây giờ tay yếu nên cũng không ai còn thuê sửa máy bơm nữa. Các con đã lập gia đình ra ở riêng. Tết vừa rồi tôi phải đi cầm chiếc xe máy để lấy 2 triệu đồng mua rượu và bánh mứt tiếp đón con cháu và các bên sui gia. Mọi chuyện hiếu, hỷ trong xóm từ 2 năm nay tôi không đến bởi không có tiền”. Ông Tâm khóc...

Dự án sử dụng nước sau hồ thủy điện Cần Đơn được phê duyệt theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND, ngày 28-11-2007 của UBND tỉnh. Tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 155 tỉ 814 triệu 554 ngàn đồng, giai đoạn II là 170 tỷ 856 triệu 903 ngàn đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ do Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Tổng chiều dài kênh chính, kênh tưới tiêu cấp I, kênh tưới, kênh tiêu nội đồng và công trình trên kênh là 67.698m. Mục tiêu của dự án cung cấp nước tưới cho 4.548 ha đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bù Đốp.

Đông Kiểm

  • Từ khóa
92603

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu